Multimedia Đọc Báo in

Huyện Buôn Đôn: Nhiều giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

08:37, 23/05/2018

Trong những năm qua, ngành Giáo dục huyện Buôn Đôn đã có nhiều giải pháp hiệu quả tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) bậc mầm non và tiểu học, tạo nền tảng để học sinh lĩnh hội kiến thức trong các cấp học tiếp theo.

Năm học 2017 – 2018, Trường Tiểu học Nguyễn Du (xã Ea Wer) có 450 học sinh, trong đó có 381 em là người DTTS tại chỗ, chiếm tỷ lệ 84,6%. Phần lớn học sinh DTTS của nhà trường khi bước vào lớp 1 đều nói không sõi tiếng Việt, việc diễn đạt ý lủng củng, vốn từ vựng còn hạn chế. Nhiều em không hiểu hết lời của giáo viên và ngại giao tiếp bằng tiếng Việt. Để khắc phục tình trạng trên, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên tăng tiết, tăng buổi để tạo điều kiện cho các em được giao tiếp, học tập nhiều hơn bằng tiếng Việt; yêu cầu giáo viên dạy học tích hợp môn tiếng Việt vào các môn học và hoạt động giáo dục khác. Nhờ những giải pháp đó, đến cuối năm học, hầu hết học sinh lớp 1 là người DTTS của trường đã cơ bản thành thạo khả năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt để tiếp thu kiến thức khác mà thầy cô truyền đạt.

Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Cuôr Knia) cũng luôn chú trọng đến việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS. Năm học 2017 – 2018, trường có 231 học sinh, trong đó chỉ có 1 em là người Kinh, số học sinh còn lại người DTTS phía Bắc di cư vào. Thầy Lê Quang Quang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng cho biết: Để tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS, ngoài việc chú trọng bộ môn tiếng Việt, nhà trường còn tổ chức các trò chơi, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao để tạo môi trường cho các em rèn luyện tiếng Việt. Bên cạnh đó, nhà trường phân loại học sinh còn yếu trong việc sử dụng tiếng Việt để tổ chức dạy phụ đạo thêm cho các em.

Theo bà Hoàng Thị Bích Trâm, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Buôn Đôn, Phòng chỉ đạo các trường tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS bằng nhiều cách như: tăng thời lượng dạy học môn tiếng Việt; hằng năm tổ chức giao lưu “Tiếng Việt của chúng em” cấp trường và cấp huyện; tổ chức các hoạt động ngoại khóa để tạo điều kiện cho các em được thực hành tiếng Việt; hướng dẫn, hỗ trợ các bậc phụ huynh học sinh tham gia vào việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học qua việc tạo môi trường giao tiếp, góp phần xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình và cộng đồng. Nhờ vậy, khả năng sử dụng tiếng Việt của các em học sinh DTTS trên địa bàn huyện Buôn Đôn trong những năm gần đây không ngừng được cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS của huyện. Năm học 2016 – 2017, tỷ lệ học sinh DTTS bậc tiểu học hoàn thành chương trình lớp học, cấp học đạt 95,56%.

Bà Hoàng Thị Bích Trâm khẳng định, trong thời gian tới ngành GD-ĐT huyện sẽ tiếp tục tăng cường xây dựng môi trường tiếng Việt trong các cơ sở giáo dục; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học có học sinh là người DTTS; huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học, trong đó ưu tiên các trường vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS.

Quốc An


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.