Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Năng: Nhiều công trình nhà vệ sinh trường học xuống cấp

08:43, 28/08/2018

Tại huyện Krông Năng, nhiều trường học ở các xã vùng sâu Cư Klông, Ea Tam, Ea Toh… mỗi trường với vài trăm học sinh, nhưng chỉ có một phòng vệ sinh cho học sinh, một phòng cho giáo viên và không ít trường thầy, trò cùng dùng chung một nhà vệ sinh.

Đơn cử như Trường Tiểu học Tam Bình (thôn Tam Bình, xã Cư Klông) có gần 600 học sinh và 32 giáo viên, nhưng chỉ có 2 khu nhà vệ sinh, trong đó, một khu nhà vệ sinh có diện tích 12m2, được xây dựng đã 15 năm, hiện đã xuống cấp theo thời gian, gây bất tiện trong quá trình sử dụng. Khu nhà vệ sinh còn lại do hội phụ huynh đóng góp 15 triệu đồng xây dựng với diện tích 9 m2 vào năm 2014, nhưng đến nay cũng đã xập xệ nghiêm trọng vì không gian nhỏ hẹp, cộng với sử dụng quá tải, nguồn nước thiếu thốn, khiến thầy trò gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi giờ ra chơi, học sinh phải chờ khá lâu mới tới lượt, “bí” quá nhiều em phải ra các khu đất gần trường để giải quyết “nỗi buồn”. Vì thế, học sinh ngại đi vệ sinh ở trong trường, thường nhịn đợi đến khi về nhà. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, mà lâu dài còn góp phần hình thành thói quen không tốt, làm giảm ý thức bảo vệ môi trường trong các em. 

Nhà vệ sinh Trường Tiểu học Tam Bình (xã Cư Klông) xuống cấp, cỏ mọc bao quanh.
Nhà vệ sinh Trường Tiểu học Tam Bình (xã Cư Klông) xuống cấp, cỏ mọc bao quanh.

Nhiều năm nay cả thầy và trò Trường THCS Nguyễn Trãi (xã Cư Klông) chung cảnh sử dụng chung nhà vệ sinh. Trường được thành lập năm 2010, có 12 lớp học, gần 320 học sinh. Khu nhà vệ sinh của trường có tổng diện tích khoảng 30 m2, được xây dựng thô sơ từ nguồn xã hội hóa giáo dục, đến nay hệ thống cấp nước không hoạt động nên nhà vệ sinh luôn trong tình trạng ô nhiễm, bốc mùi. Thầy Phạm Đình Hòe, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, tình trạng nhà vệ sinh của trường xuống cấp đã nhiều năm, để bảo đảm môi trường học tập an toàn cho học sinh, nhà trường đã sửa chữa nhưng do số lượng học sinh đông nên không thể khắc phục kịp những hạng mục xuống cấp. Bên cạnh đó, để xây dựng một khu nhà vệ sinh mới đòi hỏi kinh phí không nhỏ, trong khi nguồn quỹ xây dựng của nhà trường có hạn, phải chi cho nhiều hạng mục khác nên trường không đủ sức.

Qua khảo sát của Phòng Giáo dục huyện Krông Năng, toàn huyện hiện có gần 24.000 học sinh, với tổng số 62 trường học công lập. Theo quy định của Bộ Y tế, nhà vệ sinh trường học đúng chuẩn gồm: bình quân từ 100 đến 200 học sinh trong mỗi ca học có một hố tiêu (nam riêng, nữ riêng, giáo viên riêng, học sinh riêng); 50 học sinh có một nhà tiểu. Nhà vệ sinh phải có đầy đủ vật dụng: bồn rửa tay, vòi nước, cửa sổ, hệ thống ánh sáng, cấp thoát nước, dụng cụ chứa nước, nước tẩy rửa chuyên dụng. Khu vực vệ sinh phải đầy đủ ánh sáng, hệ thống thoát nước thông thoáng; không bị đọng nước, tắc nghẽn trên sàn; cửa và xung quanh nhà vệ sinh phải được che chắn kín đáo, bảo đảm mỹ quan… Thế nhưng, khoảng 80% nhà vệ sinh trường học trên địa bàn huyện Krông Năng đều không bảo đảm đúng tiêu chuẩn.

Hệ thống cấp nước cho khu nhà vệ sinh Trường THCS Nguyễn Trãi (xã Chư Klông) ngưng hoạt động vì không có nguồn nước.
Hệ thống cấp nước cho khu nhà vệ sinh Trường THCS Nguyễn Trãi (xã Chư Klông) ngưng hoạt động vì không có nguồn nước.

Nguyên nhân dẫn đến nhà vệ sinh tại các trường học chưa đạt chuẩn là do đa số các công trình đều làm từ cách đây khá lâu mà chưa được sửa chữa, dẫn đến xuống cấp. Cùng với đó là sự quá tải do diện tích phòng vệ sinh chật hẹp, tình trạng cấp thoát nước, trang thiết bị trong các khu vệ sinh sau một thời gian sử dụng đã bị hư hỏng, cộng với sự thiếu ý thức của một bộ phận học sinh khiến nhà vệ sinh trường học luôn là “nỗi ám ảnh” của nhiều học trò, giáo viên, phụ huynh.

Nhà vệ sinh là hạng mục không thể thiếu trong các trường học, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của học sinh và thầy cô giáo; trong đó đặc biệt lưu ý là nguy cơ phát sinh và lan truyền dịch bệnh cao. Chính vì vậy, cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành tại địa phương nhằm có kế hoạch khắc phục, cải thiện, nâng cao chất lượng nhà vệ sinh tại các trường học trên địa bàn.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.