Multimedia Đọc Báo in

Những hệ lụy khi trẻ lạm dụng điện thoại di động

08:22, 15/10/2018

Với tốc độ phát triển nhanh chóng về công nghệ thông tin, nhiều trẻ em hiện nay được cha mẹ cho tiếp xúc hoặc được trang bị các những thiết bị di động như điện thoại di động, điện thoại thông minh, máy tính bảng,… từ rất sớm.

Trong đó, việc sử dụng điện thoại di động ở trẻ là dễ thấy nhất. Bên cạnh những lợi ích tích cực mang lại thì những hệ lụy của điện thoại di động gây ra cũng không hề ít như: trẻ bị ảnh hưởng về mặt tâm lý, sao nhãng việc học hành, tác động xấu đến sự phát triển về tình cảm, nhận thức, hành vi của trẻ.

Bước chân vào quán cà phê hay quán ăn… chúng ta thường hay bắt gặp những hình ảnh các bậc phụ huynh “dụ trẻ”, hay “dỗ trẻ” ngồi ăn uống hoặc chơi bằng những chiếc điện thoại thông minh để xem ca nhạc, phim hoạt hình, chơi game online,… Theo các chuyên gia y tế và tâm lý, khi trẻ lạm dụng hoặc đam mê quá mức các ứng dụng trên thiết bị di động sẽ dễ mắc các bệnh lý về sức khỏe. Trẻ dễ mắc các bệnh về mắt như cận thị, loạn thị; trẻ dễ sa vào trầm cảm, ít nói, chậm nói hoặc cử chỉ chậm chạp, ít phản ứng với các tác động xung quanh. Ở một khía cạnh khác, khi nghiện các thiết bị di động trẻ dễ bị tự kỷ, hay cáu bẳn, bực bội, la hét hoặc đập phá,… chẳng hạn như mỗi lần phụ huynh yêu cầu trẻ ngừng chơi điện thoại, trẻ sẽ ít khi nghe lời, khi cha mẹ giật điện thoại từ tay con nhiều lần làm như vậy khiến trẻ có thói quen cáu gắt và hay ăn vạ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngoài việc gây hại tới tâm sinh lý, sử dụng điện thoại nhiều, không đúng mục đích còn ảnh hưởng đến kết quả học tập của trẻ. Não trẻ sẽ không còn phát triển bình thường, trẻ sẽ mất đi sự tập trung trong việc học. Điều này dẫn đến việc nhiều trẻ hiện nay có biểu hiện thụ động, ỷ lại vào mọi thứ và đặc biệt thiếu tính kiên nhẫn trong học tập. Một trong những nguyên nhân khiến trẻ lạm dụng điện thoại đó là do bố mẹ chưa thực sự quan tâm đến con cái. Thời gian dành cho con cái như: trò chuyện, tâm sự hay chơi với con bị hạn chế. Mặt khác, cha mẹ còn buông lỏng và chưa định hướng việc sử dụng điện thoại sao cho phù hợp và hữu ích cho trẻ. Do đó, trẻ rất dễ sa vào “nghiện” điện thoại hoặc chỉ muốn được sống theo cảm giác tự do của chúng ở một thế giới khác.

Để hạn chế trẻ tiếp xúc quá mức với điện thoại di động, điện thoại thông minh và mạng xã hội, các chuyên gia khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chỉ dạy cho trẻ thấy những tác động xấu của các loại thiết bị này. Việc này sẽ khiến con trẻ giật mình và tránh xa thiết bị. Ngoài ra, để con trẻ tránh xa thiết bị di động, cha mẹ cũng cần nêu gương, không lạm dụng các thiết bị di động trong gia đình, đặc biệt trước mặt trẻ, bởi trẻ hay có sự so sánh và đặt câu hỏi, tại sao bố mẹ được dùng, còn bản thân mình lại không?,... Cha mẹ nên dành nhiều thời gian với con cái sau khi đi làm về, học tập cùng con, cùng con chơi các trò chơi bổ ích hoặc lên Internet tìm hiểu những kiến thức mới, giải thích cho con những điều hay, lẽ phải,… Cha mẹ nên lập thời khóa biểu cho con và hướng dẫn con mình thực hiện theo lịch trình đã đề ra, trong đó có những khoảng thời gian dành cho việc tập thể dục nâng cao sức khỏe, cho trẻ ra công viên chơi với những đứa trẻ khác, gửi trẻ đến các trung tâm thể dục, tập võ, múa hát nhằm giúp trẻ có thể vận động nâng cao thể lực, dẫn trẻ đi bơi, chơi bóng bàn hay bóng đá, đi bộ trong công viên, đạp xe đạp với bố mẹ,…với mục tiêu chính là để tìm cách nâng cao khả năng sáng tạo và “đánh lạc hướng” trẻ thoát khỏi đam mê quá nhiều vào công nghệ.

Cao Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.