Multimedia Đọc Báo in

Những ưu thế của giáo dục nghề nghiệp

10:51, 10/10/2018

 Bài 3: Những ưu thế của giáo dục nghề nghiệp

Ở Việt Nam, ông cha ta có câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” hoặc “Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay” hàm ý nói đến giá trị của việc làm nghề, học nghề. Ngày nay, những quan niệm ấy vẫn còn nguyên giá trị. Học nghề, làm nghề vẫn mang lại sự vinh quang, bảo đảm hạnh phúc cho mỗi cá nhân. Dưới đây là những ưu thế khi học nghề: 

Ưu thế thứ nhất, chính sách học tập hấp dẫn

Đó là chính sách miễn giảm học phí, chính sách hỗ trợ học tập, chính sách tôn vinh, sử dụng….

 Học sinh lớp 12 của tỉnh Đắk Lắk đang tìm hiểu về ngành nghề trong tương lai.
Học sinh lớp 12 của tỉnh Đắk Lắk đang tìm hiểu về ngành nghề trong tương lai.

Ưu thế thứ hai, nghề nghiệp đa đạng, phong phú

Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có sự đa dạng, phong phú nhất về các ngành nghề đào tạo, trong hệ thống giáo dục quốc dân. Với khoảng hơn 800 ngành, nghề trình độ trung cấp, hơn 500 ngành, nghề trình độ cao đẳng ở 90 nhóm ngành, nghề đào tạo, bao phủ mọi lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế, chưa kể đến hàng nghìn các nghề trình độ sơ cấp và chương trình đào tạo ngắn hạn khác.

Ngoài lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ như: máy tính, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật; kiến trúc và xây dựng; sản xuất và chế biến; nông lâm nghiệp thủy sản; môi trường và bảo vệ môi trường… còn nhiều lĩnh vực khác như giáo viên; văn hóa nghệ thuật; ngôn ngữ (tiếng Anh, Đức, Pháp…); báo chí thông tin; kinh doanh và quản lý; pháp luật; sức khỏe (y tế); dịch vụ xã hội, dịch vụ vận tải; du lịch khách sạn; an ninh quốc phòng … đủ sức cho các em học sinh sau THCS, THPT lựa chọn.

Một số lĩnh vực, nhóm ngành nghề đào tạo của giáo dục nghề nghiệp:

-Lĩnh vực nghệ thuật bao gồm: các nhóm ngành, nghề: Mỹ thuật (Điêu khắc, Hội họa…); Nghệ thuật trình diễn (Diễn viên kịch - điện ảnh; Diễn viên múa; Biên đạo múa; Piano; Nhạc Jazz; Violon; Organ; Thanh nhạc; Chỉ huy hợp xướng; Quay phim…)

-Nhóm ngành, nghề ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài ở các trình độ trung cấp, cao đẳng bao gồm: Phiên dịch tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Đức; ngôn ngữ Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản; tiếng Thái, tiếng Khơ me, tiếng Lào…

-Nhóm ngành, nghề báo chí và thông tin bao gồm: Phóng viên, biên tập, Báo chí, Công nghệ phát thanh - truyền hình, Truyền thông đa phương tiện…

-Nhóm ngành, nghề máy tính và công nghệ thông tin gồm: Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính, Truyền thông và mạng máy tín, Công nghệ kỹ thuật phần mềm máy tính, Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), Lập trình máy tính, Quản trị cơ sở dữ liệu, Quản trị mạng máy tính…

Ưu thế thứ ba, thời gian học ngắn; nội dung đào tạo gắn với thực hành

Thời gian học sơ cấp chỉ từ 3 tháng đến dưới 1 năm; học trình độ trung cấp chỉ từ 1 đến 2 năm, học cao đẳng là từ 2 đến 3 năm tùy theo ngành nghề đào tạo. Chương trình đào tạo chủ yếu là thực hành. Đối với trình độ trung cấp: thực hành, thực tập, thí nghiệm chiếm tối đa đến 75% thời lượng chương trình; đối với trình độ cao đẳng: thực hành, thực tập, thí nghiệm chiếm tối đa 70%. Quá trình đào tạo gắn với doanh nghiệp, do vậy, việc thực hành, thực tập của người học sẽ được tiến hành tại doanh nghiệp với điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thực tế trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

Để tăng cường gắn kết với thị trường lao động, việc làm và an sinh xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã ký kết các chương trình phối hợp, hợp tác với nhiều tổ chức đại diện doanh nghiệp, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổ chức GIZ (Đức), Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn Vingroup.v.v… tạo điều kiện để cho các cơ sở GDNN thực hiện gắn kết, hợp tác với doanh nghiệp trong đào tạo, bảo đảm chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

 Ngày càng có nhiều bạn trẻ chọn nghề truyền thống để học. Trong ảnh:  Học sinh Trường Cao đẳng
Ngày càng có nhiều bạn trẻ chọn nghề truyền thống để học. (Trong ảnh: Học sinh Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên đang thực hành nghề dệt truyền thống)

Ưu thế thứ tư, cơ hội việc làm dễ dàng, thu nhập cao

Theo quy luật, nhu cầu lao động trên thị trường lao động phần lớn là lao động qua đào tạo ở các trình độ của GDNN, do vậy, cơ hội việc làm sẽ là rất cao đối với người tốt nghiệp các cơ sở GDNN. Theo thống kê hàng năm, có khoảng 70% học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở GDNN, tỷ lệ này đạt trên 90%, đặc biệt có ngành, nghề đạt tỷ lệ 100%.

Với kỹ năng nghề cao, nhiều học sinh, sinh viên không chỉ dễ dàng tìm được việc làm, mà còn có thu nhập cao. Nhiều nghề, mức lương khởi điểm của sinh viên sau tốt nghiệp là 10 đến 15 triệu đồng, thậm chí ở một số nghề, mức thu nhập còn rất cao.

Ngoài việc làm trong nước, xu thế xuất khẩu lao động có chuyên môn, kỹ thuật càng tạo nhiều cơ hội việc làm ở nước ngoài cho các bạn trẻ.

Ưu thế thứ năm, sự vinh quang và thăng tiến từ học nghề

Tại nhiều nước phát triển trên thế giới, việc học nghề được mọi người quan tâm, chú trọng. Tại Đức, rất đông thanh niên thích học nghề, vì học nghề ngắn, dễ dàng hơn, không vất vả như học tập nghiên cứu ở đại học, mà lại có thu nhập nhanh, chuyển đổi nghề cũng dễ dàng. Tại Mỹ, người thợ điện, thợ xây, thợ mộc, thợ sửa chữa ống nước, thợ cơ khí, thợ sửa chữa ô tô, thợ có tay nghề cao trong các nhà máy... đều có tiền lương không thua một người tiến sĩ mới ra trường (lương một tiến sĩ dạy đại học, khoảng 40 - 50 nghìn USD một năm, lương của một thợ điện khoảng 25 USD một giờ, một năm làm 1.800 giờ tức 45 nghìn USD, không thua lương của một tiến sĩ. Thời gian lấy bằng tiến sĩ sau phổ thông là 8 đến 10 năm, thời gian lấy bằng thợ điện chỉ tốn 2 năm. Người thợ điện làm lâu năm có thể tự mở cửa hàng, làm dịch vụ, trở thành các doanh nghiệp, thăng tiến trong sự nghiệp.

 Ở Việt Nam, ông cha ta có câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” hoặc “Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay” hàm ý nói đến giá trị của việc làm nghề, học nghề. Ngày nay, những quan niệm ấy vẫn còn nguyên giá trị. Học nghề, làm nghề vẫn mang lại sự vinh quang, bảo đảm hạnh phúc cho mỗi cá nhân. Nhiều tấm gương thành đạt, đi lên từ học nghề, nhiều bạn trẻ từ bỏ ngưỡng cửa đại học để đi học nghề, giành được những vinh quang qua các kỳ thi tay nghề ASEAN, thế giới hoặc thành công trong sự nghiệp. 

 (hết)

Sở LĐ-TBXH và Báo Đắk Lắk phối hợp thực hiện 

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.