Multimedia Đọc Báo in

"Nuôi" ước mơ theo từng "con chữ"

11:53, 06/10/2018

4 giờ sáng, khi mà nhiều người vẫn đang cuộn mình trong chăn ấm thì ở làng Suối Tre nằm heo hút giữa những cánh rừng bạt ngàn thuộc xã vùng sâu Cư Amung (huyện Ea H’leo), những em học sinh phải dò dẫm từng bước băng rừng đến lớp…

Băng rừng tìm... “con chữ”

Như mọi ngày, La Thị Mai Anh (học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Lê Đình Chinh) cùng cha rời khỏi nhà khi trời còn chưa kịp hừng đông...

Nếu không đi cùng Mai Anh, tôi thật khó có thể hình dung con đường của hai cha con em ngày ngày đến lớp lại gian nan đến vậy. Với hành trang không thể thiếu là đèn pin và đôi ủng, họ phải lội bộ trên con đường lởm chởm đất đá, lầy lội, vắt qua cánh rừng hoang vắng với những con dốc dựng đứng, và cả những con suối mùa mưa chảy xiết... Dưới ánh đèn pin lấp loáng, con đường dài hun hút...

Dừng chân nghỉ mệt trên đỉnh dốc, anh La Văn Lâm (cha của Mai Anh) tâm sự: “Không biết từ bao giờ nơi tôi ở được gọi là làng Suối Tre. Vùng này chủ yếu là người dân tộc Tày – Nùng sinh sống. Các gia đình sống rải rác, nhà xa nhất cách trung tâm xã 10 km. Vì giao thông cách trở nên học sinh ở đây đều phải đi bộ đến trường”. Khi tôi cúi xuống hỏi Mai Anh: “Cháu đã nghỉ bữa học nào chưa?”, em lắc đầu nguầy nguậy. Như để trả lời thay cho con gái, anh Lâm chia sẻ thêm: “Cháu còn bé quá, trong khi đường xa lại vắng người nên sáng nào tôi cũng phải đưa cháu đi học. Nhà tôi cách điểm trường cháu học hơn 4 km, đường đi quá khó nên phải dậy thật sớm. Được cái cháu ham học nên bất kể mưa hay nắng cha con tôi đều đến lớp đúng giờ”.   

Các em học sinh ở xã Cư Amung vất vả đi học trên con đường đất lầy lội vào mùa mưa.
Các em học sinh ở xã Cư Amung vất vả đi học trên con đường đất lầy lội vào mùa mưa.

Từ làng Suối Tre đến trường, chúng tôi bắt gặp nhóm học sinh cũng đi bộ cùng nhau. "Mùa nắng, từ nhà đi bộ tới trường thì mất hơn 2 tiếng đồng hồ. Còn vào mùa mưa, có khi gần 3 tiếng. Đi hoài nên chúng em cũng thấy quen rồi", em Hoàng Thị Hằng (lớp 9, Trường THCS Hoàng Văn Thụ) giãi bày.          

Hạnh phúc giản đơn

Là xã vùng sâu, Cư Amung có địa bàn rộng, dân cư  sống rải rác, đường sá đi lại trắc trở nên các trường học phải phân chia nhiều điểm trường. Chính vì thế nên công tác giáo dục nơi đây gặp rất nhiều khó khăn.

Toàn xã hiện có 1 trường mẫu giáo với 4 phân hiệu, 1 trường tiểu học với 3 phân hiệu và 1 trường THCS. Vì phải phân ra nhiều điểm trường nên cơ sở vật chất tại các điểm trường còn rất thiếu thốn. Trường Mẫu giáo Tiểu Ngọc, ngoài điểm trường chính còn lại 3 điểm trường lẻ đều “học nhờ” ở hội trường thôn và nhà sinh hoạt cộng đồng. Điểm Trường Tiểu học Lê Đình Chinh ở thôn 3 chỉ có 3 phòng học, không đáp ứng được số lượng học sinh nên phải chia ra lớp 1, 2, 3 học buổi sáng và lớp 4, 5 học buổi chiều. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết phòng học ở các điểm trường đều đã xuống cấp với những mảng tường bong tróc, nấm mốc, bàn ghế cũ kỹ, ọp ẹp… ảnh hưởng không nhỏ đến điều kiện học tập của học sinh.

Các em  học sinh  say sưa  đọc bài.
Các em học sinh say sưa đọc bài.
 

 “Xã Cư Amung có đến 95% đồng bào dân tộc thiểu số, 67% tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo nên việc huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho giáo dục rất khó khăn. Động lực đến trường của các em chủ yếu nhờ sự tận tâm của những thầy cô giáo".

 
 
Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Cư Amung

Có mặt tại điểm Trường Tiểu học Lê Đình Chinh ở buôn Tơ Zoa, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh những em học sinh da đen nhẻm trong những bộ quần áo cũ kỹ đang chăm chú lắng nghe thầy giáo giảng bài. Giọng cô Nguyễn Thị Kiều, giáo viên phụ trách điểm trường buôn Tơ Zoa nghe buồn buồn khi tâm sự với chúng tôi: “Học sinh ở đây 100% là người đồng bào dân tộc Gia Rai. Gia đình nào cũng khó khăn nên trường không quy định học sinh mặc đồng phục. Người dân cho con đến lớp được là tốt lắm rồi. Từ ngày nhập học đến nay, nhiều em còn chưa có đồ thể dục nữa. Học sinh ở đây cái gì cũng thiếu, ngay cả sách vở cũng là nhờ thầy cô đi xin và góp tiền mua cho các em”.

Thật khó có thể kể hết ra đây những khó khăn vất vả của thầy và trò nơi vùng sâu Cư Amung này. Nhưng đằng sau những nhọc nhằn, trăn trở ấy, tôi cảm nhận niềm vui lấp lánh trong từng ánh mắt của những em học sinh phải băng rừng lội suối để “nuôi” ước mơ theo từng “con chữ”, trong từng cử chỉ ân cần trìu mến của các thầy cô giáo dành cho học trò… Như tâm sự của thầy Phạm Đình Kiệm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh khi chia tay với chúng tôi: "Dù khó khăn nhưng học sinh ở đây đều rất ham học.  Không gì hạnh phúc hơn khi nhìn thấy học trò mình đến lớp mỗi ngày…”.

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.