Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

07:47, 05/10/2018

Tạo môi trường cho các em giao tiếp, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, sử dụng đồ dùng học tập có nhiều tranh ảnh minh họa… là cách làm linh hoạt của các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện M’Đrắk nhằm giúp học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) thêm yêu tiếng Việt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Thực tế cho thấy, tại gia đình và cộng đồng dân cư người DTTS không thường xuyên sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp nên con em họ ít có điều kiện trau dồi tiếng Việt. Vì vậy, vốn từ tiếng Việt của học sinh DTTS còn nghèo nàn, phát âm chưa chuẩn, viết thường sai lỗi chính tả, ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập.

Năm học 2018-2019, huyện M’Đrắk có tổng số trên 16.000 học sinh ở 3 bậc học: Mầm non, Tiểu học và THCS, trong đó có gần 50% học sinh là người DTTS. Để nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh người DTTS, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện M’Đrắk đã chỉ đạo các trường triển khai Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Tùy vào điều kiện thực tế, mỗi cơ sở giáo dục có cách làm phù hợp và xem đó là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.

Học sinh lớp 4B, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Cư Mta, huyện M'Đrắk) tự tin hơn trong giờ học tiếng Việt.
Học sinh lớp 4B, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Cư Mta, huyện M'Đrắk) tự tin hơn trong giờ học tiếng Việt.
 
“Thông qua các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS đã giúp các em thêm tự tin, sử dụng thành thạo tiếng Việt, tăng khả năng tiếp thu kiến thức, nâng cao kết quả học tập. Tại chương trình “Giao lưu tiếng Việt của chúng em” dành cho học sinh DTTS cấp Tiểu học tỉnh Đắk Lắk năm học 2016-2017, huyện M’Đrắk đã đoạt giải Nhất toàn Đoàn”. 
 
Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện M’Đrắk Bùi Thị Thêm

Cô Trương Thị Sâm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Cư Mta) cho hay, năm học 2018-2019, toàn trường có 375 học sinh, trong đó học sinh DTTS chiếm 70%. Cái khó trong việc dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS của trường là nhiều học sinh phát âm tiếng Việt chưa chuẩn nên đọc và viết sai chính tả, không hiểu nghĩa một số từ, rụt rè trong giao tiếp. Chính vì vậy, bên cạnh việc khảo sát, nắm bắt trình độ, khả năng tiếp thu của các em, nhà trường đã khuyến khích học sinh giao tiếp bằng tiếng Việt, tăng cường thời lượng dạy đọc, viết tiếng Việt; tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa liên quan đến tiếng Việt như: hát, kể chuyện, đóng kịch, sinh hoạt sao nhí… để thu hút các em tham gia. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm các lớp cũng chú trọng hơn đến việc sử dụng tranh ảnh minh họa, làm đồ dùng dạy học trực quan, tổ chức một số trò chơi vận động trong các tiết học và phân công các bạn học khá kèm cặp những bạn yếu. Em H’Tuyên Ksơr, học sinh lớp 4B bày tỏ: “Trước đây em rất rụt rè, không tham gia các hoạt động của trường, lớp vì chưa đọc thông viết thạo tiếng Việt. Sau thời gian học ở trường, được giao tiếp nhiều bằng tiếng Việt, tham gia các hoạt động ngoại khóa nên giờ em tự tin hơn và rất thích đi học”.

Đối với Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (xã Ea Trang), để giúp học sinh DTTS theo kịp chương trình, mỗi giáo viên đều linh động trong phương pháp dạy và học tiếng Việt. Theo cô H’Yem Byă, giáo viên chủ nhiệm lớp 3B, khả năng tiếp thu của các em rất hạn chế nên đòi hỏi giáo viên không chỉ kiên trì, nhẫn nại đánh vần, giải thích từ ngữ mà còn phải khéo léo động viên, khuyến khích các em phát âm, sử dụng câu từ trong tiếp cận với đồ dùng, đồ chơi ở lớp, giao tiếp với bạn bè, cho học sinh đóng vai, đối thoại trong các trò chơi, giao cho các em tự kiểm tra bài, phát hiện và sửa các lỗi sai cho nhau...

Hoạt động ngoài giờ lên lớp của học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Cư Mta).
Hoạt động ngoài giờ lên lớp của học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Cư Mta).

Cô Bùi Thị Thêm, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện M’Đrắk cho biết thêm: Việc tăng cường tiếng Việt không chỉ được các trường thực hiện trong giờ lên lớp mà còn ở nhiều hoạt động khác như: xây dựng “Góc hoạt động tiếng Việt”, tổ chức giao lưu tiếng Việt, văn hóa văn nghệ thể thao, giáo dục kỹ năng sống, phối hợp với ban tự quản thôn tuyên truyền, vận động phụ huynh giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT huyện còn phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên về kỹ năng tăng cường tiếng Việt, bồi dưỡng cấp chứng chỉ tiếng DTTS cho cán bộ, giáo viên đang công tác tại các trường vùng đồng bào DTTS.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.