Multimedia Đọc Báo in

Học trò trưởng thành là sự tri ân lớn nhất với thầy cô

08:44, 16/11/2018

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện M’Đrắk được thành lập năm 1978, đóng chân trên địa bàn buôn Dăk, xã Cư Mta. Dù chỉ có quy mô nhỏ với 4 lớp và 160 học sinh, 22 giáo viên, cán bộ công nhân viên song việc thực hiện nhiệm vụ của nhà trường không hề dễ dàng.

Học sinh của trường thuộc nhiều dân tộc, đa số có hoàn cảnh khó khăn, phụ huynh thường bận mưu sinh nên ít quan tâm đến con cái; các em lại đi học xa nhà từ nhỏ nên rất nhớ gia đình. Vì vậy, bên cạnh việc giảng dạy kiến thức, các thầy cô giáo nhà trường còn giống như người cha, người mẹ thứ hai thường xuyên gần gũi, tâm sự, tạo cho các em một chỗ dựa tinh thần để các em yên tâm học tập. Các thầy cô giáo cũng là người trực tiếp hướng dẫn các em từ việc vệ sinh cá nhân, sắp xếp tư trang trong phòng, cách ăn, ở tập thể… đến việc học hành; tạo các sân chơi, hoạt động để các em tìm thấy niềm vui, niềm hứng khởi ở trường học, xem trường như ngôi nhà thứ hai của mình.

        Cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc  nội trú THCS huyện M'Đrắk.  Ảnh: N.Hoa
Cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện M'Đrắk. 

Với vai trò là lãnh đạo nhà trường, tôi luôn trăn trở suy nghĩ làm thế nào để tạo động lực, tiếp thêm sức mạnh cho giáo viên, nhân viên nhà trường làm việc hăng say, hiệu quả và sáng tạo. Tôi cố gắng tạo môi trường làm việc thân thiện; tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng giáo viên, nhân viên; quan tâm công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; bảo đảm quyền lợi cho các thầy cô giáo về lương, thưởng và thu nhập thêm… để họ không còn bận tâm lo cơm, áo, gạo, tiền mà toàn tâm đầu tư công sức cho công việc; đánh giá đúng những đóng góp của giáo viên, thừa nhận những khả năng của họ, tôn trọng những thành quả họ làm được để động viên, khen thưởng kịp thời.

 Mỗi năm, đến Ngày Hiến chương các nhà giáo, tôi luôn nhìn lại, tự ngẫm và tự chất vấn: “Mình đã làm được gì cho giáo viên, cho học sinh của mình? Mình có đáp ứng được sự mong chờ, kỳ vọng của giáo viên, học sinh chưa? Làm gì để giáo viên, học sinh của mình trở thành người có đạo đức trong sáng, có kiến thức vững vàng và có  kỹ năng tốt?”... 18 năm trong nghề giáo, những năm tháng gắn bó với học sinh dân tộc thiểu số ở ngôi trường nội trú là quãng thời gian ý nghĩa và đáng nhớ nhất của tôi. Đây là nơi tình cảm được thể hiện đơn giản mà chân thật nhất, quên làm sao được những lời các em nhắn nhủ “cô về cẩn thận nhé cô” vào cuối mỗi buổi học; những lá thư chúc mừng, những tấm thiệp tự tay các em làm với những đường nét trang trí, những lời chúc mừng ngây thơ mà vô cùng chân thành, dễ thương… Đây cũng chính là động lực để tôi làm việc, để nỗ lực tìm kiếm câu trả lời của chính mình và luôn phấn đấu để hoàn thiện mình hơn.

Đã chọn nghề dạy học, gắn bó với trường, với học sinh nội trú, kỳ vọng lớn nhất của các thầy cô giáo là mong học sinh chịu khó học hành đến nơi đến chốn để trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định, giúp đỡ chính gia đình mình, quê hương mình thoát khỏi cảnh nghèo khó. Đó cũng là sự tri ân lớn nhất mà thầy cô mong đợi nhận được. Chúng tôi – những giáo viên trường dân tộc nội trú – sẽ luôn dành mọi tình thương, trách nhiệm cho học trò của mình, nỗ lực hơn nữa trong tu dưỡng, giữ gìn và phát huy đạo đức nhà giáo, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn để xứng đáng với nghề cao quý này.

Đỗ Thị Loan

(Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện M’Đrắk)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.