Multimedia Đọc Báo in

Nhọc nhằn tìm... con chữ

10:39, 27/11/2018

Dẫu hoàn cảnh gia đình khó khăn, hàng chục học sinh ở khu nhà tập thể của Trường THCS Lê Lợi, xã Đắk Phơi (huyện Lắk) vẫn chăm chỉ vượt khó trên hành trình tìm con chữ.

Làm thuê kiếm tiền học

Năm học 2018 – 2019, Trường THCS Lê Lợi có 406 học sinh, trong đó có 24 em học sinh dân tộc Hmông ở khu vực đồi Đắk Hiu, cách trường hơn 10 km nên các em phải ở trọ tại khu nhà tập thể giáo viên của trường, mỗi tuần chỉ về thăm nhà một lần vào ngày nghỉ cuối tuần. Cứ đến chiều chủ nhật, các em lại cùng nhau băng đồi dốc trở lại trường, mang lỉnh kỉnh gạo, thực phẩm để dùng cho cả tuần. Nhà nghèo, mỗi tuần đến trường các em được bố mẹ cho 50 nghìn đồng, em nhiều nhất được 70 nghìn đồng. Với số tiền ít ỏi đó, hiếm hoi lắm các em mới được bữa cơm có thịt. Để có thêm tiền mua thức ăn trong tuần và mua sách vở, nhiều em phải tranh thủ những buổi nghỉ học để làm thuê.

Em  Ma Văn Sơn  chuẩn bị bữa ăn  cho hai anh em sau giờ tan học.
Em Ma Văn Sơn chuẩn bị bữa ăn cho hai anh em sau giờ tan học.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, em Ma Văn Sơn năm nay 20 tuổi mà mới học lớp 8, là học sinh lớn tuổi nhất của trường. Được biết, học hết tiểu học Sơn nghỉ ở nhà mấy năm liền để phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy. Sau nhiều lần được thầy cô giáo động viên, bố mẹ đồng ý cho em tiếp tục đến trường. Hiện nay, Sơn và em trai là Ma Văn Hai cùng học chung một lớp. Mỗi tuần, bố mẹ cho hai anh em 100 nghìn đồng tiền mua thức ăn, dụng cụ học tập. Sơn tâm sự, với số tiền bố mẹ cấp hàng tuần, hai anh em chắt chiu lắm cũng chỉ đủ mua rau, đậu khuôn, cá khô và bình ga, nên vẫn tranh thủ những buổi nghỉ học đi hái cà phê, hái tiêu, cuốc cỏ thuê cho những hộ có đất rẫy gần trường học. Tiền công mỗi buổi làm thuê em 80 nghìn đồng, mỗi tuần chỉ cần đi làm 1 - 2 buổi là hai anh em đủ chi tiêu và mua thêm đồ dùng học tập, sách vở.

Tương tự, em Lầu A Vễnh, lớp 8B mỗi tuần đến trường mẹ chỉ cho 40 nghìn đồng, do đó Vễnh phải tranh thủ những buổi nghỉ học để làm thuê kiếm tiền. Em Vễnh bộc bạch: “Trong nhà, bố em là trụ cột gia đình, cách đây 2 tháng, khi đi kiếm măng, không may bố bị trượt chân té xuống suối tử vong. Từ ngày bố mất, mọi việc trong nhà mỗi mình mẹ xoay xở. Quá khó khăn, anh trai em phải bỏ học để phụ giúp mẹ làm rẫy, làm thuê. Có những tuần về đúng dịp không có công làm thuê, trong nhà không còn nổi 10 nghìn đồng, mẹ phải đi vay hàng xóm, những lúc như thế em chỉ biết rơi nước mắt. Để tiếp tục nuôi ước mơ học chữ, ngoài những buổi học đến lớp, em theo nhóm các bạn ở đồi Đắk Hiu tìm việc làm thuê kiếm tiền mua sách vở, chi phí sinh hoạt hằng ngày".

Cần lắm khu nội trú!

Khu nhà tập thể của giáo viên Trường THCS Lê Lợi trước đây gồm 3 phòng, diện tích mỗi phòng khoảng 15 m2, đủ để 2 - 3 giáo viên ở trọ. Sau khi giáo viên đã lập gia đình, không có nhu cầu ở nhà tập thể, trường bố trí dãy nhà này cho học sinh khu vực đồi Đắk Hiu ở trọ. Hiện 3 phòng tập thể này là nơi ở của 30 học sinh, bao gồm 24 em Trường THCS Lê Lợi và 5 em Trường Tiểu học Lê Thị Hồng Gấm xin ở nhờ. Việc ở trọ tại khu tập thể chỉ là bất đắc dĩ, bởi khu nhà này được xây dựng từ lâu, hiện nay đã hư hỏng, xuống cấp, đặc biệt mùa mưa thường bị dột nước, ẩm mốc. Phòng ở chật chội, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhất là phòng ở của học sinh nam, mỗi phòng có hơn 10 em tá túc, khiến việc học hành, sinh hoạt hết sức khó khăn. Khổ nhất đến giờ nấu ăn, các em phải chen chúc nhau trong một góc bếp chật hẹp, căn phòng trở nên ngột ngạt, nguy cơ chập điện, cháy nổ rất cao. Em Sùng Seo Quân, lớp 8A phàn nàn, em và các bạn trọ học ở đây đã mấy năm, mùa mưa đến lúc nào cũng thấp thỏm sợ ướt sách vở, áo quần vì phòng trọ dột. Vào ngày nghỉ cuối tuần, trước khi về nhà em phải cất sách vở vào túi ni lông thật cẩn thận để lỡ có mưa thì không bị ướt.

Khu nhà tập thể mỗi phòng chỉ rộng khoảng 15 m2 là nơi trọ của 12 em tại Trường THCS Lê Lợi.
Khu nhà tập thể mỗi phòng chỉ rộng khoảng 15 m2 là nơi trọ của 12 em tại Trường THCS Lê Lợi.

Trước những khó khăn của học sinh ở trọ tại trường, Ban Giám hiệu Trường THCS Lê Lợi đã vận động cán bộ, giáo viên quyên góp áo quần, sách vở cũ và làm vườn rau trong khuôn viên trường để hỗ trợ các em. Thầy Bùi Văn Hưng, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, đầu năm học 2018 – 2019, Trường đã huy động giáo viên và học sinh trong trường lao động làm vườn rau cho học sinh ở trọ tại trường. Còn kinh phí xây dựng, mở rộng khu nhà trọ thì trường không có nguồn nên các em vẫn phải ở tạm dãy nhà tập thể cũ.

Dẫu hoàn cảnh gia đình khó khăn, điều kiện chỗ ở trọ chật chội, song khi hỏi về dự định tương lai, tất cả học sinh ở khu tập thể của Trường THCS Lê Lợi đều thể hiện quyết tâm phải học để có kiến thức – điều đó khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Mong rằng, thời gian không xa, một khu tập thể mới sạch sẽ, rộng rãi sẽ được xây dựng, để hành trình tìm chữ của các em xã vùng III Đắk Phơi đỡ chông chênh, gập ghềnh.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.