Multimedia Đọc Báo in

Những giáo viên nhiệt huyết, sáng tạo

16:03, 17/11/2018

Bằng sự tận tâm, tận tụy, yêu nghề, nhiều giáo viên đã luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo, đạt nhiều thành tích trong công tác giảng dạy...

Thầy giáo “giàu” thành tích trong bồi dưỡng học sinh giỏi

Ở Trường THCS Nguyễn Tất Thành, thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar), nhắc đến thầy giáo Nguyễn Châu Long là nhắc đến thành tích trong công tác giảng dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk năm 1998, đến nay thầy Long đã có 20 năm đứng trên bục giảng. Từng ấy năm gắn bó với nghề, thầy vẫn luôn đầy nhiệt huyết, hăng say công tác. Thầy không ngừng học hỏi từ các đồng nghiệp đi trước để tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân; đồng thời, chủ động tìm tòi học hỏi, tự nghiên cứu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Chất lượng giảng dạy bộ môn Toán của thầy tại trường luôn đạt kết quả cao, số học sinh có điểm môn toán đạt khá, giỏi chiếm trên 90%, đặc biệt có năm chiếm đến 98%. Từ năm 2001 đến nay, thầy đã có nhiều năm đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện và cấp tỉnh.

Thầy Nguyễn Châu Long hướng dẫn  học sinh làm  bài tập.
Thầy Nguyễn Châu Long hướng dẫn học sinh làm bài tập.

Nhờ năng động, nhiệt tình, nắm chắc chuyên môn, từ năm 2013 đến nay thầy Nguyễn Châu Long được Ban Giám hiệu nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ tuyển chọn, bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Toán của trường. Từ đó đến nay, hầu như năm nào trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh, đội tuyển do thầy Long tuyển chọn, bồi dưỡng đều có học sinh đoạt giải, trong đó có nhiều em đạt thành tích cao. Chỉ tính riêng năm học 2017 – 2018, đã có 5 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, trong đó có 2 giải Nhì, 2 giải Ba và 1 giải Khuyến khích. Từ khi thầy Long đảm nhận công tác bồi dưỡng học sinh giỏi đến nay, đã có 13 học sinh đoạt các giải thưởng trong các kỳ thi Quốc gia về giải Toán qua mạng Internet, trong đó có trên 60% học sinh đoạt các giải thưởng cao… Với những kết quả đạt được, thầy Long được gọi là giáo viên “giàu” thành tích trong tuyển chọn, bồi dưỡng học sinh giỏi của trường.

Nhận xét về thầy Nguyễn Châu Long, thầy Trần Mẫn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tất Thành cho biết: “Thầy Long là một trong những thầy giáo trẻ, có năng lực, rất tâm huyết, say mê với nghề và có sự đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi. Hằng năm, số học sinh giỏi của đội tuyển thầy phụ trách luôn giữ đều và đạt cao, thường thì năm sau luôn cao hơn năm trước, đơn cử như: năm học 2017 – 2018 toàn trường có 7 em học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh thì học sinh do thầy Long bồi dưỡng đã chiếm 5 em”.

Cô giáo khơi dậy tình yêu môn Văn cho học sinh

Năm 2001, sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm văn Trường Đại học Tây Nguyên với tấm bằng loại giỏi, cô Hà Thị Hạnh nhận công tác tại Trường THPT Buôn Hồ. Suốt 17 năm đứng trên bục giảng cũng là ngần ấy thời gian cô Hạnh luôn không ngừng học hỏi để nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ; tìm tòi, áp dụng nhiều phương pháp phát huy cao nhất tính tích cực sáng tạo của học sinh, khơi dậy, bồi dưỡng tình yêu văn học cho các em.

Cô Hà  Thị Hạnh (bên trái) nhận  Bằng khen của  UBND tỉnh.
Cô Hà Thị Hạnh (bên trái) nhận Bằng khen của UBND tỉnh.

Cô đã vận dụng linh hoạt, hiệu quả các phương pháp dạy học tích cực bằng hình thức thảo luận nhóm, đóng vai, nghiên cứu tình huống, đặt và giải quyết vấn đề; sân khấu hóa tác phẩm văn học; lồng ghép trò chơi trong quá trình dạy và học; liên hệ những kiến thức, lý thuyết với từng tình huống thực tiễn; tổ chức những giờ học ngoại khóa; xây dựng các đề thi theo hướng mở nhằm khơi dậy sự sáng tạo và tư duy độc lập của học sinh. Các biện pháp này đã mang lại hiệu quả rõ rệt: các tiết học của cô giáo Hà Thị Hạnh luôn tạo không khí sôi nổi, thu hút và vô cùng hấp dẫn học sinh. Kết quả học tập môn văn của các em được cải thiện rõ rệt.

Những cố gắng của cô Hà Thị Hạnh đã được ghi nhận bằng nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Nhiều năm liền cô đã đoạt giải tại Hội thi sáng kiến kinh nghiệm, được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Mới đây, cô Hạnh được đề nghị để Liên đoàn Lao động tỉnh khen thưởng trong phong trào thi đua “Gia đình cán bộ, nhà giáo và lao động tiêu biểu”.

Không tự bằng lòng với những gì đạt được, cô Hạnh vẫn luôn cố gắng rèn luyện, học tập nâng cao trình độ chuyên môn; hiện cô đang theo học lớp đào tạo sau Đại học do Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức.

Hạnh phúc khi được đứng trên bục giảng

Gần 30 năm gắn bó với những học trò vùng sâu, vùng xa, niềm hạnh phúc lớn nhất đối với cô H’Yem Byă, giáo viên Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (xã Ea Trang, huyện M’Đrắk) là được đứng trên bục giảng truyền thụ kiến thức cho học sinh.

Nhớ lại những ngày đầu đến với nghề giáo, cô H’Yem kể: “Tôi vào nghề từ năm 1988, lúc ấy đời sống rất khó khăn. Trước mỗi buổi học, các thầy cô phải đến từng nhà trong buôn làm công tác dân vận, thuyết phục phụ huynh cho con em đến trường. Cơ sở vật chất tạm bợ, lớp học vắng bóng học sinh, đôi khi tôi muốn bỏ nghề về làm nông. Nhưng rồi lòng yêu nghề mến trẻ đã thôi thúc mình tìm đến các em và gắn bó mãi tận bây giờ”.

Cô  H'Yem Byă hướng dẫn học sinh  học môn  Tiếng Việt.
Cô H'Yem Byă hướng dẫn học sinh học môn Tiếng Việt.

Thấm thoát đã gần 30 mùa rẫy cô H’Yem đứng trên bục giảng. Được điều động đi dạy ở các trường, điểm trường trên địa bàn xã Ea Trang, nơi nào đối với cô cũng rất đỗi thân thương vì được thỏa niềm đam mê của mình. Là giáo viên dạy giỏi tiếng dân tộc cấp huyện và nhiều năm gắn bó với nghề, có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, cô H’Yem cho rằng, muốn dạy tốt phải gần gũi, nắm bắt tâm lý học sinh để kịp thời động viên, khích lệ, phát huy thế mạnh của từng em, phải hiểu rõ năng lực, khả năng nắm bắt bài học của từng học sinh, từ đó có phương pháp dạy học phù hợp.

Với yêu cầu ngày càng cao của nghề giáo, cô H’Yem luôn nỗ lực học hỏi để cập nhật, chuẩn hóa kiến thức từ đồng nghiệp, Internet, các phương tiện thông tin đại chúng, làm các sáng kiến kinh nghiệm… Khi Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng được chọn là 1 trong 4 trường điểm của huyện áp dụng mô hình trường học mới VNEN, cô cùng các đồng nghiệp trong trường tích cực tham gia các lớp tập huấn, thay đổi phương pháp giảng dạy, lấy học sinh làm trung tâm và phát huy tinh thần tự học của các em. Với những lớp học có 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, khả năng tiếp thu của các em rất hạn chế, để giúp học sinh nắm bắt nội dung bài học, cô đã kiên trì, nhẫn nại đánh vần, giải thích từng từ ngữ, sưu tầm thêm các tranh ảnh, hình vẽ minh họa và khéo léo động viên, khuyến khích các em phát âm, sử dụng câu từ trong tiếp cận với đồ dùng, đồ chơi ở lớp, giao tiếp với bạn bè, cho học sinh đóng vai, đối thoại trong các trò chơi, giao cho các em tự kiểm tra bài, phát hiện và sửa các lỗi sai cho nhau. Nhờ vậy, các em đã dần thích ứng được với cách học mới, đọc thông viết thạo, tự tin hơn trong giao tiếp. “Đối với tôi, niềm vui và thành công lớn nhất là giúp các em hào hứng, thích thú với từng bài học. Tôi luôn hạnh phúc và tự hào với nghề mình đã chọn” – cô H’Yem Byă tâm sự.

Cô Phạm Thị Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng nhận xét: “Cô H’Yem là người có tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Ngoài việc chú trọng nâng cao tay nghề, đổi mới phương pháp dạy học, cô sống rất tình cảm, tận tâm với học trò. Đối với đồng nghiệp, cô rất chan hòa, khiêm tốn và sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình”.

Trung Dũng - Ninh Trang - Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.