Multimedia Đọc Báo in

Hành trình của yêu thương (Kỳ 1)

08:20, 02/12/2018

Có những lớp học của học sinh kém may mắn trong cuộc sống, em thì bị khiếm thính, em thì chậm phát triển trí tuệ… Sự học với các em đôi khi chưa hẳn cần thiết phải biết đọc thông viết thạo ngay, mà trên hết là khả năng hòa nhập với cộng đồng. Bởi vậy, công việc của giáo viên ở những lớp học như thế tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh là cả một hành trình của sự kiên nhẫn và yêu thương…

Kỳ 1: Những lớp học đặc biệt

Khác những lớp 1 thông thường với tiếng ê a đọc bài…, ở các lớp khiếm thính tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh, không gian lớp học khá yên lặng. Trên bục giảng, cô giáo hướng dẫn từng ký hiệu ngôn ngữ. Phía dưới, các em chăm chú làm theo. Lớp học không lời cũng mở đầu bằng phần “trả bài”. Bằng các ký hiệu của tay, hình thể, từng em cũng hoàn thành câu trả lời trong sự tán thưởng của cô giáo và cả lớp.

Cô Phan Thị Lệ hướng dẫn các em khiếm thính tập phát âm.
Cô Phan Thị Lệ hướng dẫn các em khiếm thính tập phát âm.

Sau phần học ký tự, các em lại tập trung vào bài học phát âm. Đây cũng là lúc cô giáo phải dùng phần lớn ngôn ngữ hình thể như há miệng, trợn mắt, bặm môi rồi bật ra âm thanh thật mạnh… để diễn đạt một động tác phát âm thông thường nhất. Cô Phan Thị Lệ, giáo viên chủ nhiệm lớp khiếm thính 1A2 chia sẻ, luyện phát âm là kỹ năng rất cần thiết để các em có thể hòa nhập cộng đồng sau khi rời Trung tâm. Do đó, trong những tiết học của các lớp khiếm thính tại đây, các giáo viên sử dụng hết khả năng của mình trên cơ thể, đặc biệt là cơ miệng, cơ mặt, để hướng dẫn các em vừa biết chữ, hiểu ký hiệu, lại có thể phát âm cho đúng, cho chuẩn… “Do các em không nghe được nên vốn từ không nhiều, do đó tôi phải dùng ngôn ngữ cơ thể nhiều để các em hiểu. Từ đó, các em có thể phát âm, diễn đạt ý nghĩ của mình. Những lúc bên các em, thấy các em bập bẹ đánh vần từng chữ, từng âm tôi vui lắm…”, cô Lê nói.

Với lớp khiếm thính, mỗi lần các em phát âm là một lần vui thì ở những lớp chuyên biệt về tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, chuyện các em tự dưng đứng phắt dậy, la hét, chạy quanh lớp… lại khiến các cô vất vả hơn rất nhiều.

Năm học 2018 – 2019, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh có 20 lớp với 181 em học sinh, trong đó có 60 em bị hội chứng tự kỷ, 12 em bị chậm phát triển trí tuệ, 109 em khiếm thính.

Ở những lớp này, nhiều em tuy đã lớn nhưng như trẻ vừa lọt lòng, từ những động tác đơn giản như thổi, cầm, nắm, chào tạm biệt... các cô đều phải dạy lại tất cả. Có những hành động đơn giản như nắm tay, cầm bút… các cô phải hướng dẫn hàng chục lần, thậm chí có trường hợp cả trăm lần trẻ vẫn chưa làm được.

Theo chia sẻ của cô Trần Thị Mai Anh, giáo viên lớp Sóc Nâu (lớp trẻ tự kỷ), giáo viên phải quan sát, nắm bắt, đánh giá đúng tình trạng của từng trẻ để có cách dạy và trị liệu riêng. Để các em tập trung vào mỗi bài học, các cô giáo luôn cẩn thận, khéo léo trong cách hướng dẫn và động viên học sinh. Một lời khen trước lớp, một tràng pháo tay hay một phần thưởng nhỏ là nguồn động lực cho các em cùng nhau tiến bộ. Cô Mai Anh tâm sự: “Không chỉ dạy chữ mà còn phải dạy các em biết tự phục vụ, biết các kỹ năng sống thông thường nhất để hòa nhập với cộng đồng…”.

Cô Trần Thị Mai Anh tập cho trẻ tự kỷ thói quen cầm, nắm.
Cô Trần Thị Mai Anh tập cho trẻ tự kỷ thói quen cầm, nắm.

Bé N.Q.B ở đường Nguyễn Công Trứ (TP. Buôn Ma Thuột) bị hội chứng chậm phát triển tham gia can thiệp sớm từ năm 3 tuổi. Thời gian đầu, chỉ động tác vòng tay chào, cô Anh và bé N.Q.B đã cùng nhau tập suốt cả tháng trời. Đến khi tan học thấy B. vòng tay chào mẹ đến đón về, cô Anh tự hào về học sinh lắm. Cô Anh kể: “Nhìn thấy B. mang cặp trong ngày khai giảng với các bạn bình thường ở một ngôi trường tiểu học, tôi và mẹ của bé đã mừng đến rơi nước mắt. Đối với trẻ bình thường thì chẳng có gì ghê gớm nhưng với trẻ tự kỷ đó là cả một quá trình học tập vất vả giữa cô và trò… Bên cạnh đó, sự phối hợp của giáo viên và phụ huynh là điều thực sự cần thiết. Bởi với học sinh tự kỷ, bố mẹ và giáo viên phải thường xuyên tác động, uốn nắn trẻ không chỉ bằng những hành động mà còn bằng tình thương”.

                         (Còn nữa)

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.