Multimedia Đọc Báo in

Vượt khó để đến trường

16:49, 05/04/2019

Khu bán trú Trường THCS Ea Lê (xã Ea Lê, huyện Ea Súp) hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2010, mỗi năm học có khoảng 20 em học sinh của trường ở bán trú do nhà cách xa trường.

Năm học 2018-2019, Trường THCS Ea Lê có 626 học sinh, trong đó có hơn 250 học sinh dân tộc thiểu số. Năm học này có 19 em học sinh người Dao và Mông ở trong 5 phòng của khu bán trú (gồm: 2 phòng nam, 3 phòng nữ). Gia đình các em đều sống tại Tiểu khu 249, cách trung tâm xã Ea Lê gần 25 km. Do quãng đường từ nhà đến trường quá xa, nên nhiều em học sinh ở đây thường phải đi học muộn vài năm so với tuổi. Tuy nhiên, nhờ có mô hình bán trú, con đường đến trường của các em học sinh ở Tiểu khu 249 được rút ngắn khoảng cách, yên tâm học hành.

Em Dương Thị Gào (phải) cùng bạn ôn tập bài.
Em Dương Thị Gào (phải) cùng bạn ôn tập bài.

Em Dương A Sam (dân tộc Dao, SN 2004) đang học lớp 7 và đã ở bán trú gần 2 năm nay. Em Sam tâm sự: “Em đi học muộn hơn 2 tuổi do nhà ở quá xa trường, đường rất khó đi, bố mẹ lại không thể đưa đón hằng ngày. Nhiều bạn cùng tuổi em được bố mẹ gửi lại nhà người thân ở trong và ngoài tỉnh để đi học, còn phần lớn đều đi học trễ như em. Năm 2015, điểm trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi được xây dựng tại Tiểu khu 249 em mới được đến trường. Lên cấp 2, em học tại Trường THCS Ea Lê và được ở bán trú lại trường”. Cũng như nhiều em học sinh ở điểm bán trú, cứ mỗi 1 - 2 tuần Sam về thăm gia đình và khi quay lại trường đem theo với rất nhiều thứ lỉnh kỉnh như: rau, củ, gạo… để sử dụng.

Gần một năm nay, Huyện Đoàn Ea Súp đã kết nối với Quỹ Hỷ Liên Tâm (TP. Hồ Chí Minh) hỗ trợ 70 triệu đồng cho học sinh bán trú của Trường THCS Ea Lê (mỗi em 15 nghìn đồng/ngày) chi phí ăn uống. Đồng thời, thường xuyên kêu gọi mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ nhu yếu phẩm như gạo, chăn, màn… để giảm bớt khó khăn cho các em.

Hay như gia đình em Dương Thị Gào (dân tộc Mông, SN 2006) chuyển đến Tiểu khu 249 cách đây hơn 2 năm, hiện em đang học lớp 7 Trường THCS Ea Lê. Cùng hành trình di dân tự do của bố mẹ từ huyện Krông Bông đến huyện Krông Pắc rồi huyện Ea Súp, suốt bậc tiểu học em Gao phải chuyển trường liên tục. Khi em lên lớp 6, gia đình đồng ý cho Gao ở bán trú tại Trường THCS Ea Lê để đeo đuổi con chữ do nhà cách trường gần 25 km, bố mẹ bận làm lụng không thể đưa đón em mỗi ngày. “Những ngày đầu xa gia đình em không ngủ được vì nhớ nhà, lại phải tự sắp xếp việc sinh hoạt, ăn uống, chi tiêu em rất lo lắng, nhưng nghĩ đến việc được đi học em lại cố gắng nhiều hơn. Mỗi tuần mẹ cho em 50 nghìn đồng để chi tiêu, cũng có khi mẹ chỉ vay mượn hàng xóm 20 nghìn đồng cho em. Thương mẹ, em chi tiêu rất dè sẻn, chỉ dám mua rau, mì tôm, rất hiếm khi mua thịt, cá. Cuối tuần em tranh thủ đạp xe về thăm nhà, đi làm cỏ, thu hoạch sắn để phụ giúp gia đình”, em Gào bộc bạch.

Các em học sinh ở khu bán trú Trường THCS Ea Lê cùng nhau học bài.
Các em học sinh ở khu bán trú Trường THCS Ea Lê cùng nhau học bài.

Thầy giáo Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ea Lê cho hay, các em học sinh ở bán trú đang ở độ tuổi dậy thì nhưng phải sử dụng chung nhà vệ sinh, nhà tắm; giếng khoan của trường lại bị nhiễm vôi, phèn nên không thể sử dụng, các em phải mua nước bình để uống rất tốn kém. Ở độ tuổi của các em chưa thể tự lo chu đáo cho bản thân, nên nhà trường đã phân công một tổ giáo viên theo dõi, quản lý nền nếp sinh hoạt, đốc thúc việc học tập, ăn uống. Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên kêu gọi, kết nối với các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ học bổng, đồ dùng học tập… nhằm giảm bớt khó khăn giúp các em yên tâm học tập. Nhờ vậy, bữa ăn của học sinh ở bán trú của trường đã được cải thiện hơn, các em tự giác ý thức học tập, tình trạng bỏ học giữa chừng không còn.

Thùy Dung

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.