Multimedia Đọc Báo in

Đường đến trường của trẻ em vùng sâu: Gian nan còn đến bao giờ?

08:07, 08/06/2019
Kết thúc năm học, tạm biệt trường nội trú và những con đường gập ghềnh để trở về gia đình, trong số các em học sinh của xã vùng sâu Cư Đrăm (huyện Krông Bông), ai sẽ đến trường vào năm học mới, ai sẽ bỏ học theo cha mẹ lên nương thì khó biết được.
 
Nhìn lại năm học đã qua, điều làm các em học sinh ở 5 thôn Cư Đhắt, Yang Hăn, Nao Huh, Ea Hăn, Ea Lưới (xã Cư Đrăm) nhớ nhất là cảnh mỗi khi tờ mờ sáng lại í ới gọi nhau đến trường. Không như các bạn khác được cha mẹ đưa đón mỗi khi đi học, các em học sinh nơi đây đều phải tự đến trường. Ở cấp tiểu học, trường chỉ cách nhà vài ki-lô-mét nhưng lên đến cấp THCS, THPT thì có em phải đi tận hơn 25 km mới đến được trường.
 
Em Vàng Thị Thiên (học sinh lớp 8C, Trường THCS Cư Đrăm) chia sẻ, nhà em ở thôn Ea Lưới, hôm nào cũng vậy, cứ 4 giờ sáng là em phải thức dậy đi học. Trong khi còn đang dụi mắt và ngáp ngắn, ngáp dài thì cả bọn lớn, nhỏ cùng “tấp” lên chiếc xe buýt cũ kỹ do cha mẹ tự thuê để các con đến trường. Chiếc xe trống trơn ghế, lại quá đông nên các em phải đứng chen chúc nhau trong xe để trải qua hàng chục ki-lô-mét đường xuống cấp với đầy ổ gà, ổ voi lởm chởm. 
 
Học sinh ở xã Cư Đrăm đến trường trên con đường lầy lội.    Ảnh: Tùng Lâm
Học sinh ở xã Cư Đrăm đến trường trên con đường lầy lội. Ảnh: Tùng Lâm
Đến trường với Thiên còn có gần 300 bạn cùng và khác thôn ở các lớp khác nhau. Hầu hết các em đều đi học bằng cách “nhồi nhét” trong những chiếc xe “cà tàng hết đát”. Đối với những gia đình không có điều kiện cho con đi xe buýt, nhiều trẻ phải tự đi xe đạp trên con đường gập ghềnh ổ voi, ổ gà. Trời nắng còn đi được chứ trời mưa thì việc “tắm bùn” của các em là chuyện cơm bữa. Chính vì vậy mà hầu hết người dân ở các thôn trên đều mong mỏi có một điểm trường THCS trong khu vực để đường đến trường của con em họ được rút ngắn phần nào.
 
Ông Vàng A Páo (thôn Yang Hăn) than thở, các cháu cấp 2, 3 ở trong thôn và các thôn lân cận phải đi xa lắm mới đến trường. Cha mẹ lại không có điều kiện nên không thể mua sắm phương tiện hoặc đưa đón, chỉ có thể thuê được chiếc xe buýt cho cả bọn cùng đi. Tuy nhiên mỗi tháng phải trả hơn 300 nghìn đồng cộng với chi phí ăn uống, sách vở… cũng là một gánh nặng lớn cho nhiều gia đình nơi đây.
 
May mắn hơn các bạn khác vì không phải thức dậy từ sớm để đến trường và về nhà khi tối muộn vì được ở bán trú, nhưng 2 người con của ông Cháng A Dế (1 em học lớp 10, 1 em học lớp 7) ở thôn Cư Đhắt lại vất vả vì phải tự túc hoàn toàn từ ăn uống, dọn vệ sinh đến chi phí điện, nước. Nhà cách xa trường tận 27 km nên việc thăm nom, chăm sóc của gia đình rất thưa thớt vì cha mẹ bận đi làm rẫy tối ngày. Cứ mỗi tháng được một, hai lần gia đình lên cung cấp lương thực và tiền cho con. Đôi khi bố mẹ không "tiếp tế" kịp, các em phải nhịn đói hoặc đi xin cơm ăn.
 
Học sinh Trường THCS Cư Đrăm ở tại khu bán trú  của Trường THPT Trần Hưng Đạo.    Ảnh: Tùng Lâm
Học sinh Trường THCS Cư Đrăm ở tại khu bán trú của Trường THPT Trần Hưng Đạo. Ảnh: Tùng Lâm
Thầy Nguyễn Văn Nhân, Hiệu trưởng Trường THCS Cư Đrăm trăn trở, nhà trường được đầu tư xây dựng hai phòng bán trú cho 11 học sinh ở, ngoài ra còn có 62 em ở tại khu bán trú gần Trường THPT Trần Hưng Đạo. Vậy là tổng cộng chưa được 100 em ở bán trú, thế nhưng năm học 2018 – 2019 nhà trường lại có tới 300 học sinh nhà ở cách xa trường trên 10 km, chủ yếu tập trung ở các thôn Cư Đhắt, Yang Hăn, Nao Huh, Ea Hăn, Ea Lưới. Hiện nhà trường không có biên chế quản sinh, cấp dưỡng, bảo vệ mà chỉ cung cấp phòng cho các em ở, còn gia đình và học sinh đều phải tự túc hoàn toàn. Vì thiếu sự quản lý nên việc sinh hoạt, học tập của các em cũng không có nền nếp, giờ giấc thất thường, ăn uống không bảo đảm, đặc biệt là khâu giữ gìn vệ sinh còn nhiều bất cập.
 
Giờ đây, hầu hết phụ huynh ở Cư Đrăm đều hiểu được vai trò của việc đi học, nhưng việc chăm chút cho sự học ấy vẫn chưa thực sự chu đáo. Tình trạng trẻ bỏ học vẫn còn xảy ra. Theo Trưởng thôn Yang Hăn Hầu Xuân Sàng, do đường đến trường xa xôi, cách trở mà điều kiện kinh tế của các hộ dân trong thôn còn khó khăn nên năm nào cũng có học sinh bỏ học. Điển hình như trường hợp của em Võ Thị Lành, con gái đầu của gia đình ông Võ Văn Páo trong thôn. Cố gắng lắm gia đình mới cho em học đến hết lớp 9 rồi ở nhà lấy chồng. Ông Páo chia sẻ, giá mà trường ở gần, đi lại thuận tiện và gia đình có điều kiện kèm cặp cháu hơn thì còn có thể học cao hơn chứ xa xôi như thế này thì không thể cố gắng được nữa…
 
Ông Lê Xuân Quý, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Krông Bông cho biết, những khó khăn của các em học sinh THCS ở xã Cư Đrăm không phải chính quyền địa phương và ngành Giáo dục huyện không biết. Tuy nhiên theo Đề án sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030 thì Trường Tiểu học Yang Hăn và Trường THCS Cư Đrăm sẽ được sáp nhập vào năm học 2027 – 2028 nên địa phương không thể đề nghị xây thêm điểm trường như mong mỏi của người dân.
 
Như vậy, trong 10 năm tới các em học sinh tại các thôn trên sẽ còn đến trường với bao nhiêu vất vả và liệu rằng các em và gia đình có kiên trì theo đuổi sự học cho đến khi Trường THCS Cư Đrăm sáp nhập về Trường Tiểu học Yang Hăn không? Thiết nghĩ, nếu đã có chủ trương sáp nhập thì nên chăng ngành Giáo dục cần đẩy nhanh tiến độ, sớm bổ sung chương trình học THCS về điểm Trường Tiểu học Yang Hăn để các em học sinh trong vùng có điều kiện học hành tốt hơn.
 
Lê  Lan

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.