Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Bông: Các trường mầm non vượt khó nâng cao chất lượng giáo dục

08:53, 27/07/2019

Huyện Krông Bông hiện có 15 trường mầm non với 148 lớp, 4.581 trẻ. Trong những năm qua, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn song các trường mầm non của huyện đã nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, huy động tối đa trẻ 5 tuổi ra lớp, xây dựng môi trường giáo dục xanh - sạch - đẹp - an toàn.

Việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, làm quen với tiếng Anh, xây dựng bếp ăn bán trú bảo đảm an toàn… đã trở thành phong trào của các trường mầm non trên địa bàn. Nhiều trường làm tốt công tác tham mưu, xã hội hóa giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, xây dựng môi trường giáo dục an toàn.

Đơn cử như Trường Mẫu giáo Cư Pui nằm ở xã vùng sâu khó khăn nhất của huyện, còn thiếu đến hơn 20 giáo viên, kinh phí dành cho xây dựng cơ sở vật chất hạn hẹp… song nhà trường được đánh giá là có cảnh quan sư phạm xanh - sạch - đẹp của bậc học mầm non trên địa bàn huyện và cũng là 1 trong 5 trường mầm non tốt nhất của tỉnh về xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

Học sinh Trường Mẫu giáo Cư Đrăm trong lễ tổng kết năm học.
Học sinh Trường Mẫu giáo Cư Đrăm trong lễ tổng kết năm học.

Đến nay huyện Krông Bông đã có 4 trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia và là điểm sáng của tỉnh về công tác kiểm định chất lượng bậc học mầm non với 12/15 trường đã được công nhận.

Thiếu giáo viên mầm non là khó khăn lớn nhất của huyện Krông Bông trong những năm qua. Hiện nay, huyện vẫn cần thêm 122 giáo viên để triển khai dạy 2 buổi/ngày; trong đó, các trường mẫu giáo ở vùng sâu như: Cư Pui, Cư Đrăm, Yang Mao… thiếu nhiều nhất. Do thiếu người nên áp lực công việc của giáo viên rất lớn. Nhiều người phải đảm đương công việc gấp đôi trong khi nhiều lớp có tỷ lệ học sinh/lớp vượt cao so với quy định.

Khó khăn là vậy song các trường đã nỗ lực để huy động trên 98,4% trẻ 5 tuổi ra lớp; 15/15 trường mầm non đã tổ chức được bán trú. Như Trường Mẫu giáo Họa Mi (xã Hòa Lễ) có 3 điểm lẻ với 8 lớp, 230 học sinh, hiện vẫn thiếu 9 giáo viên, Ban giám hiệu chỉ có duy nhất hiệu trưởng, không có nhân viên cấp dưỡng. Vậy mà nhà trường đã vận động phụ huynh tổ chức được 8 lớp bán trú bằng hình thức xã hội hóa (hợp đồng cấp dưỡng) với trên 200 trẻ được ăn bán trú trong suốt 5 năm qua dù không có nhà ăn, chỗ ăn, chỗ ngủ phải mượn phòng học.

Cô Trịnh Thị Hồng, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Họa Mi chia sẻ: "Nhà trường không có biên chế nên các gia đình phải góp tiền để hợp đồng nhân viên cấp dưỡng song nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên phụ huynh rất đồng tình. Để thuận lợi cho học sinh, mỗi bữa ăn nhà trường cử bảo vệ đưa cơm đến tận các điểm lẻ cách trường từ 4 - 5 km để các cháu có cơm ăn bảo đảm vệ sinh. Năm học mới sắp tới, nhà trường tiếp tục vận động phụ huynh để tất cả các cháu đều được ăn cơm bán trú".

Trường Mẫu giáo Cư Pui được đánh giá có cảnh quan sư phạm thân thiện.
Trường Mẫu giáo Cư Pui được đánh giá có cảnh quan sư phạm thân thiện.

Cũng do thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên nên Trường Mẫu giáo Cư Đrăm (xã Cư Đrăm) phải cố gắng rất nhiều. Trước đây, phòng học thiếu, tạm bợ, học sinh tại một số điểm trường phải học nhờ nhà sinh hoạt cộng đồng. Nhờ làm tốt công tác tham mưu, đến nay cả 8 điểm trường đều được xây dựng phòng học đầy đủ, kiên cố. Tuy nhiên, năm học vừa qua, Trường Mẫu giáo Cư Đrăm vẫn thiếu 11 giáo viên; nhiều giáo viên làm việc quá tải, không có thời gian dành cho gia đình nên nhà trường phải luôn động viên họ cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Còn đối với Trường Mẫu giáo Yang Mao (xã Yang Mao) hiện có 9 lớp, 280 trẻ ở 8 điểm trường nhưng chỉ có 9 giáo viên, thiếu 9 giáo viên so với nhu cầu. Đời sống người dân còn khó khăn nên việc thực hiện dạy 2 buổi/ngày và triển khai bếp ăn bán trú là một thách thức lớn. Tuy vậy, trong những năm qua, nhà trường đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động phụ huynh; tìm mọi cách khắc phục khó khăn về thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất để thực hiện được 4 lớp bán trú dân nuôi. Năm học sắp tới, nhà trường phấn đấu thực hiện thêm 2 lớp bán trú dân nuôi.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.