Multimedia Đọc Báo in

Thầy giáo đam mê sáng tạo kỹ thuật

09:03, 29/09/2019

Xuất phát từ nhu cầu giảng dạy, cộng với niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo những sản phẩm kỹ thuật độc đáo, Thạc sĩ Nguyễn Văn Ban, Trưởng Khoa Điện – Điện tử, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk đã cho ra đời nhiều thiết bị hữu ích trong cuộc sống…

Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, thầy Ban được tuyển dụng vào Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk. Thời điểm này, cơ sở vật chất nhà trường còn thiếu thốn nên học sinh, sinh viên chủ yếu học nặng về lý thuyết. Trong quá trình giảng dạy, thầy Ban luôn trăn trở làm sao để sinh viên được thực hành, tiếp xúc với nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại, để những bài giảng trở nên sinh động, dễ hiểu hơn. Nhờ có sự động viên, hỗ trợ về vật chất và tinh thần từ phía nhà trường đã thôi thúc thầy Ban bắt tay vào tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo ra những thiết bị phục vụ công tác giảng dạy.

Thầy Nguyễn Văn Ban đang vận hành mô hình “Điều khiển và giám sát nhiệt độ”.
Thầy Nguyễn Văn Ban đang vận hành mô hình “Điều khiển và giám sát nhiệt độ”.

17 năm gắn bó với Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk, thầy đã nghiên cứu, chế tạo hàng chục mô hình, thiết bị dạy nghề với cấu tạo ngày càng tinh vi, phức tạp, song vẫn bảo đảm được tính thẩm mỹ và tiện dụng, trong đó có 4 sản phẩm đoạt giải cấp quốc gia tại hội thi thiết bị đào tạo tự làm, 3 sản phẩm đoạt giải cấp tỉnh. Điển hình như mô hình “Thực hành đa năng PLC, trang bị điện”;  “ATS controller”; “Thiết bị ứng dụng PLC kết hợp màn hình cảm ứng vào dây chuyền sản xuất tự động”...  Các thiết bị này đã giúp học sinh, sinh viên có điều kiện thực hành, nâng cao tay nghề trong quá trình học, từ đó tạo thành khối liên kết thống nhất, chặt chẽ giữa kiến thức môn học với thực tiễn cuộc sống để đáp ứng yêu cầu công việc sau khi ra trường.

Mô hình “Điều khiển và giám sát nhiệt độ” của thầy Nguyễn Văn Ban (thứ ba từ phải sang) đoạt giải Nhất tại Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI.
Mô hình “Điều khiển và giám sát nhiệt độ” của thầy Nguyễn Văn Ban (thứ ba từ phải sang) đoạt giải Nhất tại Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI.
 

 "Những mô hình, thiết bị tự làm của thầy Ban không chỉ giúp học sinh, sinh viên dễ hiểu, rèn luyện tốt tay nghề mà còn khơi dậy tính sáng tạo của  giáo viên, sinh viên trong nghiên cứu, thiết kế mô hình, góp phần giảm áp lực mua sắm trang thiết bị dạy học cho nhà trường".

 
 
 Tiến sĩ Hoàng Minh Cương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đắk Lắk

Mới đây nhất, thầy Ban đã nghiên cứu, chế tạo thành công mô hình “Điều khiển và giám sát nhiệt độ”. Đây là mô hình được thiết kế phục vụ cho công tác giảng dạy các bài học trong modum Truyền động điện, PLC cơ bản, PLC nâng cao, vi điều khiển. Thông qua mô hình, học sinh, sinh viên được trang bị kỹ năng lắp đặt bộ điều khiển nhiệt độ, bộ biến tần, đồng hồ đo đạc, lập trình giao tiếp thiết bị và tiếp cận về điều khiển giám sát nhiệt độ, dòng diện công suất, điện năng... qua mạng truyền thông công nghiệp. Ngoài ra, thiết bị này còn có khả năng ứng dụng rất cao trong thực tế, có thể áp dụng để điều khiển hệ thống sấy, máy rang xay cà phê...   

Để tạo ra mô hình “Điều khiển và giám sát nhiệt độ”, thầy Ban phải mất hơn một năm phác thảo ý tưởng, tìm kiếm tài liệu, thiết kế bản vẽ và lắp ghép hệ thống. Trải qua nhiều lần thử nghiệm, mô hình đã hoàn thiện được phiên bản đầu tiên và đoạt giải Nhất tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp tỉnh năm 2017. Từ những ý kiến đóng góp trong khi tham gia hội thi, thầy Ban tiếp tục nghiên cứu, cải tiến hơn về thiết bị truyền thông để mô hình có khả năng điều khiển, giao tiếp với nhiều loại thiết bị. Với phiên bản hoàn chỉnh này, mô hình đã vượt qua hàng trăm thiết bị dạy nghề tự làm của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên nước để đoạt giải Nhất tại Hội thi Thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI, diễn ra vào tháng 9-2019 vừa qua tại TP. Huế.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.