Multimedia Đọc Báo in

Người mẹ thứ hai của học sinh khuyết tật

14:06, 25/11/2019
Dù công việc vất vả, nhiều áp lực nhưng cô Lê Thị Kim Cúc, giáo viên Cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân (TP. Buôn Ma Thuột) luôn nỗ lực mỗi ngày để dạy dỗ các em học sinh tiến bộ, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Tốt nghiệp chuyên ngành Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn nhưng cô Cúc lại chọn công việc nuôi dạy trẻ khuyết tật. Vì không được đào tạo bài bản về chuyên ngành giáo dục trẻ đặc biệt nên những ngày đầu, cô Cúc không biết phải bắt đầu từ đâu khi mọi thứ tưởng dễ mà quá khó. Nhiều em học sinh do cô phụ trách tuy lớn nhưng vẫn chưa biết tự đi vệ sinh, mặc quần áo, ăn uống; có em không có phản xạ giao tiếp; em thì bị tăng động...

Cô Cúc tâm sự: “Ban đầu tôi nghĩ đây chỉ là công việc tạm thời khi mới ra trường để nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình, nên nhiều khi nản lòng muốn bỏ ngang. Tuy nhiên, càng tiếp xúc, gần gũi với các em thiếu may mắn tôi lại càng muốn sẻ chia và gắn bó”.

Cô Lê Thị Kim Cúc hướng dẫn học sinh khiếm thị học chữ nổi.
Cô Lê Thị Kim Cúc hướng dẫn học sinh khiếm thị học chữ nổi.

Để dạy trẻ khuyết tật hiệu quả, cô Cúc thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp đi trước, nghiên cứu tài liệu về trẻ khuyết tật; tiến hành những bài kiểm tra để đánh giá mức độ nặng, nhẹ của trẻ, từ đó xây dựng kế hoạch giảng dạy cụ thể, phù hợp với từng đối tượng.

Hơn 15 năm gắn bó với nghề, cô Cúc đã tiếp xúc rất nhiều học sinh bị tự kỷ, khuyết tật và chậm phát triển, mỗi em có một hoàn cảnh, tính cách khác nhau nhưng đặc điểm chung của trẻ là tự ti, nhút nhát và không thích tiếp xúc với những người xung quanh.

Do đó, ngoài nắm bắt tâm lý, chú ý quan sát biểu hiện của từng em, cô Cúc dành cho trẻ nhiều tình thương, nhẫn nại. Dù mỗi lớp học chỉ khoảng 10 em nhưng đa số trẻ khuyết tật đều gặp nhiều khó khăn trong ngôn ngữ, nhận thức và giao tiếp nên để dạy các em tự làm những việc đơn giản như: rửa tay, đi vệ sinh, thay đồ… cô Cúc phải kiên trì tập luyện, dạy bảo vài tháng, thậm chí lặp đi lặp lại trong cả năm.

Không chỉ dạy văn hóa, kỹ năng sống, cô Cúc còn thắp lên cho các em khuyết tật ước mơ về tương lai tươi sáng. Trong các tiết học, cô Cúc luôn dành thời gian trò chuyện cùng học sinh. Những câu chuyện đậm tính nhân văn, miêu tả sinh động về cuộc sống của cô Cúc đã làm cho không khí lớp học luôn tràn ngập tiếng cười, giúp các em cởi mở hơn trong giao tiếp, vượt qua mặc cảm về bản thân.

Bằng tình thương, sự nhiệt huyết của cô Cúc đến nay đã có 15 em khuyết tật hòa nhập cộng đồng, đang là học sinh các trường THCS, THPT và đại học. Hàng chục em đã cải thiện tình trạng khuyết tật từ nghiêm trọng sang nhẹ và đang tiến đến hòa nhập với xã hội.

Cô Lê Thị Kim Cúc rèn luyện kỹ năng định hướng cho học sinh qua trò chơi đánh trống tìm vị trí.
Cô Lê Thị Kim Cúc rèn luyện kỹ năng định hướng cho học sinh qua trò chơi đánh trống tìm vị trí.

Khó khăn, vất vả là thế nhưng cô giáo Cúc chưa bao giờ ân hận vì quyết định của mình mà coi đó là cơ duyên và dành trọn tâm sức để cống hiến cho nghề. Tuy nhiên, điều khiến cô trăn trở hiện nay là đa số trẻ khuyết tật ít nhận được sự quan tâm của gia đình, xã hội. Nhiều phụ huynh còn e dè, thiếu trách nhiệm và phó thác cho giáo viên khiến việc học tập, hòa nhập cộng đồng của các em gặp nhiều khó khăn.

Như Quỳnh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.