Multimedia Đọc Báo in

Người thầy trên đồng cỏ

14:10, 25/11/2019
Hơn 20 năm gắn bó với người nông dân, giúp họ phát triển kinh tế, thầy Trương Tấn Khanh (Tiến sĩ Nông nghiệp ngành Chăn nuôi) luôn xem đó là niềm vui, niềm hạnh phúc.

Thầy Khanh công tác tại khoa Chăn nuôi thú y - Trường Đại học Tây Nguyên từ năm 1979. Trường thường xuyên hợp tác với các tổ chức/viện nghiên cứu trong và ngoài nước thực hiện các dự án sử dụng cây thức ăn để chăn nuôi và hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò thịt tại Đắk Lắk, trong đó Ea Kar là huyện được lựa chọn thí điểm.

Các dự án này bắt đầu từ việc nghiên cứu thích nghi, chọn lựa các giống cỏ, kỹ thuật trồng cỏ; sử dụng tốt hơn cỏ trồng và các nguồn thức ăn sẵn có để nâng cao năng suất chăn nuôi và thu nhập của người chăn nuôi; gắn kết người chăn nuôi nhỏ với nhau và với các bên liên quan, liên kết với thị trường, chuyển đổi ngành sản xuất chăn nuôi từ sản xuất truyền thống sang kinh doanh chăn nuôi...

Thầy Khanh là người trực tiếp tham gia nghiên cứu và triển khai dự án từ những ngày đầu tiên, đó cũng chính là cơ duyên gắn bó thầy với những người nông dân.

Thầy Trương Tấn Khanh (ở giữa) trao đổi với các chuyên gia trong và ngoài nước về việc  nuôi bò tại Ea Kar. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Thầy Trương Tấn Khanh (ở giữa) trao đổi với các chuyên gia trong và ngoài nước về việc nuôi bò tại Ea Kar. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Thầy Khanh nhớ lại, cách đây khoảng 20 năm, cuộc sống của người dân ở huyện Ea Kar còn rất khó khăn, không có nguồn thu nhập ổn định. Nhiều hộ vẫn nuôi bò, nhưng là giống địa phương và chăn thả ngoài đồng, với quy mô chỉ vài con nên hiệu quả kinh tế không cao. Vì vậy, trồng cỏ nuôi bò là một hướng đi hiệu quả, bởi nó sẽ làm thay đổi phương thức chăn nuôi từ quảng canh sang thâm canh và định hướng thị trường, tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người chăn nuôi.

Tuy nhiên, để thuyết phục người nông dân trồng cỏ thật không dễ dàng, bởi trước đây nông dân chỉ có khái niệm nhổ cỏ, chứ không trồng cỏ. Vì vậy, thầy đã kiên trì đến tận nhà người dân để vận động, thuyết phục trên cơ sở khoa học, kinh nghiệm đã tích lũy, chỉ ra những điểm thuận lợi khi nuôi bò bằng cỏ được trồng.

Khi nông dân đã hiểu và đồng ý thực hiện thì việc truyền dạy kỹ thuật cho họ cũng không phải là điều dễ dàng bởi không có giáo trình cụ thể mà chỉ dựa vào tình hình thực tế; trình độ người dân không đồng đều nên khi áp dụng vào có sự khác biệt…

Thời điểm ấy, phương tiện, đường sá đi lại rất vất vả nhưng hằng tuần, hằng tháng thầy đều xuống tận nơi để thăm nom, ghi chi tiết sự phát triển của cây; tìm hiểu, tháo gỡ những thắc mắc, khó khăn người dân gặp phải. Kết quả đạt được là dự án ngày càng được người dân quan tâm.

Đơn cử như dự án đánh giá thích nghi của các giống cỏ, năm 2000 chỉ có 25 hộ trồng, nhưng nhờ tính hiệu quả nên đến năm 2010 đã có trên 3.000 hộ tham gia trồng. Và niềm vui, niềm hạnh phúc của thầy chính là thấy các nông hộ phát triển, vượt qua đói nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.

Với những đóng góp của mình, thầy Khanh nhiều lần được các cấp khen thưởng về thành tích trong phát triển nông nghiệp và nông thôn. Thế nhưng phần thưởng có giá trị nhất với thầy chính là ghi nhận và tình cảm quý mến của những người nông dân.

Chị H’Dức Mlô (buôn Sứk, xã Ea Dar), một trong những nông dân được thầy hướng dẫn quy trình trồng cỏ, nuôi bò kể: “Trước đây đồng bào dân tộc thiểu số chỉ chăn nuôi bò theo kiểu truyền thống thả dưới gầm sàn và gặm cỏ tự nhiên nên năng suất rất thấp. Được thầy Khanh hướng dẫn nên đến nay trong buôn đã có 180 hộ trồng cỏ, làm chuồng, nuôi bò vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy mà bộ mặt buôn Sứk thay đổi rất nhiều, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện”.

Đồng cỏ được trồng đúng kỹ thuật, xanh tốt của nông dân Ea Kar. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Đồng cỏ được trồng đúng kỹ thuật, xanh tốt của nông dân Ea Kar. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học trong chăn nuôi, nhưng thầy Khanh luôn trân trọng, xem họ là cộng sự và đôi khi chính là những người thầy, bởi chỉ có người nông dân trực tiếp nuôi trồng mới biết rõ họ đang cần gì, thiếu gì; những kinh nghiệm thu thập được trên thực tế là báo cáo chính xác nhất của mỗi dự án.

Từ thực tiễn đó, thầy Khanh đã sử dụng phương pháp “tiếp cận khoa học có sự tham gia của người nông dân” và cùng họ cùng nghiên cứu; biến “chuyển giao kỹ thuật” thành “tìm tiến bộ kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất”. Người nông dân báo cáo khoa học, được trình bày những gì mình đã trải qua sẽ cảm thấy tự tin hơn; áp dụng cái mình đã tìm ra được thì thấy dễ dàng, phù hợp hơn.

Nhờ vậy, đến nay thầy đã cùng với những người nông dân tìm ra 20 giống cỏ phát triển được ở vùng sinh thái Tây Nguyên, đưa Ea Kar trở thành địa phương đi đầu trong việc nuôi bò với hàng nghìn con và hàng chục Câu lạc bộ nuôi bò vỗ béo, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ánh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.