Multimedia Đọc Báo in

Không bỏ rừng… ra phố

08:56, 30/01/2020

Nhiều đồng nghiệp lần lượt tìm đường ra phố thị khi đủ thời gian công tác ở vùng sâu còn cô giáo Nguyễn Vân Nhi vẫn gắn bó với học sinh, không muốn rời xa Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tô Hiệu (xã Cư San, huyện M’Đrắk).

Đấu tranh”để được ở lại vùng sâu

Xã Cư San cách trung tâm huyện 50 km đường rừng, dân cư chủ yếu là đồng bào Hmông, Dao di cư từ phía Bắc vào lập nghiệp. Đầu năm 2012, cô giáo Nhi nhận quyết định hợp đồng dạy học ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tô Hiệu.

Lần đầu tiên nhận nhiệm sở, ngôi trường mới đón cô giáo trẻ sau bốn giờ vật lộn với con đường đầy ổ voi, ổ trâu lầy lội sâu hoắm, trơn trượt, lởm chởm đá, toàn thân bê bết bùn đất, nhếch nhác như vừa cày ruộng về… Về sau, cô Nhi còn được trải nghiệm nhiều con đường đến trường “thú vị” hơn, có lúc phải mất hơn tám tiếng băng rừng, vòng qua huyện khác, đi đò qua suối lớn mới đến được trường. “Đôi lúc hoảng sợ, rơi nước mắt trên đường vắng nhưng chưa một lần tôi nản lòng, muốn từ bỏ công việc ở đây”, cô Nhi mỉm cười nhớ lại.

Cô giáo Nguyễn Vân Nhi (thứ tư từ phải sang) nhận giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” năm 2019 (Ảnh nhân vật cung cấp)
Cô giáo Nguyễn Vân Nhi (thứ tư từ phải sang) nhận giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” năm 2019 (Ảnh nhân vật cung cấp)

Để có thể tiếp cận, vận động học sinh ra lớp, cô Nhi thường xuyên đến nhà các em thăm hỏi, chuyện trò để biết thêm về phong tục, tập quán. Từ sự gần gũi, thân thiện đó, cô giáo trẻ được bà con yêu mến, tích cực tạo điều kiện để con em tới trường. Cùng với đó, cô Nhi cần mẫn tìm tòi những cách dạy mới để thu hút, tạo sự hứng thú cho học trò; các em chuyên cần hơn, giảm hẳn tình trạng bỏ học giữa chừng. Với vai trò Tổng phụ trách Đội, cô giáo Nhi tổ chức nhiều hoạt động vui chơi tập thể, hội thi, hội diễn văn nghệ, thể thao để học sinh được mở mang kiến thức, rèn luyện sự tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp.

Khi có con, vợ chồng cô giáo Nhi vỡ òa niềm vui hạnh phúc. Nhưng sống và làm việc ở một nơi điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn khiến cô rất vất vả khi nhiều lần phải đưa con đi khám chữa bệnh. Bác sĩ kết luận đứa trẻ có điểm bất thường ở não bộ, gây ra các cơn co gồng mất ý thức. Thương con, hai vợ chồng không dám để con cho ai trông mà mang vào trường, thay phiên nhau vừa dạy vừa trông con. “Cuối tuần khi đồng nghiệp về nhà hết, trường vắng tanh, hiu quạnh, hai vợ chồng động viên nhau cố gắng vượt qua hoàn cảnh để con được khỏe mạnh”, cô Nhi xúc động kể.

Sức khỏe con dần cải thiện, cô Nhi buộc gửi con cho ông bà ở thị trấn để tiện việc học mẫu giáo, để rồi mỗi tuần chỉ được gần con vào các ngày nghỉ. Những đợt luân chuyển giáo viên cuối năm học, vợ chồng cô Nhi nhiều lần tranh cãi vì chồng muốn vợ chuyển công tác về gần nhà, nhưng nguyện vọng của cô là muốn tiếp tục công tác ở đây. “Các dịp xem xét đơn xin chuyển công tác về gần nhà luôn không có đơn của tôi. Nhìn đồng nghiệp lần lượt chuyển trường, người mới đến, rồi lại chuyển đi, đôi lúc cũng chạnh lòng nhưng thực sự tôi chưa bao giờ hối hận với quyết định của mình”- cô Nhi quả quyết.

Học trò cũng là con

Gắn bó với ngôi trường vùng khó cô giáo Nhi luôn dành tình cảm cho những học trò phải chịu nhiều thua thiệt. “Khu nhà bán trú của học sinh là nhà tạm, giường ngủ là những tấm ván, kinh phí Nhà nước chỉ hỗ trợ các em bữa ăn trưa và tối, buổi sáng thì tự túc. Từ 4 giờ 30 phút, các em tự gọi nhau dậy nấu cơm sáng; thức ăn là mắm muối, rau luộc, “cao cấp” hơn có cá khô, trứng hoặc mì tôm”, cô Nhi cho hay.

Cô giáo Nguyễn Vân Nhi đến thăm nhà học sinh (Ảnh nhân vật cung cấp)
Cô giáo Nguyễn Vân Nhi đến thăm nhà học sinh (Ảnh nhân vật cung cấp)

Thương các em, cô Nhi vận động bạn bè, người thân chia sẻ những vật dụng cũ, như: áo quần, giày dép, mũ nón, sách, báo... Bạn bè nhiệt tình chung tay cùng cô Nhi hỗ trợ các em, đợt quà đầu tiên là 100 cái mũ, 100 đôi dép mới,100 cây bút trị giá hơn 2 triệu đồng. Cô Nhi tự nhủ: “Phải có nhiều hoạt động thiết thực hơn nữa để giúp học trò nghèo”.  Trong các năm 2016, 2018 cô giáo Nhi vận động được 350 suất quà tết trị giá 70 triệu đồng tặng học sinh nghèo;100 suất quà trị giá 10 triệu đồng và 5 triệu đồng để mua chăn, chiếu… tặng học sinh bán trú. 

1
Cô giáo Nhi luôn đồng hành cùng học sinh vùng khó.

Không chỉ chăm lo cho học sinh, cô Nhi còn vận động tặng quà cho hộ nghèo, sửa lại nhà ở cho người già neo đơn nơi công tác. Mới đây, thông qua cô Nhi một mạnh thường quân đã tặng ti vi, máy tính và hỗ trợ ăn sáng lâu dài cho học sinh của trường… Cứ như thế, cô Nhi đã kết nối nhiều trái tim đồng điệu để hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với học sinh nghèo. “Tôi tin rằng, cứ yêu nghề, cứ đam mê và truyền cảm hứng kể cả trong điều kiện khắc nghiệt nhất, nhất định bạn sẽ gặt hái được quả ngọt. Nguyện vọng của tôi là được tiếp tục công tác lâu dài ở đây, được góp một phần sức lực cho sự nghiệp giáo dục, để góp phần bù đắp cho học sinh những thiếu thốn, thiệt thòi”, cô giáo Nhi trải lòng.

Kỷ niệm 73 năm Ngày nhà giáo Việt Nam, cô giáo Nguyễn Vân Nhi vinh dự được Bộ trưởng Bộ GD - ĐT tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục tại vùng sâu, vùng xa và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn năm học 2018 - 2019; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong dạy những lớp học thuộc các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen đạt giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp Trung ương năm 2019.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.