Multimedia Đọc Báo in

Dạy và học trực tuyến: Những khó khăn từ thực tế (Kỳ 3)

20:40, 25/04/2020

Kỳ cuối: Chủ động tìm cách vượt khó

Trong hoàn cảnh còn nhiều thiếu thốn, nhiều trường học đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tùy tình hình thực tế mà có cách giúp học sinh duy trì nền nếp học tập.

“Đi tận ngõ, gõ tận nhà” để… giao bài tập

Vì không có điều kiện nên việc dạy và học trực tuyến ở những xã vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh gần như không thể triển khai được. Lo lắng học sinh nghỉ học dài ngày có thể bị quên kiến thức, các thầy cô đã đến tận nhà học sinh để nhắc nhở việc học. Cô giáo Vũ Thị Nhung, chủ nhiệm lớp 1 Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, xã Ea M'droh (huyện Cư M’gar) cho biết, hầu hết lớp là học sinh dân tộc thiểu số, nhà ở vùng sâu, cư trú rải rác trên địa bàn rộng, chưa có Interner nên giáo viên phải mất rất nhiều thời gian, công sức đến nhà từng em để thăm hỏi, động viên, giao bài tập, đồng thời nhờ phụ huynh dành thời gian kèm cặp con em học hành. Cứ vài ba ngày các cô quay lại thu bài và tiếp tục hướng dẫn làm bài tập mới.

Cô Vũ Thị Nhung, giáo viên Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, xã Ea M'droh (huyện Cư M'gar) đến tận nhà  hướng dẫn học sinh làm bài tập.
Cô Vũ Thị Nhung, giáo viên Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân, xã Ea M'droh (huyện Cư M'gar) đến tận nhà hướng dẫn học sinh làm bài tập.

Cô giáo Võ Thị Kim Thùy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cư Pui 1, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) chia sẻ, nhiều học sinh ở vùng sâu vùng xa, kinh tế gia đình còn khó khăn nên việc học tập ít được gia đình chú trọng. Trong đợt nghỉ học dài ngày này, vì thiếu phương tiện, điều kiện không thể triển khai được dạy học trực tuyến nên giáo viên chủ nhiệm đến từng nhà để giao bài, giúp các em ôn tập, củng cố kiến thức. Bình thường, thầy cô giáo đã phải xuống tận nhà vận động học sinh đến lớp nên bây giờ việc giao cho các em tự học gặp không ít khó khăn, nhiều khi đến nhà rất nhiều lần mới gặp được phụ huynh để động viên, hướng dẫn họ quan tâm hơn nữa đến việc học của con cái cũng như đồng hành với nhà trường.

Biến thách thức thành cơ hội

Ngay từ đầu tháng hai, khi mới bắt đầu nghỉ phòng dịch, Trường THCS Lương Thế Vinh (TP. Buôn Ma Thuột) đã chủ động triển khai việc ôn tập kiến thức qua các kênh trên mạng Internet. File bài tập, câu hỏi ôn tập kiến thức của tất cả các môn học được giáo viên đưa lên ứng dụng Google Drive, báo qua hệ thống SMAS để phụ huynh tải về cho con làm bài hoàn thành và nộp lại cho giáo viên hằng tuần. Đồng thời, nhà trường đăng ký cho 11 giáo viên giỏi về công nghệ thông tin tham gia lớp học về giảng dạy trực tuyến trên hệ thống Vinschool, sau đó tiếp tục phổ biến, hướng dẫn cho giáo viên toàn trường. Trường cũng thành lập Ban chỉ đạo và hỗ trợ dạy học trực tuyến để hỗ trợ giáo viên, phụ huynh sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến. Đầu tháng ba, nhà trường bắt đầu tổ chức dạy trực tuyến thử nghiệm với môn Toán rồi xây dựng lịch học trực tuyến cụ thể cho cả 3 môn Toán, Văn và Anh văn, duy trì ổn định cho đến nay. Đầu tuần, giáo viên tải nội dung bài giảng do giáo viên tự thu bằng phần mềm Elearning hoặc clip bài giảng từ kho học liệu cùng bài tập và câu hỏi định hướng cho học sinh tự nghiên cứu. Bài tập được giao qua ứng dụng Google Form nên giáo viên dễ dàng kiểm soát và nắm bắt việc học tập của học sinh. Vào thứ năm, thứ sáu hằng tuần, giáo viên tương tác với học sinh qua ứng dụng Zoom theo thời khóa biểu của nhà trường nhằm chốt lại kiến thức đã học trong tuần, giải đáp thắc mắc và giải bài tập vận dụng. Đến nay, toàn trường có khoảng 90% học sinh tham gia học trực tuyến. Với 10% còn lại (phần lớn là học sinh dân tộc thiểu số) chưa tiếp cận được với hình thức học trực tuyến, giáo viên vẫn duy trì việc gửi hướng dẫn bài học và bài tập bằng bản giấy, khi học chính thức trở lại sẽ tổ chức phụ đạo riêng.

 Em Lê Thị Bảo Ngọc,  lớp 1B, trường Tiểu học Ngô Quyền (TP. Buôn Ma Thuột)  học trực tuyến  với sự giúp đỡ  của anh trai.
Em Lê Thị Bảo Ngọc, lớp 1B, trường Tiểu học Ngô Quyền (TP. Buôn Ma Thuột) học trực tuyến với sự giúp đỡ của anh trai.

Cô Phan Thị Bích Mười, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ thách thức nhà trường đã hết sức nỗ lực để biến dạy và học trực tuyến thành những cơ hội mang lại những giá trị lớn như: thắt chặt mối kết nối giữa gia đình và nhà trường, giúp học sinh phát huy khả năng tự học, giúp giáo viên nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ và tình đoàn kết khi hỗ trợ nhau làm việc theo nhóm, theo ekip để hoàn thành tốt nhất bài giảng...

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Đăng Khoa, điều kiện học tập cũng như khả năng tự học của mỗi em là khác nhau nên chắc chắn sẽ không đồng đều về mặt tiếp nhận kiến thức qua các hình thức dạy học trực tuyến. Cho nên sau khi các em trở lại trường học, nhà trường sẽ tổ chức kiểm tra lại và có trách nhiệm phụ đạo, bổ sung những kiến thức mà các em không nắm bắt kịp trong quá trình tự học ở nhà.

Ở vùng sâu vùng xa, những nơi còn thiếu điều kiện, phương tiện cho học sinh tiếp cận với hình thức học này thì giáo viên tới nhà giao bài, hướng dẫn cho các em học là hình thức phù hợp, thể hiện tinh thần trách nhiệm của thầy cô. Với khu vực trung tâm có điều kiện để triển khai, áp dụng hình thức học trực tuyến thì đây là cơ hội cho giáo viên học hỏi nâng cao kiến thức, làm chủ công nghệ để phục vụ giảng dạy theo xu thế giáo dục 4.0. Riêng đối với học sinh thì đây cũng là cơ hội để rèn luyện ý thức tự giác trong học tập, nhất là đối với học sinh bậc phổ thông trung học.

(Hết)

Lê Kim Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.