Multimedia Đọc Báo in

Đào tạo khối ngành sức khỏe: Điểm sàn đi kèm hậu kiểm

17:39, 20/06/2020

Là trường đại học tư thục đầu tiên ở tỉnh Đắk Lắk, Đại học Buôn Ma Thuột đã và đang góp phần đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao khối ngành sức khỏe cho tỉnh và vùng Tây Nguyên.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với GS.TS ĐẶNG TUẤN ĐẠT, Hiệu trưởng nhà trường chung quanh nội dung này.

 • Trường Đại học Buôn Ma Thuột đi vào hoạt động được hơn 5 năm. Nhìn lại chặng đường đã qua, ông có thể chia sẻ đôi điều về những thuận lợi cũng như thách thức của một trường tư thục, nhất là trong bối cảnh Bộ GD-ĐT trao quyền tự chủ, tự trách nhiệm cho các trường?

Hơn 5 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Buôn Ma Thuột đã đạt được một số thành tựu nhất định trong công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế, được cộng đồng xã hội ghi nhận. Để có được những thành tích này, trước tiên nhà trường nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền, ban, ngành địa phương thông qua các chính sách phát triển giáo dục đại học. Thứ hai, sự quyết tâm đầu tư của Hội đồng quản trị, sự đoàn kết, nhất trí của Ban Giám hiệu và cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường. Thứ ba, niềm tin của phụ huynh, học sinh, sinh viên và cộng đồng đối với Trường Đại học Buôn Ma Thuột.

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu xây dựng và phát triển, nhà trường cũng gặp phải một số thách thức trong việc đầu tư cho cơ sở vật chất, hạ tầng; thu hút, đào tạo đội ngũ cán bộ, giảng viên. Do đó, nhà trường cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước để tạo điều kiện cho Trường Đại học Buôn Ma Thuột nói riêng và các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước nói chung phát triển bền vững.

Thí sinh và phụ huynh khá băn khoăn, lo lắng khi Bộ GD-ĐT thay đổi phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đối với Đại học Buôn Ma Thuột sự thay đổi này như thế nào, liệu có ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh, thưa ông?

Năm 2020, Trường Đại học Buôn Ma Thuột dự kiến tuyển sinh 450 sinh viên chính quy và 100 sinh viên hệ liên thông từ trung cấp, cao đẳng. Trong đó, ngành Y Đa khoa gồm 150 sinh viên chính quy, 60 sinh viên hệ liên thông; ngành Dược học gồm 200 sinh viên chính quy và 40 sinh viên hệ liên thông.

Theo đó, trường sẽ tuyển sinh theo 5 phương thức, gồm: Xét tuyển bằng kết quả điểm thi các tổ hợp môn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT; Xét tuyển bằng điểm tổ hợp môn năm học lớp 12 trong học bạ THPT; Xét tuyển kết hợp điểm trong học bạ THPT và điểm trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT; Xét tuyển bằng kết quả bài thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức năm 2020; Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT năm 2020.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên Kỳ thi THPT quốc gia được thay bằng Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đề thi tốt nghiệp không mang tính phân hóa cao, khó phân biệt được điểm thi của những thí sinh khá, giỏi, xuất sắc nên việc xét tuyển có khó khăn hơn đối với nhà trường. Tuy nhiên, quy chế tuyển sinh năm 2020 của Trường Đại học Buôn Ma Thuột cơ bản không có sự thay đổi, quyền lợi của thí sinh vẫn được đảm bảo.

Sinh viên  Trường Đại học Buôn Ma Thuột pha chế dung dịch nước rửa tay  sát khuẩn.
Sinh viên Trường Đại học Buôn Ma Thuột pha chế dung dịch nước rửa tay sát khuẩn.

Mùa tuyển sinh 2020, Bộ GD-ĐT chủ trương tiếp tục quy định ngưỡng điểm đầu vào với nhóm ngành sức khỏe. Vậy, Trường Đại học Buôn Ma Thuột đã thực hiện quy định này như thế nào? Theo ông, quy định này có "làm khó" nhà trường trong mùa tuyển sinh năm nay, khi Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng thay đổi?

Năm 2020, Bộ GD-ĐT dự kiến trước ngày 7-9-2020 sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với khối ngành sức khỏe. Trường Đại học Buôn Ma Thuột sẽ điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và trang thông tin điện tử của trường trước ngày 8-9-2020.

Để đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao nhà trường luôn đảm bảo về chất lượng đầu vào; chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra theo quy định của Bộ GD-ĐT; đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ chuyên môn; cơ sở vật chất với trang thiết bị đầy đủ, hiện đại làm cơ sở học tập, thực hành lâm sàng và nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Do vậy, đối với Quy định của Bộ GD-ĐT về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, nhà trường luôn quán triệt tuân thủ thực hiện đúng. Đây là một trong những điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của nhà trường.

Xin cảm ơn ông!

Như Quỳnh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.