Multimedia Đọc Báo in

"Gieo chữ " ở ngôi trường vùng 3 Ea Yiêng

09:04, 11/12/2020

Ea Yiêng là xã vùng 3 của huyện Krông Pắc, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Do đó, để đưa con chữ đến vùng khó khăn này buộc các thầy giáo, cô giáo phải nỗ lực gấp bội.

Trường Tiểu học Đinh Núp đứng chân tại buôn Kon Wang, xã Ea Yiêng. Năm học 2020 - 2021, trường có 909 học sinh, trong đó khoảng 96% là con em đồng bào dân tộc thiểu số, cùng 3 học sinh là người khuyết tật. Do đặc thù vùng khó khăn nên nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc học của con em mình.

Các em học sinh Trường Tiểu học Đinh Núp đọc sách trong thư viện.
Các em học sinh Trường Tiểu học Đinh Núp đọc sách trong thư viện.

Thầy Dương Văn Huấn, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự, nhiều em bước vào lớp 1, nhưng chưa qua mẫu giáo nên vẫn chưa biết nói tiếng Việt, chưa nghe và hiểu được tiếng Việt dẫn đến việc tiếp thu bài chậm, ảnh hưởng đến quá trình học tập của bản thân và tiến độ dạy học của lớp. Đa số các em vắng học nhiều, nghỉ học, hay học đúp đều liên quan đến vấn đề nói tiếng Việt chưa thành thạo, không tiếp thu được bài học nên đi học không chuyên cần. Đơn cử như trường hợp một học sinh tại trường theo độ tuổi là học sinh khối 5, nhưng hiện tại vẫn đang là học sinh khối 3, bởi trước đây em không được học mầm non mà vào thẳng lớp 1. Đến lớp cô giảng bài thì nghe nhưng không hiểu, không nói được tiếng Việt nên tần suất vắng học ngày càng nhiều, buộc nhà trường phải cho ở lại lớp. Có đợt Ban giám hiệu nhà trường đến tận nhà tìm gặp em và gia đình nhưng không gặp. Đi đến lần thứ ba, người dân trong buôn mới chỉ đường ra cánh đồng thì gặp em và một bạn nữa đang lái máy cày. Cảnh tượng hai em học sinh của trường tầm 7 - 8 tuổi đứng lọt thỏm điều khiển chiếc máy cày giữa đám ruộng mênh mông khiến các thành viên trong đoàn không khỏi xót xa.

 
"Trường xa, bất đồng ngôn ngữ khiến khó khăn chồng chất trên đường đem con chữ đến với học sinh, nhưng qua nhiều năm, giáo viên đã thấy thân quen và mong muốn cống hiến lâu dài ở vùng khó Ea Yiêng".
 
Thầy Dương Văn Huấn, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự

Có một đặc thù là nếu trong lớp có một em nghỉ học không lý do mà giáo viên không quan tâm, nhắc nhở thì em khác cũng nghỉ theo như một hiệu ứng. Thậm chí có những trường hợp nói với ba mẹ đi học nhưng lại không đến trường mà rủ các bạn khác cùng nghỉ học, đến giờ vẫn về nhà như thường lệ nên phụ huynh không biết. Thầy Dương Văn Huấn cho biết thêm, đã có trường hợp học sinh vắng học bất thường, Ban giám hiệu nhà trường cử giáo viên đến tận nhà gặp phụ huynh mới biết các em nói dối ba mẹ đi học, nhưng không đến lớp, lang thang ngoài trường rất khó kiểm soát. Từ thực tế này, ngoài duy trì công tác chuyên môn tại trường, bản thân giáo viên còn tăng cường kết nối với các thôn, buôn; trực tiếp tham gia vào các hoạt động của thôn, buôn để tiếp cận với phụ huynh, vận động phụ huynh cho con em mình đi học đều đặn. Đối với nhiều trường hợp, chưa tính đến việc các em học được những gì mà chỉ cần đi học chuyên cần, giảm được tỷ số học sinh nghỉ học là đã thành công rồi. Bởi số em chưa sõi tiếng Việt hoặc chậm nói thì thường nghỉ học và càng nghỉ học thì càng khó tiến bộ. Do đó, ngoài dạy kiến thức phổ thông thì các giáo viên còn động viên các em đến lớp; áp dụng nhiều phương pháp dạy trong cùng một buổi học, một lớp học… Đơn cử như phát triển kỹ năng nghe, nói cho học sinh theo tài liệu “Em nói tiếng Việt”; tổ chức giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”; xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt trong lớp, ngoài lớp, ngoài xã hội… Ngoài ra, nhà trường còn xây dựng thư viện với hàng trăm cuốn sách, khu vực tô màu, khu vui chơi ngoài sân…

Một tiết học ở Trường Tiểu học Đinh Núp.
Một tiết học ở Trường Tiểu học Đinh Núp.

Bản thân các giáo viên cũng tự khắc phục khó khăn để có thể dạy dỗ các em tốt hơn. Cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên chủ nhiệm lớp 4A2 cho hay, quãng đường từ nhà tới trường mà cô đi hằng ngày là 15 km, những hôm thời tiết xấu cô phải đi “đường vòng tránh lũ” với quãng đường dài 18 km. Tháng 10-2020, trên đường đi dạy cô đã bị té xe, rách hết quần áo nhưng may mắn được người dân kéo xe ra khỏi đống bùn lầy và có sẵn quần áo dự phòng mang theo để thay… Về học tập, hiện tại nhiều em đã học lớp 4, nhưng giáo viên vẫn phải lồng ghép chương trình tăng cường tiếng Việt thường xuyên, bởi một số em tiếp thu chậm, người thân trong gia đình không nói tiếng Việt nên xảy ra trường hợp học sinh quên chữ sau vài tháng nghỉ hè hay hai ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Kết thúc năm học, khi giáo viên các trường khác nghỉ ngơi cũng là lúc các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Đinh Núp lo chuẩn bị cho năm học mới kế tiếp. Cụ thể là trực tiếp đi xin sách, vở, quần áo cũ cho học sinh của mình. Tranh thủ thời gian hè giặt giũ quần áo, bao bọc sách vở ngay ngắn theo từng phần để phát cho những trường hợp khó khăn, giúp các em có sách, vở ngay từ đầu năm học.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.