Multimedia Đọc Báo in

Tấm lòng cô giáo vùng sâu

05:45, 18/12/2020

Với tấm lòng yêu nghề, hết lòng vì học sinh, cô Trương Thị Tâm (giáo viên Trường Mầm non Hoa Ban, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp) vẫn đều đặn, kiên nhẫn với hành trình mang con chữ đến với học trò vùng sâu.

Những ngày đầu về với trường, cô Tâm gặp rất nhiều trở ngại khi đường sá đi lại khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn. Hơn nữa, đa số người dân ở xã là dân tộc thiểu số phía Bắc di cư vào, trình độ dân trí còn hạn chế nên coi nhẹ việc đưa trẻ đến trường. Vì thế, cô cùng các đồng nghiệp không ngại vất vả đến từng nhà, lên tận rẫy để vận động các gia đình đưa con em ở độ tuổi mầm non đến trường. Mưa dầm thấm lâu, kiên trì vận động, các lớp học tăng dần số lượng học sinh theo thời gian.

Cô Trương Thị Tâm (bìa trái hàng trước) cùng đồng nghiệp tham dự Triển lãm
Cô Trương Thị Tâm (bìa trái hàng trước) cùng đồng nghiệp tham dự Triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam". (Ảnh nhân vật cung cấp)

Để duy trì được số lượng và chất lượng lớp học, tạo hứng thú cho trẻ khi đến lớp, cô Tâm cùng các đồng nghiệp đã tận dụng các nguyên liệu như bìa giấy, vỏ lon, chai, can nhựa… để sáng tạo ra những con vật ngộ nghĩnh, những bông hoa, ngôi nhà xinh xắn giúp học sinh “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Bên cạnh việc chăm lo đời sống tinh thần cho các cháu, cô Tâm không ngừng học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lắng nghe ý kiến đóng góp của đồng nghiệp để có phương pháp giáo dục mầm non phù hợp với từng lứa tuổi; quan tâm đến sở trường, năng khiếu của trẻ, tạo điều kiện cho các cháu được khám phá, thân thiện với môi trường thiên nhiên ở lớp cũng như ở nhà; chú trọng việc kết hợp giữa gia đình, cộng đồng, nhà trường để tạo điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ phát triển tốt hơn. Bên cạnh đó, cô cùng đồng nghiệp tích cực tổ chức các hoạt động học mà chơi nhằm bổ trợ kiến thức, kỹ năng, tạo điều kiện cho học sinh phát triển năng khiếu của mình như tham gia các hội thi “Bé khỏe, bé ngoan” do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức. Chính vì vậy, trẻ đến lớp không còn rụt rè mà tích cực tham gia trải nghiệm vào các hoạt động học tập, vui chơi.

Năm 2020, cô Trương Thị Tâm vinh dự là 1 trong 63 giáo viên được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Không chỉ là một giáo viên trẻ nhiệt huyết, với cương vị là Bí thư Chi đoàn trường, cô Tâm đã tạo ra “luồng gió” mới, giúp hoạt động đoàn trường đi vào chiều sâu, thu hút và vận động được đoàn viên, thanh niên đoàn kết, có nhiều hoạt động hay, sáng tạo. Xác định việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng, có sức lan tỏa sâu rộng, cô đã tổ chức triển khai tới 100% đoàn viên; tích cực vận động đoàn viên tham gia nhiều chiến dịch, chương trình do tổ chức Đoàn địa phương phát động như thanh niên tình nguyện hè, kêu gọi ủng hộ người dân bị thiệt hại do bão lũ, học bổng giúp đỡ học sinh nghèo, tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn…

Cô giáo Trương Thị Tâm (bên trái) được khen thưởng vì có nhiều đóng góp trong công tác Đoàn tại đơn vị. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Cô giáo Trương Thị Tâm (bên trái) được khen thưởng vì có nhiều đóng góp trong công tác Đoàn tại đơn vị. (Ảnh nhân vật cung cấp)

10 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, niềm vui lớn nhất của cô Trương Thị Tâm là được nhìn thấy những cô cậu học trò nhỏ ngày ngày đến lớp. “Làm giáo viên, đặc biệt là giáo viên vùng sâu, điều chúng tôi tự trang bị cho mình đó là tình thương. Tình thương cô giáo dành cho học trò ngây thơ, hồn nhiên và người dân địa phương hiền lành chất phác. Mỗi ngày đến trường được cùng các em vui chơi, dạy các em những bài học trong cuộc sống, nhìn thấy niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của các em nhỏ yêu quý, tôi lại càng tự nhủ rằng sẽ luôn cố gắng hơn nữa để những nụ cười, những ánh mắt vui tươi ấy luôn hiện hữu”, cô Tâm chia sẻ.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.