Multimedia Đọc Báo in

Bồi đắp tình yêu văn hóa truyền thống trong trường học

06:21, 02/03/2021

Nhằm bồi đắp tình yêu văn hóa truyền thống cho học sinh, thời gian qua, Trường THCS Y Ngông Niê Kdăm (thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, hướng các em đến những giá trị cội nguồn. 

Trường THCS Y Ngông Niê Kdăm hiện có 11 lớp với 322 học sinh, trong đó 95% là con em đồng bào Êđê. Thầy Hoàng Long Điện, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trước đây trường có tên là Trường THCS Trần Hưng Đạo, đến năm 2019 được đổi tên thành Trường THCS Y Ngông Niê Kdăm. Với đặc thù của trường là học sinh con em đồng bào Êđê chiếm đại đa số nên bên cạnh giáo dục kiến thức, nhà trường hướng đến giáo dục thêm kỹ năng cho học sinh, đặc biệt trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống dân tộc.

Đội chiêng Trường THCS Y Ngông Niê Kdăm đang tập luyện đánh chiêng tre.
Đội chiêng Trường THCS Y Ngông Niê Kdăm đang tập luyện đánh chiêng tre.

Năm 2019, nhà trường tập hợp học sinh yêu thích, say mê với cồng chiêng, tiến hành tập luyện, lựa chọn những em có năng khiếu để thành lập đội chiêng. Trong thời gian ba tháng, trường phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cư M’gar tổ chức giảng dạy cách đánh chiêng cho các em ngoài giờ học. Đến nay, đội chiêng của trường gồm 12 thành viên chính, gồm cả nam và nữ, chủ yếu là học sinh thuộc khối lớp 6, 7. Các thành viên đều đã đánh thuần thục một số bài chiêng cơ bản như: "Gọi mưa", "Mời rượu", "Mừng lúa mới"… Em H’Doen Ni Adrơng (học sinh lớp 7A1) trò chuyện: em từng được xem các nghệ nhân đánh chiêng, thấy rất hay nên luôn ao ước có thể được tiếp xúc với nhạc cụ này. Giờ đây, bản thân rất tự hào vì đã có thể chơi được nhạc cụ của dân tộc mình.

Trong số 12 thành viên của đội chiêng, bên cạnh những học sinh người Êđê còn có cả các em người Kinh tham gia. Em Phạm Minh Tâm (học sinh lớp 7A1) bày tỏ: “Khi nghe tin nhà trường mở lớp dạy chiêng, em  cảm thấy rất thích thú và muốn tìm hiểu nhạc cụ của người Êđê nên đã đăng ký tham gia ngay. Lúc đầu chưa quen, em cảm thấy hơi khó, nhiều lần gõ sai nhịp nhưng nhờ sự chỉ bảo tận tình của nghệ nhân, em đã tự tin có thể đánh được nhiều bài chiêng”. Ngoài giờ học trên lớp, các thành viên của đội chiêng cũng thường xuyên duy trì tập luyện vào mỗi giờ ra chơi. Nhờ vậy, vào những dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn, đội chiêng đã có thể tham gia biểu diễn nhiều tiết mục đặc sắc và tự tin tham gia các cuộc thi văn nghệ được tổ chức trên địa bàn.

Học sinh  Trường THCS  Y Ngông Niê Kdăm  đọc sách  tại Nhà Truyền thống - Thư viện của trường.
Học sinh Trường THCS Y Ngông Niê Kdăm đọc sách tại Nhà Truyền thống - Thư viện của trường.

Cùng với việc duy trì đội chiêng, Trường THCS Y Ngông Niê Kdăm cũng tổ chức các cuộc thi liên quan đến việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Đơn cử như dịp 20-11-2020, nhà trường đã tổ chức Cuộc thi làm các sản phẩm văn hóa Êđê, với sự tham gia của cả giáo viên và học sinh. Qua đó đã nhận được 54 sản phẩm, hiện vật truyền thống của người Êđê như: trang phục thổ cẩm, gùi, nỏ, tù và, quả bầu, chuông đuổi côn trùng... Sau cuộc thi, nhà trường cũng thay đổi linh hoạt hình thức sinh hoạt dưới cờ bằng cách giáo viên sẽ chọn những sản phẩm tiêu biểu và hướng dẫn học sinh tìm hiểu để tham gia thuyết trình (về quy trình làm, chức năng, công dụng trong đời sống…), nhờ vậy tạo được sự mới mẻ và gợi niềm thích thú của giáo viên, học sinh.

Trước sự phát triển của xã hội hiện đại, nhiều giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một. Bởi thế, cùng với giáo dục kiến thức, nhà trường cũng lồng ghép giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh, qua đó góp phần khơi dậy, bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc, làm cho đời sống tinh thần của các em phong phú, lành mạnh” - Thầy Hoàng Long Điện, Hiệu trưởng Trường THCSY Ngông Niê Kdăm.

Điều đặc biệt ở Trường THCS Y Ngông Niê Kdăm là Nhà Truyền thống – Thư viện của trường không xây dựng theo kiểu thông thường mà được làm theo kiến trúc nhà dài truyền thống của đồng bào Êđê. Trong đó trưng bày hình ảnh hoạt động qua các thời kỳ của trường, những sản phẩm, hiện vật của đồng bào Êđê, cùng các kệ sách được đặt ngay ngắn… Đây cũng là địa điểm để học sinh ngồi đọc sách vào thời gian rảnh. Em H’Mion Byă (học sinh lớp 8A2) hào hứng chia sẻ, Nhà Truyền thống – Thư viện của trường có không gian rất thoáng, mát mẻ, lại gần gũi với cuộc sống hằng ngày khiến em rất thích thú. Mỗi giờ ra chơi, em cùng các bạn thường xuống đây lựa chọn sách để ngồi đọc, giúp giải tỏa căng thẳng sau thời gian học trên lớp. Bên cạnh đó, khi đến đây các em còn có cơ hội quan sát, tìm hiểu những vật dụng truyền thống của dân tộc mình.

Cô Nguyễn Thị Hường, cán bộ thư viện cho biết, thư viện của trường hiện có khoảng hơn 4.000 đầu sách đủ thể loại. Từ khi Nhà Truyền thống – Thư viện được xây dựng, số lượng học sinh mượn sách cũng đã tăng lên đáng kể. Đó là tín hiệu đáng mừng trong việc xây dựng văn hóa đọc cho học sinh của nhà trường.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.