Multimedia Đọc Báo in

Cần sớm ngăn chặn nạn bạo lực học đường

08:08, 16/03/2021

Chỉ chưa đầy một tháng, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra 4 vụ việc học sinh tụ tập đánh nhau, vi phạm pháp luật, gây tâm lý lo lắng đối với phụ huynh, học sinh, xã hội trong công tác quản lý, giáo dục học sinh và ngăn chặn tình trạng bạo lực xảy ra trong môi trường học đường.

Cụ thể, ngày 27-2, nhóm 5 học sinh nữ của Trường THCS Lê Văn Tám (huyện Krông Ana) đã hẹn đánh nhau trong tiếng reo hò, cổ vũ của nhiều học sinh xung quanh. Tiếp đó, ngày 3-3, một nam sinh lớp 10 Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar) đã bị nhiều bạn cùng trường đánh hội đồng trong nhà vệ sinh. Hôm sau (tối 4-3), học sinh của một số trường THPT trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột hẹn đánh nhau gây náo loạn cả khu phố. Và gần đây nhất là vụ việc tối 9-3, học sinh Trường THPT Lê Duẩn (TP Buôn Ma Thuột) có xích mích với một nhóm thanh thiếu niên nên hẹn nhau đến khu vực hồ Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) để giải quyết mâu thuẫn. Tại đây, giữa hai bên đã xảy ra hỗn chiến, dùng hung khí dao, gạch, đá… tấn công khiến một thiếu niên nhập viện cấp cứu.

Giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường.  (Trong ảnh: Học  sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, TP. Buôn Ma Thuột tham gia hoạt động ngoại khóa). 								 Ảnh: Minh Phương
Giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng bạo lực học đường. (Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, TP. Buôn Ma Thuột tham gia hoạt động ngoại khóa). Ảnh: Minh Phương
 
"Đối với các đơn vị, trường học có học sinh tham gia vào các vụ việc gây gổ, đánh nhau trong thời gian qua, thủ trưởng đơn vị xử lý nghiêm khắc học sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT".

 

 
 Theo Công văn số 298/SGDĐT-CTTT, ngày 15-3-2021 của Sở GD-ĐT
 

Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa cho biết: Hiện nay, đối với hai vụ việc ở Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar) và vụ việc của nhóm nữ sinh Trường THCS Lê Văn Tám (huyện Krông Ana), nhà trường đã phối hợp với công an địa phương nhằm xác định những em liên quan trực tiếp để xử lý theo quy định của Bộ GD-ĐT, cũng như xử lý hành chính theo quy định của pháp luật. Việc xử lý kịp thời của các nhà trường, Phòng GD-ĐT đã thể hiện sự quyết tâm răn đe, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường. Đối với vụ việc đánh nhau tập trung đông người như ở đường Hồ Tùng Mậu, ở hồ Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), Sở GD-ĐT đang phối hợp với Công an TP. Buôn Ma Thuột để xác định những đối tượng liên quan trực tiếp. Nếu là học sinh ở trường nào thì Sở sẽ chỉ đạo nhà trường xử lý nghiêm theo các quy định của Bộ GD-ĐT để răn đe đối với các em; đồng thời cũng yêu cầu nhà trường, trong đó nhấn mạnh vai trò của hiệu trưởng trong công tác quản lý học sinh - không chỉ trong nhà trường mà còn phải có sự phối hợp để quản lý các em ngoài nhà trường, không để tình trạng bạo lực học đường gia tăng trong thời gian tới.

Để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, ngày 15-3-2021 Sở GD-ĐT đã ban hành Công văn số 298/SGDĐT-CTTT về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục. Theo đó, Sở GD-ĐT yêu cầu các đơn vị tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục giá trị sống thông qua giảng dạy tích hợp vào các môn học và tổ chức các hoạt động trải nghiệm; đẩy mạnh triển khai công tác tham vấn, tư vấn tâm lý học đường, kỹ năng ứng xử, giải quyết mâu thuẫn cho học sinh; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, xây dựng các câu lạc bộ phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh cho học sinh. Đồng thời phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức, hội – đoàn thể, công an, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, giám sát và giáo dục học sinh để phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bạo lực học đường. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm trong công tác quản lý học sinh, giáo dục học sinh...

Lan Anh

Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.