Multimedia Đọc Báo in

Thế vận hội Olympic 1936 được Đức Quốc xã đăng cai như thế nào?

06:23, 13/08/2016
Năm 1931, hai năm trước khi Adolf Hitler chính thức lên nắm quyền, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã thực hiện một cử chỉ để giúp nước Đức - quốc gia vốn bị phân lập từ cuối Thế chiến I - hòa nhập với thế giới bằng quyết định trao quyền đăng cai Thế vận hội Mùa hè 1936 cho nước này.

Vậy là Thế vận hội Mùa hè 1936 (Thế vận hội thứ XI) đã được tổ chức tại Berlin (Đức). Ban đầu, Hitler khinh thường ý nghĩa của Thế vận hội, gọi các sự kiện đa văn hóa là "phát minh của người Do Thái và Tam Điểm". Nhưng ngay sau đó, Hitler nhận ra rằng Thế vận hội là cơ hội duy nhất để Đức xuất hiện công khai trên võ đài lớn nhất thế giới nên Hitler đã không tiếc tiền chi cho sự kiện này.

Đến năm 1936, mặt trái của chế độ độc tài Hitler bắt đầu lộ mặt, đặc biệt là mưu đồ quân sự hóa nước Đức. Người Do Thái đã bị cấm cửa trong xã hội Đức, còn những tộc người phi Aryan cũng bị cấm tham gia trong các đội tuyển Olympic của Đức. Nhiều nhà lãnh đạo của Mỹ và thế giới đã đề nghị IOC cấm sự kiện nói trên nhưng khi các đoàn đại biểu đến thăm Berlin, Hitler đã thực hiện một vài nhượng bộ danh nghĩa như: cho phép một vận động viên mang một phần dòng máu Do Thái là kiếm sĩ Helene Mayer, được phép đấu cho Đức nên lệnh cấm tự nhiên được gỡ bỏ.

Lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Berlin ngày 1-8-1936.
Lễ khai mạc Thế vận hội Olympic Berlin ngày 1-8-1936.

Trong hai tuần đầu tháng 8-1936, Berlin tràn ngập vận động viên và khách du lịch thập phương; thậm chí tại Thế vận hội Berlin, nhiều nước còn đăng ký tham gia nhiều môn hơn so với các kỳ Olympic được tổ chức trước đó. Có tổng số 49 quốc gia tham dự Thế vận hội Berlin, tăng 17 nước so với Thế vận hội Mùa hè 1932. Sáu quốc gia lần đầu tiên tham dự gồm Afghanistan, Bermuda, Bolivia, Costa Rica, Liechtenstein và Peru.

Cờ Đức Quốc xã được treo ở khắp mọi nơi, chính sách chống Do Thái và phân biệt chủng tộc của Hitler tuy được che đậy rất bài bản song vẫn không giấu nổi du khách thập phương. Bằng cách chỉ cho phép các thành viên thuộc Chủng tộc Aryan tham gia tranh tài cho Đức, Hitler đã quảng cáo được niềm tin ý thức hệ về chủng tộc thượng đẳng. Đảng Quốc xã đã gỡ bỏ các bảng tuyên truyền "Không muốn Do Thái" và các khẩu hiệu tương tự ra khỏi các địa điểm du lịch chính của thành phố. Trong một nỗ lực "làm sạch" Berlin, chính quyền ra lệnh cho cảnh sát trưởng bắt những người Di-gan và giữ họ trong trại đặc biệt. Thậm chí cả tờ Der Sturmer, tờ báo chuyên về phân biệt chủng tộc cũng được Hitler giấu biến. Các mánh khoé lừa thiên hạ của Hither thực sự phát huy tác dụng và Thế vận hội Mùa hè 1936 được xem là sự thành công của nước Đức mới dưới thời Hitler. Thậm chí, phóng viên Frederick T. Birchall của tờ New York Times đã viết về ấn tượng với sự kiện này như sau: "Người nước ngoài biết Đức chỉ từ những gì họ được nhìn  thấy trong hai tuần diễn ra Thế vận hội Berlin 1936. Điều này có thể mang lại cho chủ nhà một ấn tượng tốt đẹp, ấn tượng về một dân tộc hiếu khách, hạnh phúc và thịnh vượng gần như khó tin, còn Hitler là một trong những chính khách vĩ đại".

Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau, ấn tượng của New York Times đã hoàn toàn biến mất khi Hitler tiến hành xâm lược Ba Lan và khơi mào Chiến tranh thế giới thứ II khiến các kỳ thế vận hội sau đó (vào các năm 1940 và 1944) bị hủy bỏ và thay bằng cuộc chiến đẫm máu. Hàng chục triệu người đã chết trong Thế chiến thứ II, riêng tộc người Do Thái có khoảng 6 triệu người đã bị thiệt mạng dưới bàn tay tên trùm phát xít Hitler.

Duy Hùng

(Dịch từ The week-8/2016)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.