Multimedia Đọc Báo in

Nghề "ươm mầm tài năng thể thao": Vất vả mà hạnh phúc

18:11, 02/12/2017

Trong những giây phút đăng quang của các vận động viên năng khiếu võ thuật, Trường Năng khiếu Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh, ít ai biết được rằng phía dưới khán đài có những giọt nước mắt nghẹn ngào xen lẫn hạnh phúc của các thầy cô khi học trò của mình được xướng tên trên bục vinh quang.

Vào thời khắc đó, ai cũng hiểu một điều rằng, công lao của các thầy cô Ban huấn luyện bộ môn Võ, Trường Năng khiếu TDTT đang được các học trò đền đáp xứng đáng.

Ban huấn luyện bộ môn Võ Trường Năng khiếu TDTT được thành lập từ năm 2007, gồm 12 thầy cô với nhiệm vụ tuyển chọn và đào tạo vận động viên năng khiếu các môn thể thao: kick boxing, boxing, võ cổ truyền, bơi lội và cử tạ. Đa phần các thầy cô trong Ban huấn luyện bộ môn Võ đều tốt nghiệp Trường Đại học Thể dục thể thao TP. Hồ Chí Minh và tuổi đời còn trẻ, từ 26 - 34 tuổi. Bên cạnh chuyên môn, nghiệp vụ huấn luyện thể thao được đào tạo chuyên sâu và bài bản, các thầy cô còn được Ban Giám hiệu Trường Năng khiếu TDTT quan tâm tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.

Đặc biệt, Ban huấn luyện còn có những thầy cô dày dạn kinh nghiệm trong nghề bởi vốn xuất thân là vận động viên thể thao đội tuyển của tỉnh, từng đoạt Huy chương Vàng giải toàn quốc những năm trước đây như: cô Lò Thúy Năm (Huy chương Vàng Giải vô địch Boxing toàn quốc năm 2004, 2005, 2006), thầy Phạm Viết Đức (Huy chương Vàng Giải vô địch Boxing trẻ năm 2006, Huy chương Vàng Giải Vovinam toàn quốc năm 2007), thầy Trần Viết Chất (Huy chương Vàng Giải Vô địch Vovinam năm 2005, 2006).

Các huấn  luyện viên và  vận động viên  võ cổ truyền và kick boxing, Trường  Năng khiếu  TDTT tỉnh.
Các huấn luyện viên và vận động viên võ cổ truyền và kick boxing, Trường Năng khiếu TDTT tỉnh.

Có thể thấy, công việc của người huấn luyện viên võ thuật Trường Năng khiếu TDTT không chỉ đơn thuần là soạn giáo án, đứng lớp hay đóng vai các “đối thủ” trực tiếp tập luyện với các em trong các giờ tập. Có tìm hiểu quá trình một vận động viên năng khiếu thể thao được tuyển chọn vào trường; hiểu về các điều kiện để vận động viên năng khiếu được chuyển giao lên tuyến Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT của tỉnh, mới thấy hết những gian nan, thử thách trong công việc của các thầy cô. Thầy Trần Viết Chất, Trưởng bộ môn Võ, huấn luyện viên môn kick boxing, tâm sự: “Nhiệm vụ dẫn đoàn vận động viên đi thi đấu giải là thách thức lớn mà các thầy cô phải đối diện. Trước khi thi đấu giải, các thầy cô phải xây dựng kế hoạch tập huấn, cọ xát. Trong giai đoạn tập huấn, các thầy cô còn phải chú trọng công tác tư tưởng, tạo tâm lý thật sự thoải mái cho các em. Còn trước giờ các em bước vào thi đấu chính thức, các thầy cô nhất định phải khơi dậy tinh thần hưng phấn để các em có thể thi đấu đạt kết quả tốt nhất”.

 
“Bên cạnh nhiệm vụ huấn luyện thể thao, các thầy cô còn phải quan tâm theo dõi việc học văn hóa của các em tại các trường học trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Với những em mới được tuyển chọn vào trường, xa nhà, thầy cô còn phải là những nhà tâm lý, luôn quan tâm động viên, chia sẻ giúp các em vơi đi nỗi nhớ nhà”
 
 Cô Lò Thúy Năm, huấn luyện môn boxing nữ, Trường Năng khiếu TDTT tỉnh

Theo cô Lò Thúy Năm, huấn luyện viên môn boxing nữ, khó khăn không chỉ là thời điểm tập huấn và thi đấu giải mà còn nằm ở khâu tuyển chọn vận động viên. Để tìm kiếm được các vận động viên trong độ tuổi năng khiếu thực sự có tố chất về thể thao, các thầy cô đã không quản ngại đến từng địa bàn xã, thôn, buôn vùng sâu vùng xa tại các huyện trên địa bàn tỉnh để sơ tuyển về mặt thể lực và thông qua các trò chơi vận động. Sau đó, các em được tuyển chọn chính thức bằng các test kiểm tra chuyên môn do Hội đồng tuyển sinh Trường Năng khiếu TDTT thực hiện. Các vận động viên được kiểm tra chuyên môn định kỳ mỗi năm 2 đợt, nếu bảo đảm các chỉ số chuyên môn thì mới được tiếp tục tập luyện.

Sự tận tâm, nỗ lực của tập thể các thầy cô Ban huấn luyện bộ môn Võ đã giúp đào tạo được nhiều thế hệ vận động viên tài năng với những thành tích đáng nể. Nỗi vất vả của các thầy cô đã được các học trò đền đáp xứng đáng bằng những huy chương vàng trong các giải thi đấu. Riêng trong năm 2017, Bộ môn Võ đã giành 22 huy chương các loại, trong đó có 5 Huy chương Vàng giải trẻ toàn quốc và 1 Huy chương Vàng giải mở rộng; 4 Huy chương Bạc và 11 Huy chương Đồng; 4 vận động viên được Tổng cục Thể dục Thể thao phong đẳng cấp I; 3 vận động viên được triệu tập vào Đội tuyển trẻ quốc gia tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia IV Cần Thơ, 1 vận động viên được triệu tập Đội tuyển trẻ quốc gia tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia III Đà Nẵng; chuyển giao 2 vận động viên cho Trung tâm Huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao tỉnh.

Với những cống hiến hết mình cho sự nghiệp thể thao của tỉnh, làm tốt sứ mệnh ươm những mầm xanh ưu tú cho thể thao của tỉnh nhà, các thầy cô xứng đáng được ngợi khen và tôn vinh...

Thanh Thúy


Ý kiến bạn đọc