Multimedia Đọc Báo in

Sôi động những bước chạy giữa phố núi Ban Mê

09:51, 31/03/2018

Gần 500 vận động viên đến từ mọi miền đất nước đã hội tụ tại mảnh đất Ban Mê xinh đẹp, hiếu khách để cùng nhau tranh tài ở giải đấu hấp dẫn, lâu đời nhất của làng điền kinh Việt Nam, Giải Việt dã toàn quốc và Marathon, Giải Báo Tiền phong lần thứ 59 năm 2018 diễn ra vào ngày 25-3 vừa qua.

Chỉ mới hơn 5 giờ sáng, gần 150 vận động viên thi đấu ở nội dung marathon đã xuất phát, chinh phục chặng đường dài gần 43 km. Ở nội dung này, năm nay ghi nhận số vận động viên tham gia đông kỷ lục, tăng gấp 5 lần so với năm 2017. Vận động viên lớn tuổi nhất, ông Nguyễn Đỗ Hùng (Hà Nội) hào hứng hạ quyết tâm: “Tôi tham dự cuộc thi để thử thách, khám phá giới hạn bản thân, với mục tiêu hoàn thành quãng đường dài gần 43 km. Qua giải, tôi mong muốn, khuyến khích các bạn trẻ siêng năng vận động, tập luyện thể thao, giữ gìn sức khỏe để đất nước chúng ta thoát khỏi nhóm quốc gia lười vận động nhất thế giới”. Không kỳ vọng đoạt được thành tích cao, bởi vận động viên tuổi 65 này biết mình khó cạnh tranh với các đối thủ khác ở cùng nội dung, khi tham gia ở lứa tuổi trên 40, song với tinh thần đam mê thể thao, ông cũng đã chinh phục, hoàn thành quãng đường dài với thời gian chạy hơn 5 giờ 30 phút.

Giải đấu được tiếp nối, sau tiếng súng lệnh, các vận động viên tiếp tục xuất phát ở các nội dung việt dã, hệ nâng cao và phong trào. Đông đảo khán giả đã đến xem, cổ vũ cho các vận động viên thi đấu trong ngày hội đỉnh cao của điền kinh Việt Nam. Phố núi Ban Mê trở nên sôi động, hào hứng, theo từng bước chạy của các vận động viên.

ác vận  động viên  thi đấu  ở nội dung Marathon.
Các vận động viên thi đấu ở nội dung Marathon.

Với một giải đấu quy mô, uy tín, Đắk Lắk - địa phương được tín nhiệm lựa chọn đăng cai giải tiếp tục ghi điểm trong mắt du khách khi có sự chuẩn bị rất chu đáo, kỹ lưỡng để giải diễn ra thành công tốt đẹp. Công an tỉnh đã huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ tham gia làm nhiệm vụ, túc trực tại địa điểm khai mạc và cắm chốt ở khắp các tuyến đường cấm, đảm bảo không xảy ra bất kỳ sự cố nào. Về công tác y tế, Ban tổ chức bố trí 2 xe cứu thương cố định hai điểm đầu và cuối đường đua, cùng một lều y tế với 3 tổ cấp cứu, mỗi tổ có một bác sĩ chính sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ các vận động viên trong trường hợp cần thiết. Các công tác khác như an toàn vệ sinh thực phẩm, lưới điện… cũng được lên kế hoạch chu đáo. Tỉnh Đắk Lắk còn huy động 2.000 học sinh, sinh viên tham gia chạy đồng hành, hưởng ứng Ngày “Chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân”.

Giải Việt dã toàn quốc và Marathon, Giải Báo Tiền phong, lần thứ 59 đón nhận một làn gió mới, với những đổi thay mạnh mẽ, mang tính chuyên nghiệp hơn của Ban tổ chức. Theo đó, lần đầu tiên sau 58 lần tổ chức, giải đưa vào sử dụng hệ thống tính điểm điện tử, với time chip gắn lên số đeo của vận động viên, giúp “giải phóng” lực lượng trọng tài và hiện đại, chính xác, nhanh chóng hơn trong việc tính thành tích thi đấu của các vận động viên. Với hệ thống tính điểm điện tử và mã QR cá nhân hóa cho từng vận động viên in trên số đeo, ngay sau khi về đích, vận động viên có thể dùng smartphone quét mã QR trên số đeo của mình để biết thành tích thi đấu chính xác. Cùng với đó, Ban tổ chức cũng đưa vào sử dụng hệ thống đăng ký trực tuyến, tránh tình trạng thất lạc hồ sơ đăng ký có thể xảy ra khi tiếp nhận qua hệ thống bưu điện. Việc đăng ký trực tuyến góp phần giảm thiểu công tác hành chính cho Ban tổ chức, đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu với hệ thống tính điểm điện tử cũng như giúp vận động viên dễ dàng kiểm tra lại thông tin đăng ký của mình. Những cải tiến tích cực trong công tác tổ chức đã thu hút số lượng vận động viên đăng ký tranh tài đông, số vận động viên tham dự ở hệ phong trào tương đương với vận động viên thi đấu chuyên nghiệp đã đem đến cho giải những sắc màu tươi mới hơn.

Các vận động viên chuyên nghiệp đeo bám quyết liệt trên đường đua.
Các vận động viên chuyên nghiệp đeo bám quyết liệt trên đường đua.

Trở lại với đường đua, không khí tranh tài diễn ra rất gay cấn, quyết liệt. Nếu như ở các nội dung phong trào, vận động viên thi đấu khá thoải mái bởi không bị áp lực về mặt thành tích thì ở các nội dung của hệ nâng cao, các vận động viên chuyên nghiệp liên tục đeo bám nhau trên từng chặng đua. Các đơn vị vốn có thế mạnh về điền kinh như Quân đội, Hà Nam đã đem lực lượng mạnh nhất, không giấu tham vọng thâu tóm các danh hiệu, từ nhiều ngày trước khi diễn ra Giải đã có mặt tại TP. Buôn Ma Thuột, tích cực, khẩn trương luyện tập, làm quen với thời tiết, khí hậu, đường đua. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng đã đem lại kết quả ngoài mong đợi khi đoàn Quân đội cụ thể hóa mục tiêu bằng việc đoạt cả bộ đôi giải nhất marathon nam, nữ tuyển của Bùi Thế Anh và Lê Thị Thoa; giải nhất 10 km nam tuyển khi vận động viên Đỗ Quốc Luật về nhất với thời gian 33 phút 03 giây. Ngoài ra, ở cự ly 5 km nam tuyển, Đào Minh Chí cũng góp vào bảng thành tích của Quân đội bằng tấm huy chương vàng. Còn các vận động viên Hà Nam cũng xuất sắc đoạt 2 huy chương Vàng, do công của các vận động viên Phạm Thị Thúy Hạnh, cự ly 3 km và Trần Thị Hoài, cự ly 2,5 km hệ phong trào. Hà Nam cũng đoạt giải Nhất, nội dung đồng đội nữ trẻ.

Ra đời năm 1958 Giải Việt dã toàn quốc và Marathon Giải Báo Tiền phong là giải đấu có tuổi đời lâu nhất trong hệ thống các giải đấu thể thao Việt Nam. Được tổ chức đều đặn hằng năm (chỉ duy nhất một lần gián đoạn vào năm 1980). Giải đã có những đóng góp quan trọng đối với phong trào rèn luyện sức khỏe của người dân nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.