Multimedia Đọc Báo in

Vòng bảng World Cup 2018: Cho một niềm tin

08:41, 27/06/2018

2/3 vòng đấu bảng World Cup 2018 đã đi qua với nhiều dấu ấn đặc biệt từ sự góp mặt của “trợ lý VAR”, những trận cầu kịch tính, khó đoán... đã tạo ra nhiều cung bậc cảm xúc khó quên cho người hâm mộ quả bóng tròn.

“VAR” lên tiếng

VAR (Video Assistant Referees), tạm dịch là trợ lý trọng tài qua video. VAR có nhiệm vụ giúp cho quyết định của trọng tài chính xác hơn nhờ việc ghi hình rõ nét các tình huống nhạy cảm, các trọng tài sẽ được xem lại hình ảnh quay chậm lại trước khi đưa ra những quyết định quan trọng như xác nhận bàn thắng, phạt đền, việt vị...

Đây là kỳ World Cup đầu tiên FIFA áp dụng công nghệ VAR. Không thể phủ nhận, VAR đã thể hiện được “sức mạnh” của mình khi giúp cho các trận đấu vòng bảng ở giải đấu này được diễn ra công bằng hơn.

Chiến thắng đầu tiên tại World Cup 2018 có dấu ấn của VAR là trong trận đấu giữa Pháp và Australia. Ở phút 54 của trận đấu này, Antoine Griezmann ngã trong vòng cấm sau pha vào bóng từ phía sau của hậu vệ đội bóng châu Á. Trọng tài chính xua tay không công nhận đó là pha phạm lỗi nhưng vấp phải sự phản ứng dữ dội từ đội bóng Pháp. Sau khi nhờ sự hỗ trợ của VAR, ông “vua sân cỏ” đã có quyết định chính xác khi chỉ vào chấm 11m cho đội Pháp. Trên chấm phạt đền, Griezmann không mắc sai lầm nào để ghi bàn mở tỷ số, góp phần giúp Pháp thắng chung cuộc 2-1 đầy nhọc nhằn.

Mexico đã có chiến thắng ấn tượng trước Đức.    Ảnh: Internet
Mexico đã có chiến thắng ấn tượng trước Đức. Ảnh: Internet

Ở trận đấu diễn ra giữa Australia và Đan Mạch, VAR tiếp tục cho thấy giá trị khi giúp đại diện châu Á không bị bỏ qua một quả phạt đền mà họ xứng đáng được hưởng. Đó là tình huống Yussuf  Poulsen của Đan Mạch để bóng chạm tay trong vòng cấm. Sau khi có sự hỗ trợ của công nghệ VAR, trọng tài chính đã cho Australia được hưởng phạt đền. Trên chấm 11m, Mile Jedinak dễ dàng đánh bại thủ môn Kasper Schmeichel, quân bình tỷ số 1-1, qua đó giúp Australia có được 1 điểm trước đối thủ Đan Mạch.

Cũng nhờ có VAR, trọng tài đã đưa ra quyết định tước một số bàn thắng không hợp lệ. Cụ thể trong trận đấu giữa Tây Ban Nha và Iran, trọng tài không công nhận bàn thắng của Ezatolahi sau khi VAR cho thấy cầu thủ bên phía Iran đã việt vị khi nhận bóng từ cú đánh đầu của đồng đội.

Ngoài ra, VAR còn giúp các đội tuyển tránh nhận phạt đền “oan ức” từ những “kịch sĩ” trên sân cỏ. Điển hình nhất là trong trận Brazil gặp Costa Rica, ở  một tình huống tay của Gonzalez chỉ túm nhẹ vào áo của Neymar, nhưng trọng tài chính đã thẳng tay chỉ vào chấm phạt đền. Thế nhưng khi tham khảo ý kiến từ VAR cho thấy đó chỉ là tác động nhẹ, không đủ để tiền đạo Brazil ngã như thế, trọng tài đã “bẻ còi” giúp Costa Rica tránh được quả phạt đền “trên trời”.

Nếu VAR được phát triển từ sớm, chẳng hạn như... World Cup 1986, có lẽ huyền thoại Diego Maradona sẽ không ghi được bàn thắng để đời bằng “Bàn tay của Chúa” vào lưới đội tuyển Anh tại Mexico. Biết đâu Argentina sẽ bị loại và lịch sử giải đấu năm ấy sẽ đổi thay?

Rõ ràng, dù đâu đó vẫn có những ý kiến phản đối, cho rằng VAR khiến bóng đá kém hấp dẫn đi, nhưng không thể phủ nhận vai trò của nó tại World Cup 2018. VAR đang khiến cho các trận đấu trở nên minh bạch, chân thật và công tâm hơn.

“Thu hẹp” khoảng cách trình độ các đội bóng

Vòng bảng World Cup 2018 không chỉ cho thấy những giá trị hữu ích của VAR mà còn giúp người hâm mộ “mãn nhãn” với những trận cầu hấp dẫn. Những cặp đấu tưởng như chênh lệch về mặt tên tuổi nhưng lại diễn ra bất ngờ, cho thấy khoảng cách về trình độ giữa các đội bóng tại World Cup 2018 được thu hẹp đáng kể.

Từ đầu giải đến nay, phần lớn các trận đấu đều có tỷ số sát nút, nhiều trận đấu tưởng như nhàm chán lại diễn ra hồi hộp, căng thẳng như Bồ Đào Nha nhọc nhằn giành chiến thắng trước Morocco, Brazil bị Thụy Sĩ chia điểm, Iceland cầm hòa trước “gã khổng lồ” Argentina. Có trận đấu người hâm mộ phải “nín thở” đến tận phút bù giờ mới “vỡ òa” cảm xúc như trận Brazil gặp Colombia, phải cần thời gian sau 90 phút hai siêu sao của đội tuyển xứ Samba là Coutinho và Neymar mới ghi bàn để đánh bại đối thủ khó chịu với tỷ số 2 – 0. Kết thúc trận đấu, Neymar gục xuống bật khóc như một đứa trẻ vì cởi bỏ được áp lực trong các trận đấu căng thẳng.

Công nghệ VAR lần đầu được sử dụng tại World Cup 2018. Ảnh: Internet
Công nghệ VAR lần đầu được sử dụng tại World Cup 2018. Ảnh: Internet

Kịch tính của giải đấu còn được đẩy lên cao độ khi lần lượt những “ông lớn” bị “quật ngã” như: Mexico thắng đương kim vô địch giải đấu Đức, Nhật Bản đánh bại Colombia, đỉnh điểm là Croatia hạ Argentina 3 bàn không gỡ... Qua 2/3 vòng bảng World Cup 2018, cục diện các bảng đấu vẫn chưa ngã ngũ, nhiều “ông lớn” tưởng như cầm chắc cơ hội đi tiếp lại phải chiến đấu với các đội bóng ít tên tuổi. Đội tuyển Nga - một cái tên không được đánh giá cao lại giành chiếc vé đầu tiên vào vòng 1/8 (vòng 16 đội).

Quả thật, việc thắng - thua ở đấu trường bóng đá thế giới không đơn thuần là câu chuyện thể thao mà nó còn liên quan đến lòng tự tôn dân tộc, hình ảnh quốc gia. Đó là sức mạnh ý chí giúp những đội bóng nhỏ với chất lượng đội hình “lép vế” hơn so với các “ông lớn”, không sở hữu những cái tên nổi bật nhưng vẫn chiến đấu gan lỳ, quả cảm không chút e dè. Họ chọn lối chơi phòng ngự phản công chắc chắn và chờ cơ hội để  “kết liễu” đối phương. Thậm chí các đội bóng châu Á thường bị đánh giá với thân phận “ kẻ lót đường” thì cũng khéo léo tận dụng điểm mạnh kỹ thuật, lối chơi tập trung để đánh bại đối thủ. Rõ ràng một khi khoảng cách về trình độ bị thu hẹp, các đội bóng yếu thế hơn cố gắng trình diễn thật hay thì việc có nhiều trận đấu bất ngờ xảy ra là điều dễ hiểu.

World Cup 2018 còn một chặng đường dài phía trước nhưng với những gì đã diễn ra người hâm mộ có thể đặt niềm tin về một giải đấu đáng nhớ....

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.