Multimedia Đọc Báo in

Sự khởi đầu khó khăn cho khát vọng của Palestine

16:52, 23/09/2011

Quyết tâm trở thành một quốc gia độc lập của Palestine vấp phải nỗ lực ngăn cản từ phía Mỹ, Israel và Liên minh châu Âu (EU) - những đối tác quan trọng của tiến trình hòa bình Trung Đông. Dù gặp phải nhiều thách thức và trở ngại nhưng Palestine vẫn kiên trì theo đuổi mục đích và khát vọng của mình.

Ngày 23-9, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas đệ đơn chính thức đề nghị Liên hiệp quốc (LHQ) công nhận Palestine là thành viên thứ 194 của tổ chức này nhân kỳ họp thứ 66 của Đại hội đồng LHQ.

Trong bài phát biểu tại Ramallah ngày 16-9 - bài phát biểu được cho là quyết định cuối cùng trước khi bay tới New York (Mỹ) để cùng các nhà lãnh đạo thế giới tham dự phiên họp lần thứ 66 của Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Palestine Mahmud Abbas một lần nữa tuyên bố, sẽ đệ đơn xin gia nhập LHQ với tư cách Nhà nước Palestine theo những đường biên giới năm 1967, bao gồm dải Gaza, khu Bờ Tây và Đông Jerusalem. Ông Abbas cho rằng, đạt được mục tiêu này sẽ tạo thuận lợi cho việc khôi phục tiến trình hòa bình một cách nghiêm túc và các cuộc đàm phán mới với mục tiêu rõ ràng cho giải pháp hai nhà nước.

Tổng thống Palestine Abbas khẳng định quyết tâm đưa Palestine trở thành thành viên đầy đủ của LHQ.  (nguồn: Internet)
Tổng thống Palestine Abbas khẳng định quyết tâm đưa Palestine trở thành thành viên đầy đủ của LHQ. (nguồn: Internet)
Bước đi này của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas là quyết tâm của người Palestine sau khi các cuộc hòa đàm giữa Palestine và Israel không đi đến đâu trong 20 năm qua. Các nhà trung gian hòa giải (trong đó có cả Nga, Mỹ lẫn EU) bất lực trước những khu định cư Do Thái không ngừng được mở rộng trên phần đất của người Palestine mà Israel chiếm đóng suốt 44 năm qua. Giờ đây, người Palestine một lần nữa quay sang yêu cầu LHQ công nhận Palestine là một quốc gia có chủ quyền (năm 1989, Tổ chức Giải phóng Palestine đã từng thúc đẩy chiến dịch Nhà nước Palestine gia nhập LHQ và bị Mỹ ngăn cản bằng cảnh báo cắt giảm đóng góp của Mỹ cho những cơ quan LHQ nâng cấp Phái đoàn quan sát viên Palestine). Lần này, con đường đến với độc lập của Palestine cũng lại vấp phải sự phản đối của Mỹ, Israel và EU. Mỹ cho rằng, động thái này sẽ làm gia tăng căng thẳng và không giúp đưa Israelvà Palestine xích lại gần nhau để đạt một thỏa thuận hòa bình.

Theo Tổng thống Mỹ Barack Obama, nỗ lực công nhận nhà nước độc lập của Palestine tại LHQ “chỉ thu hút sự chú ý” mà không giúp tạo ra một nhà nước bền vững, rằng vấn đề chỉ được giải quyết thông qua thỏa thuận đạt được giữa chính người Israel và người Palestine. Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman thì cho rằng, sẽ có những “hệ quả nghiêm trọng” nếu người Palestine xúc tiến nỗ lực gia nhập LHQ. Còn EU hy vọng giới lãnh đạo Palestine sẽ từ bỏ kế hoạch tìm kiếm tư cách thành viên đầy đủ tại LHQ, để đổi lấy việc nâng cấp quy chế quan sát viên của Palestine tại tổ chức quốc tế này.

Đâu chỉ có nói suông, vài tuần trước kỳ họp của Đại hội đồng LHQ, các nỗ lực ngoại giao diễn ra trên nhiều mặt trận nhằm thuyết phục giới lãnh đạo Palestine rút lại kế hoạch đơn phương tìm sự công nhận của LHQ. Thậm chí, Washington không chỉ khẳng định sẽ dùng quyền phủ quyết để phong tỏa việc công nhận Nhà nước Palestine tại Hội đồng Bảo an mà còn gây sức ép bằng cách sử dụng “đòn bẩy kinh tế” khi dọa cắt giảm nguồn tài chính đóng góp cho LHQ và viện trợ cho các nước ủng hộ Nhà nước Palestine độc lập. Quốc hội Mỹ đã tuyên bố sẽ cắt giảm số viện trợ hàng triệu USD vô cùng quan trọng cho chính quyền Palestine vốn phụ thuộc rất nhiều vào những khoản viện trợ nước ngoài, trong khi Israel vẫn nắm quyền kiểm soát hầu hết lãnh thổ của Palestine, từ việc ra vào khu vực Bờ Tây và dải Gaza cho đến việc thu thuế.

Trở thành một quốc gia độc lập là điều người dân Palestine trông đợi từ lâu, bởi một khi được LHQ công nhận là nhà nước, Palestine sẽ có vị thế khác hẳn. Mối quan hệ Israel - Palestine sẽ là mối quan hệ bình đẳng giữa hai quốc gia và người Palestine sẽ tiếp cận tất cả các cơ quan LHQ. Đã có khoảng 130 nước tuyên bố ủng hộ một nhà nước Palestine độc lập, song con đường đến LHQ của Palestine là hết sức khó khăn, bởi Mỹ, thậm chí có thể cả Anh và Pháp, sẽ phủ quyết trong Hội đồng Bảo an LHQ.

Nhiều khả năng, nếu vấn đề nói trên không được thông qua tại Hội đồng Bảo an, Đại hội đồng LHQ có thể sẽ nâng cấp quy chế “quan sát viên” hiện tại của Palestine lên quy chế “quốc gia - quan sát viên”. Một cách khác là đưa yêu cầu ra Đại hội đồng LHQ trước và dùng sự tán thành của Đại hội đồng làm áp lực buộc HĐBA nhượng bộ, con đường này cũng sẽ lâu dài và gian khổ.

Dù kết quả có thế nào, việc đề nghị lên LHQ lần này của Palestine đã tạo được sự ủng hộ to lớn của các nước thành viên LHQ, tạo sự chú ý của dư luận và khởi động một quá trình thực hiện khát vọng độc lập chính đáng của người Palestine.

(Theo VOVNews )

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.