Multimedia Đọc Báo in

Mỹ không coi trọng mối đe dọa từ Iran

19:51, 02/10/2011

Washington khẳng định không quá quan tâm việc Iran mới đây tuyên bố có thể đưa tàu tới gần các vùng biển của Mỹ, trong bối cảnh Tehran từ chối thiết lập đường dây nóng quân sự song phương.

"Chúng tôi không quá chú trọng vào những tuyên bố của Iran, căn cứ vào việc nó không phản ánh điều gì về năng lực hải quân của nước này", AFP dẫn lời Jay Carney, phát ngôn viên của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết: "Căn cứ vào năng lực và quy mô hạn chế của hải quân Iran, tôi chỉ muốn nói rằng họ nên tập trung vào những thách thức ở gần thì hơn".

Những phát biểu của phía Mỹ được đưa ra sau khi Tư lệnh hải quân Iran cho hay nước này sẽ đưa tàu tới gần các vùng nước thuộc chủ quyền của Mỹ. "Vì các lực lượng của Mỹ hiện có mặt ở không xa vùng lãnh hải của chúng tôi, hải quân Iran cũng sẽ xuất hiện mạnh mẽ không xa các vùng nước của Mỹ", hãng tin Irna trích lời đô đốc Habibollah Sayyari. Trước đó, ông Sayyari hôm 19-7 tuyên bố Iran sẽ cử một hạm đội tới Đại Tây Dương.

Tàu chiến của Iran trong một nhiệm vụ tại vịnh Aden hồi tháng 12-2008. (Nguồn: Internet)
Tàu chiến của Iran trong một nhiệm vụ tại vịnh Aden hồi tháng 12-2008. (Nguồn: Internet)
Theo phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, những thách thức mà Iran cần quan tâm hơn vào lúc này gồm việc làm giảm những nguy cơ xảy ra xung đột hải quân ở vùng Vịnh, đóng vai trò xây dựng trong việc tự do giao thương hàng hải tại khu vực này, cũng như góp phần vào cuộc chiến chống cướp biển ở vịnh Aden
Khi được hỏi liệu Iran đã tham gia vào các hoạt động chống cướp biển tại vịnh Aden hay tại Ấn Độ Dương hay chưa, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Nuland cho rằng Iran chưa tham gia vào các nỗ lực đa phương này. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng Iran được chào đón để tham gia hoạt động chống cướp biển chung ở các khu vực nói trên.

Mới đây, Iran đã từ chối việc thiết lập một đường dây nóng với Mỹ, để tránh những va chạm đáng tiếc có thể xảy ra ở vùng Vịnh. "Khi chúng tôi vào tới vịnh Mexico, chúng tôi sẽ thiết lập liên lạc trực tiếp với Mỹ", Chỉ huy hải quân Vệ binh Cách mạng Iran, Ali Fadavi nói. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Ahmad Vahidi nói: "Chúng tôi không cần đường dây liên lạc như vậy tại khu vực này. Họ đang tìm kiếm việc thiết lập một đường dây nóng để giải quyết bất cứ một căng thẳng tiềm tàng nào, nhưng ngược lại, chúng tôi tin rằng nếu họ rời khỏi khu vực này thì sẽ chẳng có căng thẳng nào cả".

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mike Mullen trước đó cho rằng hiện thiếu một liên kết thông tin trực tiếp với Iran, và lo ngại điều này có thể dẫn tới những quyết định sai lầm gây nguy hiểm. Những diễn biến từ phía Mỹ được đưa ra do lo ngại về một đội tàu chiến có tốc độ cao thường xuyên thách thức các tàu chiến của Mỹ và đồng minh tại vịnh Ba Tư.

Bộ trưởng Quốc phòng Iran Vahidi hôm 28-9 còn cho hay hải quân nước này đã trang bị tên lửa hành trình Qader có thể bắn trúng các mục tiêu trên bờ và trên biển trong vòng 200 km. Tên lửa này có khả năng phóng nhanh, bay ở tầm thấp, sức công phá lớn và độ chính xác cao.

Hải quân Iran tăng cường sự hiện diện tại các vùng biển quốc tế từ năm ngoái, với việc thường xuyên đưa tàu tới Ấn Độ Dương và vịnh Aden, nhằm bảo vệ các tàu thuyền của Iran khỏi sự nhòm ngó của cướp biển Somali, vốn hoạt động rất mạnh tại vùng này. Tháng 2 năm nay, Iran cũng lần đầu tiên cử hai tàu đi qua kênh đào Suez để vào Địa Trung Hải, khiến Israel và Mỹ phải đặc biệt lưu tâm. Iran hồi tháng 7 còn tuyên bố một tàu ngầm lớp Kilo của nước này đã hoàn thành nhiệm vụ tại Ấn Độ Dương và Biển Đỏ. Trước đó một tháng, tàu ngầm lớp Nahang của Iran cũng lần đầu xuất hiện tại Biển Đỏ.

(Theo VNExpress)

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.