Multimedia Đọc Báo in

Anh và EU bước vào vòng 2 cuộc đàm phán Brexit

10:41, 18/07/2017

Ngày 17-7 (theo giờ địa phương), Anh và Liên minh châu Âu (EU) chính thức bắt đầu bước vào vòng hai đàm phán về việc Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit) tại Brussels, Bỉ.

Theo kế hoạch, vòng đàm phán thứ 2, cũng là vòng đàm phán đầy đủ đầu tiên, sẽ diễn ra trong 4 ngày tại trụ sở Berlaymount của Ủy ban châu Âu (EU).

Tại vòng đàm phán này, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh, David Davis sẽ gặp và thảo luận với Trưởng đoàn đàm phán châu Âu về Brexit Michel Barnier.

Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh, David Davis (trái) và Trưởng đoàn đàm phán châu Âu về Brexit Michel Barnier (phải) tại vòng đàm phán mới ở Brussels, Bỉ ngày 17-7. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh, David Davis (trái) và Trưởng đoàn đàm phán châu Âu về Brexit Michel Barnier (phải) tại vòng đàm phán mới ở Brussels, Bỉ ngày 17-7. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Sau đó, các nhà điều phối và các nhóm thương lượng tiến hành thảo luận 4 vấn đề ưu tiên chính bao gồm: quyền công dân; việc EU yêu cầu Anh trả khoảng 60 tỷ euro (khoảng 70 tỷ USD) - khoản nghĩa vụ ngân sách mà Anh đã cam kết đóng góp cho EU; các vấn đề liên quan đến đường biên giới với Cộng hòa Ireland và một số vấn đề khác trong đó có số phận của các loại hàng hóa Anh trên các cửa hàng của EU trong ngày Brexit.

Dự kiến, EU và Anh sẽ tổ chức họp báo vào ngày 20-7. EU và Anh hy vọng vòng đàm phán này sẽ thúc đẩy một kế hoạch chi tiếp nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại về kinh tế và xã hội cho cả 2 bên sau Brexit.

Các cuộc đàm phán về việc Anh rời EU chính thức được khởi động từ ngày 19-6 vừa qua. Hai bên đã nhất trí được về các vấn đề ưu tiên, lịch trình và cách thức tổ chức đàm phán. Theo đó, các cuộc đàm phán sẽ được tổ chức 1 lần/tháng trong thời gian từ ngày 17-7 đến ngày 9-10 năm nay, mục tiêu đặt ra là đến mùa thu, hai bên sẽ chuyển sang giai đoạn đàm phán về các nội dung liên quan đến quan hệ thương mại trong tương lai giữa Liên minh châu Âu với Anh.

Ông Barnier cho biết, khối này sẽ chỉ bắt đầu thảo luận về quan hệ trong tương lai với Anh, trong đó có thỏa thuận thương mại, sau khi hai bên đạt được "tiến bộ" trong những vấn đề trên, có thể vào cuối năm nay. Ông Barnier cũng cảnh báo, các cuộc đàm phán phải kết thúc vào tháng 10-2018 để tất cả các bên có thời gian phê chuẩn hiệp ước cuối cùng vào tháng 3-2019.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond cho rằng, các Bộ trưởng hàng đầu trong nội các của Thủ tướng Theresa May đang ngày càng tin vào sự cần thiết của một giai đoạn chuyển tiếp trước khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.

Theo ông Hammond, đây là một khái niệm hoàn toàn mới. Tuy nhiên, giờ thì các Bộ trưởng trong Chính phủ đều đã chấp nhận khái niệm này. Ông Hammond cũng nhấn mạnh, nước Anh đang trong tiến trình đàm phán ở giai đoạn đầu và nước Anh cần tối đa hóa sự cân bằng trong đàm phán để mang lại một thỏa thuận tốt nhất cho nước Anh. Ông Hammond cho biết quá trình chuyển tiếp sẽ phụ thuộc vào việc cần bao nhiêu thời gian để các cơ chế mới có thể giải quyết được những vấn đề như hải quan và xuất nhập cảnh. Theo ông, quãng thời gian này có thể kéo dài một vài năm.

Cùng ngày, Bộ trưởng Thương mại Liam Fox cho biết ông sẽ chấp nhận một quá trình chuyển tiếp, song nhấn mạnh quá trình này chỉ nên diễn ra trong một thời gian ngắn và phải tạo điều kiện cho Anh tự do đàm phán các thỏa thuận thương mại của mình.

“Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng là tại sao cần phải có một giai đoạn chuyển tiếp. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là, quá trình đó kéo dài bao lâu và điều kiện ra sao. Trước tiên, chúng ta phải rời khỏi Liên minh châu Âu vào tháng 3-2019, do đó không có chuyện chúng ta được kéo dài tư cách thành viên của Liên minh châu Âu sau thời điểm đó. Chính vì vậy, chúng ta cần một Thỏa thuận chuyển tiếp để tránh sự gián đoạn nhưng tôi nghĩ thời gian chuyển tiếp đó cũng cần phải rõ ràng”, ông Liam nói.

Trước đó, ngày 13-7, Chính phủ của Thủ tướng May đã công bố dự luật rút khỏi Liên minh châu Âu, còn gọi là "Luật hủy bỏ", nhằm chính thức chấm dứt quy chế thành viên của Anh trong EU. Về lý thuyết, việc Anh rời Liên minh châu Âu sẽ chính thức diễn ra vào tháng 3-2019.

Dự luật cũng chấm dứt quyền tối cao của Tòa án Tư pháp châu Âu (ECJ) ở Anh, đồng thời nêu chi tiết cách thức Chính phủ Anh chuyển đổi khoảng 12.000 quy định và luật của EU hiện nay thành luật pháp Anh, qua đó giúp giữ nguyên luật pháp ở nước này sau Brexit.

Trong một diễn biến liên quan, hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s vừa qua đã đưa ra nhận định rằng kinh tế Anh đang trên đà tăng trưởng chậm lại đáng kể.

Trong bối cảnh mức tăng lương ì ạch cùng với những bất ổn liên quan đến Brexit, kinh tế Anh dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 1,4% trong năm nay và 0,9% vào năm 2018, bước thụt lùi đáng kể so với mức tăng trưởng 1,8% của năm ngoái.

Ngân hàng trung ương Anh tại London ngày 11/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngân hàng trung ương Anh tại London. (Ảnh: AFP/TTXVN)

S&P dự báo từ nay tới giữa năm 2019, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) sẽ chưa tăng lãi suất. Các chuyên gia của S&P cho rằng nếu các cuộc đàm phán liên quan đến các điều khoản về vấn đề Brexit bị chững lại, thời gian dành cho các cuộc đàm phán về định hình mối quan hệ thương mại trong tương lai giữa Anh và EU sẽ gặp bất lợi và sẽ eo hẹp hơn.

Xét trên khía cạnh tác động về mặt kinh tế, trong trường hợp tình huống này xảy ra, đồng bảng Anh sẽ rớt giá đáng kể và lạm phát sẽ tăng lên. Khi đó, cho dù BoE có quyết định tăng lãi suất hay không thì tác động của vấn đề trên đối với tăng trưởng kinh tế đều bất lợi do lãi suất và lạm phát gia tăng sẽ gây sức ép đối với sự phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, nếu đồng bảng Anh không giảm quá mạnh so với mức hiện nay, lòng tin người tiêu dùng, đặc biệt là lòng tin của các doanh nghiệp ở nước này vẫn có thể giảm đáng kể nếu các cuộc đàm phán diễn ra chậm chạp.

Khi đó, các doanh nghiệp sẽ buộc lòng phải cân nhắc lại kế hoạch kinh doanh và chuyển trụ sở hoạt động ra khỏi nước Anh, dẫn tới việc đầu tư và chi tiêu cho tiêu dùng giảm sút. S&P rất có thể sẽ phải điều chỉnh dự báo về tăng trưởng kinh tế của Anh trong năm nay và năm tới.

Hồng Hải (Theo VOV, Vietnam+)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.