Multimedia Đọc Báo in

Cộng đồng quốc tế lên tiếng về tình trạng bạo lực ở Jerusalem

11:16, 24/07/2017

Trước tình hình bạo lực gia tăng ở Jerusalem, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thông báo sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 25-7 về vấn đề này. Cộng đồng quốc tế cũng đã có những phản ứng về về những vụ đụng độ giữa người Palestine và Israel ở Jerusalem.

Theo Điều phối viên về các vấn đề chính trị của Thụy Điển, ông Carl Skau, cuộc họp của Hội đồng Bảo an sẽ "thảo luận khẩn cấp về cách thức hỗ trợ lời kêu gọi giảm căng thẳng ở Jerusalem".

Trước đó, Pháp, Thụy Điển và Ai Cập đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc tiến hành họp khẩn sau khi xảy vụ bạo lực đẫm máu nhất giữa người Israel và Palestine trong nhiều năm qua.

Trong khi đó, trước các vụ đụng độ bạo lực Jerusalem có chiều hướng gia tăng, cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng. Hôm 22-7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã lên án việc chính quyền Israel sử dụng các lực lượng an ninh chống lại người Palestine ở Đông Jerusalem và kêu gọi nước này chấm dứt ngay những hạn chế ra vào khu đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa. Ông Erdogan cho biết: “Việc Israel áp đặt những hạn chế mới, trong đó có việc đặt các cổng từ an ninh ở lối vào khu đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa là không thể chấp nhận được. Phía Israel cần phải trả lại hiện trạng của khu đền thờ Al-Aqsa trước khi có động thái khác. Chúng tôi cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế yêu cầu Israel chấm dứt ngay các biện pháp hạn chế quyền tự do tín ngưỡng”.

Xung đột giữa người Palestine và Israel gia tăng trong những ngày gần đây. (Ảnh: Reuters)
Xung đột giữa người Palestine và Israel gia tăng trong những ngày gần đây. (Ảnh: Reuters)

Ai Cập và Jordan ngày 22-7 đã thảo luận các biện pháp có thể được áp dụng sau các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh Israel và người biểu tình Palestine tại khu vực đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa.

Theo một thông báo của Bộ Ngoại giao Ai Cập, Ngoại trưởng nước này Sameh Shoukry và người đồng cấp Jordan Ayman Safadi đã có cuộc điện đàm nhằm thảo luận về "những vi phạm nguy hiểm chống lại người Palestine của các lực lượng chiếm đóng Israel".

Hai nhà ngoại giao đã trao đổi những đánh giá tình hình của mình, nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc ngăn chặn các hành động leo thang của Israel chống lại người Palestine cũng như việc dỡ bỏ tất cả các hạn chế do Israel áp đặt lên người Hồi giáo tại khu đền thờ Al-Aqsa, một trong những thánh địa nhạy cảm nhất ở Trung Đông.

Ngày 21-7, Ai Cập đã kêu gọi Israel ngừng ngay các hành động bạo lực và những biện pháp an ninh làm leo thang tình hình chống lại người Palestine tại Jerusalem và xung quanh đền thờ Al-Aqsa, sau khi ba người Palestine thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với lực lượng chiếm đóng Israel tại nhà thờ này.

Ai Cập bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" về những hậu quả của các biện pháp an ninh ngày một leo thang cũng như "ác cảm mạnh mẽ" trước việc lực lượng an ninh Israel sử dụng vũ lực gây nhiều thương vong cho người dân Palestine.

Trong một tuyên bố ngày 22-7, bộ tứ về Trung Đông gồm Nga, Mỹ, Liên minh châu Âu, Liên hiệp quốc đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về bất ổn an ninh leo thang ở Jerusalem, nhấn mạnh những điều kiện an ninh tồi tệ tại Jerusalem đang làm tổn hại nghiêm trọng đến nỗ lực khôi phục tiến trình hòa bình cũng như những giải pháp ôn hòa cho cuộc xung đột dai dẳng giữa Israel và Palestine của cộng đồng quốc tế.

Trong một động thái liên quan, trong một thông cáo được đăng tải vào tối 22-7, Liên minh châu Âu (EU) đã "khuyến khích Israel và Jordan cùng hợp tác để tìm ra giải pháp duy trì an ninh cho tất cả người dân ở thành phố cổ Jerusalem". Thông cáo cho biết EU kêu gọi hai nước cùng thực thi việc tôn trọng sự thiêng liêng của nơi đất Thánh và duy trì hiện trạng tại Thánh địa Hồi giáo Al-Aqsa ở Đông Jerusalem (tức Núi Đền theo cách gọi của người Do Thái), đồng thời bày tỏ lo ngại những sự kiện mới xảy ra trong và xung quanh Jerusalem và khu Bờ Tây có thể biến thành các nguy cơ thực sự dẫn đến sự leo thang xung đột.

Bên cạnh đó, EU cũng kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ về cái chết của ba thường dân Palestine trong cuộc đụng độ bạo lực xảy ra với lực lượng an ninh Israel. EU đồng thời lên án "tội ác" gây ra bởi một thanh niên Palestine trẻ ở Bờ Tây đã giết chết ba người Israel ngày 21-7.

EU cảnh báo điều quan trọng hiện nay là tất cả các nhà lãnh đạo chính trị, các lãnh đạo tôn giáo và đại diện cộng đồng cùng phải đóng vai trò trách nhiệm trong việc khôi phục lại tình hình và tránh gây ra bất kỳ hành động hay tuyên bố nào có thể thổi bùng ngọn lửa căng thẳng giữa các bên. Khối này cho rằng sự tiếp tục hợp tác giữa Israel và chính quyền Palestine là yếu tố đặc biệt quan trọng giúp ngăn chặn những hành động bạo lực cướp có thể đi sinh mạng của nhiều người vô tội.

Liên đoàn Arab cũng lên án các hoạt động của Israel như là một hành vi vi phạm trắng trợn quyền hành lễ và luật pháp quốc tế về tự do tôn giáo. Liên đoàn Arab cho biết, sẽ tổ chức cuộc họp khẩn tại thủ đô Cairo của Ai Cập trong một vài ngày tới để thảo luận các cuộc đụng độ giữa người Palestine và Israel tại Jerusalem và khu Bờ Tây.

Trước đó, vào sáng 21-7, ba người Palestine đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong các cuộc đụng độ giữa người Palestine và binh sĩ Israel ở Jerusalem và khu Bờ Tây, trong khi ba người định cư Do Thái cũng bị đâm chết tại Bờ Tây vào chiều cùng ngày.

Lực lượng an ninh Israel đã thiết lập một loạt trạm kiểm soát để hạn chế tiếp cận khu Thành Cổ của Jerusalem đồng thời cấm nam giới Hồi giáo dưới 50 tuổi vào Jerusalem trước buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu.

Giới chức an ninh Isreal tuyên bố các biện pháp này được thực thi do lo ngại làn sóng biểu tình quy mô lớn của người Palestine phản đối việc lắp đặt các máy dò kim loại tại các lối vào đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa. Người Palestine đã kêu gọi tổ chức các cuộc biểu tình lớn vào thời điểm diễn ra buổi cầu nguyền trưa thứ Sáu tại Jerusalem, Bờ Tây và Dải Gaza, đồng thờ yêu cầu các tín đồ không tuân thủ các thủ tục an ninh của phía Isreal.

Ngày 22-7, Thủ tướng Israel Israel Benjamin Netanyahu đã lên án vụ tấn công bằng dao của một thanh niên người Palestine trong một khu định cư Bờ Tây đã cướp đi sinh mạng của ba thành viên trong một gia đình Do Thái. Ông Netanyahu đã lên án cuộc tấn công nói trên và xem như là một "hành động khủng bố của một kẻ bị xúi giục" và kêu gọi Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lên án vụ tấn công này. Thủ tướng Netanyahu tuyên bố: "Các lực lượng an ninh Israel đang làm hết sức mình để duy trì an ninh và sẽ có tất cả các biện pháp cần thiết để giải quyết vấn đề".

Lực lượng an ninh Israel gác tại lối vào đền thờ Al-Aqsa ở Jerusalem. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Lực lượng an ninh Israel gác tại lối vào đền thờ Al-Aqsa ở Jerusalem. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tối 21-7, một thanh niên người Palestine 20 tuổi đã đột nhập vào nhà của một gia đình người Israel ở khu định cư Halamish và đâm chết ba người gồm cha, con gái và con trai trước khi bị một người hàng xóm bắn bị thương. Vụ việc trên xảy ra giữa lúc các cuộc đụng độ giữa người Israel và Palestine tại khu đền thờ Al-Aqsa đang diễn ra căng thẳng.

Khu đền thờ Al-Aqsa nằm ở Đông Jerusalem, vùng đất Israel chiếm từ Jordan và sáp nhập năm 1967. Jordan giữ quyền quản lý khu đền thờ này và Israel kiểm soát lối vào khu đền. Người Do thái cũng coi khu đền thờ này là thánh địa và gọi là Núi Đền. Theo quy định lâu nay, người Do thái được phép đến thăm khu đền này nhưng không được cầu nguyện tại đây.

Ngày 14-7 vừa qua, ba người Hồi giáo là công dân Israel đã nổ súng vào cảnh sát Israel ở gần cổng đền thờ khiến hai cảnh sát thiệt mạng. Cảnh sát sau đó đã bắn chết những đối tượng tấn công này. Sau vụ tấn công, nhà chức trách Israel ra lệnh tạm thời đóng cửa khu thánh địa trong hai ngày. Ngày 16-7, Israel cho mở cửa lại đền thờ này song cho lắp đặt máy dò kim loại tại các cổng vào, động thái này đã làm dấy lên các cuộc biểu tình và xung đột giữa người Palestine và cảnh sát Israel.

Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.