Multimedia Đọc Báo in

Đề xuất đàm phán quân sự liên Triều: Bên thờ ơ, bên ủng hộ

17:07, 19/07/2017

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 18-7 cho biết Triều Tiên vẫn chưa phản hồi về đề nghị của Seoul tổ chức cuộc đàm phán về các vấn đề quân sự nhằm giảm bớt căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Phát biểu tại buổi họp báo, người phát ngôn bộ trên Moon Sang-kyun cho hay hiện chưa có phản hồi từ phía Triều Tiên về đề nghị đối thoại của Hàn Quốc. Theo ông Moon, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc sẽ có các hành động bổ sung phù hợp với phản ứng của Triều Tiên.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã đưa ra một đề xuất chính thức với phía Triều Tiên về tổ chức cuộc đối thoại giữa các quan chức quân sự nhằm chấm dứt mọi hành động thù địch gần giới tuyến quân sự liên Triều.

hh
Cuộc tập trận bắn đạn thật chống máy bay của quân đội Triều Tiên tại một địa điểm bí mật ở khu vực phía tây biên giới liên Triều. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Cụ thể, Seoul đã đề nghị tổ chức cuộc đối thoại này vào ngày 21-7 tới tại Tongilgak, một tòa nhà của Triều Tiên trong làng đình chiến Panmunjom.

Tuy nhiên, trước việc Hàn Quốc bất ngờ đề xuất đối thoại quân sự với Triều Tiên, hiện các bên vẫn đang có phản ứng trái chiều về động thái mới nhất này của chính quyền Seoul. Trong khi Mỹ và Nhật Bản tỏ ra “thờ ơ” trước lời đề nghị nói trên thì phía Trung Quốc lại hoan nghênh nỗ lực đầy thiện chí từ chính quyền Tổng thống Moon Jae-in.

Mặc dù cho rằng đề xuất của Hàn Quốc về tổ chức các vòng đàm phán quân sự liên Triều không mâu thuẫn với chính sách gia tăng sức ép với Triều Tiên được các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc xác nhận đầu tháng này, nhưng phía Nhật Bản vẫn không mấy đồng tình với việc Seoul ngỏ ý đối thoại quân sự với Bình Nhưỡng vào thời điểm này.

Nhật Bản cho rằng giờ không phải lúc thích hợp để tổ chức đối thoại như Hàn Quốc đề nghị, mà ưu tiên hiện nay nên tập trung vào các biện pháp trừng phạt để khiến Triều Tiên buộc phải thay đổi cách hành xử của nước này.

Cảnh báo Triều Tiên đã "đạt đến một tầm cao mới" trong việc thử tên lửa đạn đạo liên lục địa, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Norio Maruyama nhấn mạnh: “Đây không phải là lúc để đàm phán. Đây là lúc các nước cần gây thêm áp lực để tiến tới một cuộc đối thoại nghiêm túc với Triều Tiên”.

Không chỉ phía Nhật cho rằng điều kiện hiện nay không phù hợp cho việc đối thoại quân sự liên Triều, phía Mỹ dường như đã gián tiếp phản đối đề xuất này.

Trong cuộc họp báo ngày 17-7 (theo giờ Mỹ), khi được hỏi liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có đặt ra điều kiện phải đáp ứng trước khi cuộc đối thoại với Triều Tiên diễn ra hay không, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer đã một lần nữa nhắc lại quan điểm từng đưa ra trước đó của Tổng thống Trump rằng điều kiện hiện nay vẫn chưa đáp ứng được những gì cần thiết để mở lại đối thoại liên Triều.

Trái với quan điểm của Mỹ và Nhật Bản, Trung Quốc lại đánh giá đề xuất của Hàn Quốc là "thông điệp tích cực", cho rằng việc cải thiện quan hệ liên Triều thông qua đối thoại sẽ góp phần làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Trung Quốc hy vọng cả hai bên trên bán đảo có thể làm việc theo hướng tích cực, tạo điều kiện phá vỡ thế bế tắc và nối lại tham vấn. Trung Quốc hy vọng các nước hiểu và ủng hộ đối thoại, đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết các vấn đề xung quanh bán đảo Triều Tiên.

Nếu như đề xuất của Hàn Quốc trở thành hiện thực, thì đây sẽ là lần đầu tiên các đại diện quân sự của hai miền Triều Tiên cùng tham gia thảo luận sau 3 năm.

Dù chưa rõ phản ứng từ phía Triều Tiên trước lời đề nghị đầy bất ngờ này, nhưng một số nhà quan sát Hàn Quốc vẫn tin tưởng vào khả năng Triều Tiên sẽ chấp nhận lời đề xuất tiến hành đối thoại quân sự do phía Hàn Quốc đưa ra cho dù chính quyền Bình Nhưỡng có thể sẽ thay đổi thời điểm tiến hành sự kiện này.

Kể từ sau khi ông Moon Jae-in nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc cách đây hơn 2 tháng, nhà lãnh đạo theo đường lối tự do này đã rất nỗ lực trong việc cải thiện quan hệ với Triều Tiên, bất chấp căng thẳng leo thang sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Chính phủ Hàn Quốc cam kết sẽ theo đuổi nỗ lực nhằm thiết lập một cơ chế hòa bình thường trực trên bán đảo Triều Tiên, trong đó tiếp tục đặt trọng tâm ưu tiên vào vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo này.

Quốc kỳ Triều Tiên tung bay ở một khu vực gần làng đình chiến Panmunjom (Bàn Môn Điếm). Ảnh: Reuters
Quốc kỳ Triều Tiên tung bay ở một khu vực gần làng đình chiến Panmunjom (Bàn Môn Điếm). (Ảnh: Reuters)

Trong một diễn biến liên quan, Quốc hội Hàn Quốc ngày 18-7 đã thông qua nghị quyết lên án các hành động khiêu khích quân sự liên tiếp của Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa cách đây hai tuần. 

Tại một phiên họp toàn thể, cơ quan lập pháp của Hàn Quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt các hành động đang leo thang của Triều Tiên với lời cảnh báo rằng những hành động khiêu khích của họ sẽ dẫn tới việc chế độ Bình Nhưỡng bị “hủy diệt vĩnh viễn".  

Ngoài ra, nghị quyết cũng kêu gọi Seoul nhanh chóng thực hiện ba trụ cột trong chính sách của mình nhằm đối phó với Triều Tiên, gồm hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không, hệ thống tấn công phủ đầu mang tên Kill Chain cùng với chiến lược trả đũa và trừng phạt ồ ạt. 

Nghị quyết còn yêu cầu Chính phủ phải đưa ra các biện pháp “mạnh mẽ, có hiệu quả” để cùng với cộng đồng quốc tế gây sức ép buộc Triều Tiên ngừng cách hành xử mang tính khiêu khích. 

Hà Như (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.