Multimedia Đọc Báo in

Căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên: "Già néo đứt dây"?

20:23, 12/08/2017

Tình hình trên Bán đảo Triều Tiên những ngày này đang “căng như dây đàn” sau khi Mỹ và Triều Tiên liên tiếp đưa ra những cảnh báo mạnh mẽ nhằm vào nhau. Liệu đây chỉ là “chiến tranh tâm lý” hay là dấu hiệu của một cuộc chạy đua vũ trang, hay thậm chí là “bóng ma” của một cuộc chiến tranh hạt nhân đang cận kề?

Theo AFP, ngày 11-8, Trung Quốc đã hối thúc Mỹ và Triều Tiên cần "thận trọng" với ngôn từ và hành động, sau khi hai nước này tăng cường khẩu chiến liên quan tới chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. 

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng đe dọa, quân đội Mỹ đã “sẵn sàng súng ống” trong trường hợp phải đối đầu với Triều Tiên. Theo Reuters, tuyên bố trên của ông Donald Trump được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên cáo buộc ông “đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh”.

Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. (Ảnh: AP)
Một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. (Ảnh: AP)

Lời cáo buộc của Triều Tiên xuất phát từ việc Lầu Năm Góc cùng ngày thông báo Mỹ và Hàn Quốc sẽ tiến hành cuộc tập trận chung theo kế hoạch kéo dài 10 ngày.

Phát biểu khi đang có kỳ nghỉ tại New Jersey, ông Donald Trump nhấn mạnh: “Giải pháp quân sự đã sẵn sàng, súng đã lên nòng và sẵn sàng khai hỏa nếu Triều Tiên hành động một cách kém khôn ngoan. Hy vọng rằng ông Kim Jong-un sẽ chọn lối đi khác”.

Khái niệm “súng đã lên nòng” là khái niệm rất nổi tiếng, xuất phát từ bộ phim "Sands of Iwo Jima" chiếu lần đầu năm 1949 do nam diễn viên người Mỹ John Wayne thủ vai chính, nhằm ám chỉ việc chuẩn bị nổ súng bắn ai đó. Khi được phóng viên yêu cầu giải thích về cụm từ này, ông Trump tuyên bố: “Cụm từ này quá dễ hiểu rồi”, và nhấn mạnh: “Nếu ông Kim Jong-un dám hở ra dù chỉ là một lời đe dọa hoặc dám có hành động gì nhằm vào đảo Guam hoặc bất kỳ nơi nào thuộc lãnh thổ Mỹ hoặc đồng minh của Mỹ, ông ấy sẽ phải cực kỳ hối hận”.

Tổng thống Mỹ cũng thừa nhận, tình hình trên bán đảo Triều Tiên là “cực kỳ nguy hiểm” nhưng “sẽ không kéo dài lâu”: “Hãy xem chuyện gì có thể xảy ra. Chúng ta hy vọng vào những điều tốt đẹp nhưng cũng chuẩn bị sẵn phương án đối phó với những tình huống xấu”. Ông Donald Trump khẳng định, dù hay dùng “những lời lẽ đao to búa lớn”, nhưng “không ai yêu chuộng hòa bình hơn là Tổng thống Donald Trump” và tuyên bố các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc và Nhật Bản rất hài lòng về cách ông xử lý vấn đề Triều Tiên.

Tuy nhiên, Triều Tiên vẫn tiếp tục giữ quan điểm của mình. Một tờ báo của Nhà nước Triều Tiên bình luận rằng, “quân đội Mỹ quá nóng lòng và đang bực bội” và cảnh báo, “Mỹ và các lực lượng của họ sẽ phải trả giá đắt cho các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất và những khiêu khích quân sự liều lĩnh”.

Từ đầu tuần, căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đã “nóng” hơn bao giờ hết với những phát ngôn mang tính hiếu chiến của Tổng thống Donald Trump và cảnh báo đáp trả của phía Triều Tiên về “ngọn lửa thịnh nộ” và “chiến dịch tấn công phủ đầu” hay “kế hoạch tấn công lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương bằng tên lửa".

Những đòn tâm lý đe dọa lẫn nhau này được đưa ra sau khi Triều Tiên liên tiếp phóng thử 2 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong tháng 7 vừa qua, đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực hoàn thiện kho vũ khí chiến lược của nước này và đặt ra đe dọa lớn đối với Mỹ vì lần đầu tiên đưa toàn bộ lãnh thổ Mỹ vào tầm bắn. 

Dù hiện vẫn chưa rõ Triều Tiên có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào ICBM hay không, nhưng rõ ràng “cơn ác mộng” chiến tranh hạt nhân đang phủ bóng lên nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Liệu những diễn biến trên có khiến Mỹ phải thay đổi chiến lược đối phó với Triều Tiên hay không và cộng đồng quốc tế có thể làm gì để hạ nhiệt “thùng thuốc súng” đang trực nổ tung này? 

Lệnh trừng phạt mới nhất, do Mỹ khởi xướng và được Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thông qua sau 2 vụ thử ICBM của Triều Tiên, được cho là sẽ giáng đòn nặng nề nhất vào nền kinh tế nước này, dự báo cắt giảm 1/3 hoạt động xuất khẩu của Triều Tiên. Song song với việc gây áp lực, chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn để ngỏ cánh cửa nối lại đối thoại với Triều Tiên. Tuy nhiên, dường như Bình Nhưỡng không quan tâm đến "cuộc chơi" do Mỹ dẫn dắt. 

Quyết tâm của Triều Tiên rất lớn. Cho dù Bình Nhưỡng phải chịu khó khăn kinh tế và bị cô lập thêm về ngoại giao, nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn khăng khăng không chấp nhận thương lượng về kho vũ khí đang phát triển nhanh chóng của Triều Tiên, được cho là đã lên tới 20 quả bom hạt nhân cùng số tên lửa đạn đạo cần thiết để mang những quả bom đó. 

Trong tình thế hiện nay, có thể hiểu lượng vũ khí này được coi là “sự bảo đảm” cho sự sống còn của chính quyền Bình Nhưỡng. Đó còn là một bảo đảm cho nền độc lập của đất nước giữa sự bủa vây của những cường quốc cả khu vực và thế giới. 

Chính bởi vậy, Bình Nhưỡng dường như không thay đổi chiến lược dù liên tiếp chịu các lệnh cấm vận cả đơn phương và đa phương. Kể từ khi tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006, Triều Tiên đã liên tục tiến hành 5 vụ thử hạt nhân khác và hàng chục vụ phóng tên lửa đạn đạo, với kết quả thử nghiệm lần sau càng tiến bộ hơn trước. 

Không có dấu hiệu nào cho thấy sức ép kinh tế mới nhất của Liên hiệp quốc sẽ thành công hơn các nỗ lực trước đây, những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất vẫn có thể không ngăn chặn được tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Cuộc “chạy đua” tỷ lệ thuận giữa các lệnh trừng phạt của quốc tế và các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên dường như không có hồi kết, đặt bán đảo Triều Tiên lúc nào cũng cận kề miệng hố chiến tranh. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters)

Bản thân nội bộ Chính phủ Mỹ cũng đang chia rẽ sâu sắc trước chính sách đối với Triều Tiên khi đưa ra những thông điệp trái ngược.

Các quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ ngày 10-8 phát đi những thông điệp trái ngược về vấn đề Triều Tiên, trong đó đề cao đối thoại hoặc tấn công phòng thủ.

Phát biểu với báo chí ngay khi trở về từ chuyến thăm châu Á, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã lên tiếng trấn an người dân rằng, không có lý do gì để tin một cuộc chiến tranh sẽ xảy ra sau màn đấu khẩu dữ dội giữa nhà lãnh đạo hai nước.

Ông Rex Tillerson đồng thời cho biết, Washington sẽ đối thoại với Triều Tiên miễn là thể hiện thiện chí bằng cách dừng các vụ thử tên lửa. Ông nhấn mạnh, việc Tổng thống Donald Trump sử dụng các động từ mạnh nêu trên không có nghĩa là nhà lãnh đạo Mỹ đang muốn kích động chiến tranh mà cảnh báo Triều Tiên nên tránh những tính toán sai lầm.

Khẳng định lại tuyên bố của ông Rex Tillerson, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nêu rõ: “Tổng thống Donald Trump đang gửi thông điệp mạnh mẽ đối với Triều Tiên bằng những những từ ngữ mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hay sử dụng để thông điệp trở nên dễ hiểu hơn. Ngoại trưởng Mỹ từng nói rằng, ông Trump là một người rất có tầm ảnh hưởng. Mọi người đều lắng nghe tiếng nói của ông. Những thông điệp mà Tổng thống gửi tới Triều Tiên rất chính xác và rõ ràng”. Ngoại trưởng Rex Tillerson cho biết, ông đã được chỉ định tham gia các nỗ lực ngoại giao cũng với các nước như Nga, Trung Quốc cùng một số đồng minh khác để giải quyết vấn đề tên lửa và hạt nhân Triều Tiên, đồng thời khẳng định đường dây liên lạc giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn luôn được để ngỏ.

Trái ngược với tuyên bố của Ngoại trưởng Rex Tillerson, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho rằng, Chính phủ Mỹ không xem xét bất cứ một cuộc đàm phán nào với Triều Tiên. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lại đề cập khả năng tiến hành trả đũa Triều Tiên bằng một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn. Ông James Mattis khẳng định, các lực lượng quân sự thống nhất của Mỹ và đồng minh với khả năng tác chiến mạnh nhất trên thế giới vẫn luôn được đặt trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Các hành động của Triều Tiên sẽ bị Mỹ chặn lại và Triều Tiên sẽ bị đánh bại trong bất kỳ cuộc chạy đua vũ trang hay xung đột nào mà nước này khiêu khích.

Tuy nhiên, nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra, đây sẽ thực sự là một thảm họa không của riêng ai. Bởi vậy, bất chấp những phát ngôn mang tính hiếu chiến từ phía Mỹ và Triều Tiên, giới phân tích nhận định không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công phủ đầu Triều Tiên hay nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện thực hóa đe dọa tấn công lãnh thổ Guam của Mỹ. 

Tại khu vực Thái Bình Dương cũng như trên toàn thế giới, người ta lo ngại về “cuộc khẩu chiến” giữa hai bên có thể dẫn tới một kết cục tồi tệ hơn.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng phản đối bất kỳ hành động sử dụng vũ lực nào nhằm giải quyết vấn đề Triều Tiên. Bà Merkel nói: “Tôi cho rằng, sự leo thang khẩu chiến không giúp ích cho việc tháo gỡ khó khăn cho cuộc xung đột này. Tôi không hình dung một giải pháp quân sự cho cuộc xung đột này, thay vào đó là nỗ lực nhất quán như chúng ta đã thấy tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đối với vấn đề Triều Tiên và trên hết đó là sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước liên quan đặc biệt là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đức sẽ tích cực tham gia các phương án hướng tới một giải pháp phi quân sự, nhưng sự leo thang khẩu chiến là một phản ứng sai lầm”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhận định về những rủi ro của cuộc xung đột trực tiếp là rất cao khi ông Donald Trump đưa ra những mối đe dọa trực tiếp sử dụng vũ lực: "Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể ngăn chặn trong trường hợp xung đột giữa Mỹ và Triều Tiên nổ ra. Tôi cũng đã bàn với phía Trung Quốc về một kế hoạch đóng băng hành động của các bên. Theo đó, Triều Tiên cần đóng băng tất cả các vụ thử tên lửa và hạt nhân. Đổi lại, Mỹ và Hàn Quốc cũng phải dừng các cuộc tập trận chung quy mô lớn. Theo tôi, khi tình hình tiến gần tới bờ vực của một cuộc chiến, bên nào càng mạnh mẽ hơn càng khôn ngoan hơn sẽ lùi một bước trước ngưỡng nguy hiểm này”.

Ngoại trưởng New Zealand Gerry Brownlee khẳng định, nước này sẽ không tham gia phản ứng quân sự chống Triều Tiên, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế tránh leo thang căng thẳng. 

Tổng thống Thổ Nhĩ kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ được giải quyết bằng giải pháp chính trị. Theo ông Erdogan, bất cứ cuộc đối đầu nào cũng sẽ không chỉ dừng lại ở hai nước với nhau mà sẽ dẫn đến những tầng nấc đe dọa lớn hơn.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chủ trì một cuộc họp khẩn tại một địa điểm bí mật ở Triều Tiên, trong đó ông ra lệnh các lực lượng rocket chiến lược sẵn sàng tấn công vào các mục tiêu Mỹ và Hàn Quốc bất kỳ lúc nào. (Nguồn: EPA/TTXVN)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chủ trì một cuộc họp khẩn tại một địa điểm bí mật ở Triều Tiên, trong đó ông ra lệnh các lực lượng rocket chiến lược sẵn sàng tấn công vào các mục tiêu Mỹ và Hàn Quốc bất kỳ lúc nào. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Theo các nhà phân tích, để kiềm chế nhà lãnh đạo Triều Tiên, Mỹ và các đồng minh cần áp dụng chính sách gây sức ép, nhưng không nên để dẫn tới hiểu lầm thành một lời tuyên chiến. Vấn đề lúc này cần một tìm ra “cánh cửa hẹp” để thoát khỏi tình hình căng thẳng cực độ hiện nay và giữ Bán đảo Triều Tiên ổn định trước khi tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Trước mắt, điều quan trọng là làm sao tránh để mọi chuyện có thể rơi vào tình huống "già néo đứt dây."

Có lẽ lối thoát hợp lý nhất, cũng là thành tố rất quan trọng được nêu trong nghị quyết mới nhất của Liên hiệp quốc, là nối lại đàm phán 6 bên nhằm tìm ra các biện pháp ngoại giao và chính trị để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên bằng con đường hòa bình và tránh leo thang căng thẳng. Nhưng đưa cái gì lên bàn đàm phán cũng là vấn đề khi Triều Tiên nhất quyết không thương lượng về chương trình hạt nhân của mình. 

Giới chuyên gia cho rằng trong bối cảnh hiện nay, khó có thể đề nghị Triều Tiên chấm dứt ngay lập tức chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này, mà chỉ có thể thương lượng để Bình Nhưỡng phải ngừng các cuộc thử nghiệm vũ khí mới. Đổi lại, Bình Nhưỡng sẽ nhận được một gói nhượng bộ chính trị và viện trợ kinh tế từ Mỹ và các bên liên quan. Nếu kết hợp biện pháp thỏa hiệp trên với “chính sách Ánh Dương” mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang tìm cách khôi phục, sẽ tạo thành một “phép cộng” có thể đem lại kết quả mà các bên chấp nhận được.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.