Multimedia Đọc Báo in

Hơn 1 triệu người Nam Sudan tị nạn ở Uganda

22:37, 19/08/2017

Ngày 17-8, Liên hiệp quốc cho biết số lượng người dân Nam Sudan đến tị nạn tại Uganda đã lên đến 1 triệu người, tạo nên cuộc khủng hoảng người tị nạn phát triển nhanh nhất thế giới.

Theo Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR), cuộc nội chiến kéo dài gần 4 năm qua ở Nam Sudan đã đẩy khoảng 1.800 người dân nước này sang nước láng giềng Uganda mỗi ngày, đa số là phụ nữ và trẻ em, để tránh tình trạng bạo lực khủng khiếp.

Khoảng 1 triệu người khác cũng đi tị nạn ở những nước khác trong khu vực nhưng Uganda – một trong những đất nước nghèo nhất thế giới – đang phải chịu đựng gánh nặng của cuộc khủng hoảng tị nạn này.

Bik Lum, đại diện UNHCR ở Arua phía bắc Uganda, nơi có trại tị nạn Bidibidi, một trong những trại tị nạn lớn nhất với 270.000 người, cho biết: “Chúng tôi vẫn tiếp tục đón những người người mới đến và chúng tôi không biết đến khi nào mọi việc mới kết thúc”.

Rất nhiều người tị nạn có hoàn cảnh thương tâm. Chẳng hạn như Jasmine Ramadan, một người tị nạn đang làm công việc bán hàng ở Uganda, kể về việc bị những người đàn ông có vũ trang chặn xe và lôi cô con gái 13 tuổi của chị vào rừng để hãm hiếp. Chị đã van xin bọn chúng hãm hiếp mình thay cho con gái và kết quả là chị bị giày xéo bởi 6 gã đàn ông. Cô con gái của chị núp trong một bụi cây gần đó đã chứng kiến mọi việc xảy ra.

Cuộc nội chiến kéo dài gần 4 năm qua ở Nam Sudan đã đẩy khoảng 1.800 người dân sang tị nạn ở nước láng giềng Uganda mỗi ngày.
Cuộc nội chiến kéo dài gần 4 năm qua ở Nam Sudan đã đẩy khoảng 1.800 người dân sang tị nạn ở nước láng giềng Uganda mỗi ngày.

Cuộc nội chiến ở Nam Sudan bắt đầu vào tháng 11-2013, chỉ 2 năm sau khi nước này giành được độc lập, khi Tổng thống Salva Kiir cáo buộc cấp phó của mình là  Riek Machar âm mưu đảo chính. Cuộc xung đột khởi đầu giữa nhóm dân tộc Nuer của ông Machar với nhóm dân Dinka của ông Kiir, nhưng từ khi Thỏa thuận hòa bình sụp đổ năm 2015, cả những nhóm dân tộc khác cũng bị lôi vào cuộc chiến và làm sâu thêm mối bất hòa địa phương.

Hàng nghìn người đã bị giết vì bạo lực, nhiều vùng ở Nam Sudan đã rơi vào nạn đói. Hàng triệu người Nam Sudan phải rời bỏ nhà cửa sang các nước Sudan, Ethiopia, Kenya, Cộng hòa dân chủ Công gô. Hai triệu người đã bị mất nhà cửa.

Thông báo của UNHCR cho biết: "Hàng triệu người tị nạn tiếp tục kể về nạn bạo lực khủng khiếp như: các nhóm có vũ trang đốt nhà có người ở trong, giết người ngay trước mặt người thân của họ, cưỡng hiếp phụ nữ và các bé gái, bắt cóc các bé trai vào quân dịch”.

UNHCR ước tính chỉ riêng năm nay phải cần 674 triệu đô la để hỗ trợ cho những người tị nạn ở Uganda nhưng đến nay tổ chức này mới nhận được chỉ một phần năm số tiền đó.

Hồi tháng 6, Chương trình lương thực của Liên hiệp quốc phải cắt bớt phần lương thực ở Uganda, trong khi nhu cầu về y tế chỉ đáp ứng trong ngắn hạn. Giáo dục cũng bị ảnh hưởng.

Con số 1 triệu người tị nạn ở Uganda có thể so sánh với số lượng người tị nạn đến châu Âu vào lúc đỉnh điểm năm 2015. Vẫn chưa có dấu hiệu cuộc chiến tranh ở Nam Sudan chấm dứt và chắc chắn người tị nạn sẽ không trở về nước trong thời gian tới.

Hồng Thủy (Theo AFP)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.