Multimedia Đọc Báo in

Khủng hoảng trứng "bẩn" lan rộng tại một loạt các nước châu Âu

15:04, 09/08/2017

Sau Hà Lan, Bỉ, Đức, Thụy Điển và Thụy Sĩ, Pháp và Anh là 2 nước mới nhất chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng trứng nhiễm độc thuốc trừ sâu.

Cơ quan An toàn thực phẩm Anh hôm 7-8 cho biết, dù số lượng trứng nhập khẩu là rất hạn chế (khoảng 21.000) và rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng thấp, song nước này cũng đang đẩy nhanh các cuộc điều tra về hoạt động phân phối trứng nhập khẩu, cũng như thu hồi những sản phẩm liên quan.

Cùng ngày, Bộ Nông nghiệp Pháp cho biết, 13 lô trứng bị nghi nhiễm độc nhập khẩu từ Hà Lan hồi tháng 7 vừa qua đã được chuyển tới các công ty chế biến thực phẩm  ở phía tây nước này. Các cuộc điều tra đang được tiến hành nhằm đánh giá tình hình (những sản phẩm liên quan và điểm đến của số trứng này) và thu hồi những sản phẩm liên quan để tiến hành phân tích.

Vụ bê bối trứng “bẩn” bị phanh phui hồi tuần trước tại Hà Lan sau khi cơ quan chức năng nước này phát hiện dư lượng cao thuốc trừ sâu fipronil trong các mẫu kiểm tra phân, máu và trứng gà. Đây là một loại chất hóa học được sử dụng phổ biến trong ngành trồng trọt để trừ sâu bệnh cho cây, nhưng lại bị cấm sử dụng trong xử lý động vật làm thực phẩm cho con người.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàm lượng chất độc fipronil cao có thể gây tổn thương gan, tuyến giáp và thận nếu nuốt vào một lượng lớn theo thời gian.

Chính quyền Hà Lan đã ngay lập tức tiến hành đóng cửa 180 trang trại nghi ngờ, tiêu hủy và thu hồi một lượng lớn gà mái và trứng được bày bán tại các cửa hàng và kho lưu trữ, đồng thời cho biết, hiện rất khó để xác định liệu rằng những quả trứng “bẩn” trong giai đoạn đó có được bán cho người tiêu dùng hay không. Cuộc khủng hoảng sau đó lan sang Đức, Thụy Sĩ và Thụy Điển. Hàng chục triệu quả trứng gà đã bị thu hồi và tiêu hủy.

Các siêu thị ở Hà Lan và Đức đã rút khỏi kệ hàng hàng triệu quả trứng do nghi ngờ nhiễm thuốc trừ sâu độc hại, trong đó riêng chuỗi siêu thị lớn nhất tại Hà Lan, Albert Heijn, cho biết đã rút khỏi kệ hàng 14 loại trứng để đem đi tiêu hủy. 

Sau khi đóng cửa hơn 180 trang trại chăn nuôi gia cầm hồi đầu tuần, Cơ quan thực phẩm Hà Lan (NVWA) đã tiến hành các cuộc xét nghiệm và quyết định 138 trang trại vẫn sẽ phải đóng cửa. Theo kết quả xét nghiệm, trứng từ 59 trang trại khác có dư lượng lớn thuốc trừ sâu fipronil. NVWA khuyến cáo trẻ em không nên ăn loại trứng này. 

Một số người chăn nuôi tại Hà Lan chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đã bắt đầu tiêu hủy gia cầm của mình. Theo Tổ chức Nông nghiệp Hà Lan, hơn 300.000 con gà bị nhiễm  độc, đều đang trong thời gian đẻ trứng, song lại bị gạt ra khỏi chuỗi chế biến và phân phối do cuộc khủng hoảng đã bị tiêu hủy. Hàng triệu con gà đẻ trứng khác cũng có nguy cơ chịu chung số phận nếu người nuôi tin rằng chúng không còn giá trị sinh lời vì thiếu thị trường tiêu thụ.

Theo truyền thông Hà Lan, năm 2016, khoảng 1.000 trang trại chăn nuôi gia cầm ở nước này, đa phần ở khu vực biên giới với Đức, đã xuất xưởng khoảng 10 tỷ quả trứng. Ngành nông nghiệp Hà Lan đã ước tính thiệt hại do vụ bê bối trứng “bẩn” gây ra có thể lên tới hàng triệu Euro và Chính phủ nước này hôm 7-8 đã cam kết một kế hoạch cứu trợ khẩn cấp.

Nông dân Hà Lan tiêu hủy trứng bị nghi nhiễm độc. Ảnh: Reuters
Nông dân Hà Lan tiêu hủy trứng bị nghi nhiễm độc. (Ảnh: Reuters)

Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Christian Schmidt cho biết Đức là nước bị ảnh hưởng nặng nề trong vụ bê bối này. Theo các nhà chức trách Đức, khoảng 3 triệu quả trứng "bẩn" đã được nhập khẩu vào Đức và hầu hết đã được bán trong những tuần qua. 

Trước đó, đại diện các trang trại bị ảnh hưởng ở Hà Lan, Bỉ và Đức đã yêu cầu bồi thường một khi trách nhiệm liên quan được xác định rõ ràng. Những trang trại này đều cho biết đã sử dụng các dịch vụ của công ty ChickFriend có trụ sở tại Hà Lan chuyên về khử trùng các trang trại. Công ty này bị nghi ngờ đã gian lận khi sử dụng fipronil trong một sản phẩm chống các loài ký sinh có tên thương mại DEGA 16.

Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Christian Schmidt cho biết: “Chính phủ Đức đã phát hiện chất diệt côn trùng fipronil trong một số chế phẩm từ gia cầm. Đây là một loại chất hóa học bị cấm điều trị cho động vật dùng làm thực phẩm tại châu Âu.

Theo những gì chúng tôi biết hiện nay, việc nhiễm độc này là do các trang trại đã sử dụng một loại thuốc diệt ký sinh có tên Dega 16. Đây là một loại thuốc hoàn toàn từ thảo mộc và đã được phê duyệt, song dường như đã bị cho thêm thành phần fipronil, cấm sử dụng cho gia cầm, gia súc”.

Giới chức Đức cũng đang điều tra thông tin cho rằng sản phẩm độc hại trên đã được vận chuyển trực tiếp đến các trại gia cầm Đức ở vùng Niedersachsen, sau đó trứng được bán đi nhiều nơi. 

Ủy ban châu Âu (EC) cho biết đã ý thức về vấn đề trứng "bẩn" và đang theo dõi sát sao nhằm xác định các trang trại có trứng nhiễm fipronil, ngăn chặn các lô trứng này ra thị trường, truy vết trứng bẩn và rút khỏi các kệ hàng. EC khẳng định: "Tình hình đã được kiểm soát".

Hà Lan và Bỉ cũng đã mở các cuộc điều tra hình sự đối với vụ việc. Theo truyền thông châu Âu, một nhà cung cấp khác là Poultry-Vision của Bỉ cũng nằm trong diện điều tra, do từng mua một lượng lớn fipronil của Romania.

Riêng tại Bỉ, 51 trang trại nghi ngờ đã bị đóng cửa, trong đó 22 trang trại nuôi gà giống. Trong số này 21 trang trại bị phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu Fipronil trong phân, máu và trứng gà, song thấp hơn nhiều so với quy định của Liên minh châu Âu, cũng như Cơ quan An toàn thực phẩm Bỉ.  

Hồi cuối tuần trước, cơ quan này thừa nhận đã phát hiện vấn đề fipronil trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm từ tháng 6, song tới ngày 20-7 mới thông báo cho các nước láng giềng do những yêu cầu về “bí mật các cuộc điều tra”. Trước những chỉ trích, đặc biệt là từ phía Đức, Bộ Nông nghiệp Bỉ đã yêu cầu Cơ quan An toàn thực phẩm nước này nộp báo cáo tường trình vụ việc và cam kết sẽ minh bạch một cách đầy đủ nhất.

Chính quyền Bỉ cho biết các xét nghiệm đã phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu fipronil trong một số mẫu trứng nhưng không cao đến mức nguy hiểm cho sức khỏe con người, đồng thời khẳng định không có quả trứng "bẩn" nào được bày bán trong siêu thị ở Bỉ. 

Hà Dương (Theo VOV, Vietnam+)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.