Multimedia Đọc Báo in

Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án chủ nghĩa phátxít mới

22:11, 15/08/2017

Ngày 14-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên án những đối tượng theo chủ nghĩa phát xít mới và phân biệt chủng tộc Ku Klux Klan (KKK) là những kẻ tội phạm và côn đồ, trong một động thái nhượng bộ trước áp lực chính trị ngày càng tăng sau khi ông quy trách nhiệm cho nhiều bên khi một cuộc tuần hành biến thành bạo động dẫn đến chết người ở bang Virginia do những phần tử cực đoan da trắng tiến hành.

Tuy nhiên, phát biểu mới của Tổng thống Trump vẫn chịu nhiều chỉ trích từ dư luận khi cho rằng lẽ ra tuyên bố này cần được đưa ra ngay sau khi vụ việc xảy ra chứ không phải đợi đến khi sức ép gia tăng.

Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: CNN.
Tổng thống Mỹ Trump. (Ảnh: CNN)

Trước đó, Tổng thống Trump đã bị cả các thành viên của đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đả kích vì không phản ứng quyết liệt hơn trước những hành động bạo lực ở thị trấn Charlottesville, bang Virginia, hôm 12-8 vừa qua, khiến một phụ nữ thiệt mạng khi một người đàn ông lao xe vào một nhóm người phản đối người biểu tình.

Cùng ngày, Liên hiệp quốc đã lên án vụ đụng độ bạo lực giữa những người da trắng theo chủ nghĩa dân tộc và những người phản đối tại Charlottesville.

Người phát ngôn Liên hiệp quốc, ông Farhan Haq khẳng định cơ quan này "phản đối mọi hành vi phân biệt chủng tộc và mù quáng". Theo ông, không thể có chỗ cho những hành vi phân biệt chủng tộc mang màu sắc bạo lực mà người ta chứng kiến ở Charlottesville những ngày gần đây.

Hôm 12-8, những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng đã tổ chức cuộc tuần hành ở công viên thành phố Charlottesville, bang Virginia. Bạo lực sau đó đã nổ ra giữa những người biểu tình và người phản đối, khiến Ít nhất 1 người thiệt mạng và 30 người khác bị thương.

Có thể nói, cuộc tuần hành phản đối việc di rời bức tượng tướng Robert E. Lee đã dẫn tới đụng độ đẫm máu ở Virginia ngày 12-8 làm chao đảo nước Mỹ.

Robert E. Lee (1807 – 1870) là đại tướng thống lĩnh quân đội Liên minh miền Nam trong cuộc nội chiến Mỹ (1861-1865) nhưng sau thất bại của phe phản đối việc xóa bỏ chế độ nô lệ, “người hùng miền Nam” này biến thành biểu tượng phân biệt chủng tộc. Các sử gia cho rằng, sự chuyển đổi quan niệm về Robert E. Lee cũng phản ánh thay đổi tâm trạng trong lòng nước Mỹ về chủng tộc và hòa hợp dân tộc.

Gần 150 năm sau ngày mất của Robert E. Lee, vị tướng này lại trở thành “tâm điểm” của các vụ đụng độ tại Charlottesville, Virginia.

Một nhóm người da trắng theo chủ nghĩa dân túy đã lên kế hoạch tuần hành mang tên “Đoàn kết phe cánh hữu” (Unite the Right) để phản đối việc di dời bức tượng Robert E. Lee. Cuộc tuần hành vấp phải sự phản đối của những người chống phân biệt chủng tộc và đụng độ giữa hai bên đã dẫn tới đổ máu.

Các tượng đài tôn vinh Lee  được dựng lên từ những năm 1920, trong đó có tượng đài ở Charlottesville, Virginia, xây năm 1924. Một năm sau đó, Quốc hội Mỹ thông qua việc dùng ngân sách liên bang tu sửa dinh thự của gia đình Robert E. Lee. Mỹ cũng cho ra đời đồng xu tôn vinh ông và Robert E. Lee xuất hiện trên 5 con tem. Không có nhân vật nào của phe miền Bắc được vinh danh như thế, trừ Tổng thống Abraham Lincoln, người đưa ra dự luật bãi bỏ chế độ nô lệ.

Chiếc ôtô lao vào đám đông tại cuộc tuần hành. (Nguồn: AP)
Chiếc ôtô lao vào đám đông tại cuộc tuần hành. (Ảnh: AP)

Một thế hệ sau phong trào dân quyền ở Mỹ, những người da đen và gốc Mỹ Latinh bắt đầu tạo áp lực buộc các cơ quan chức năng dỡ bỏ các tượng đài tôn vinh Robert E. Lee cũng như các đài tưởng niệm khác liên quan tới Liên minh miền Nam ở những nơi như New Orleans, Houston, Nam Carolina… Những yêu cầu dỡ bỏ đó chủ yếu là vì những hành vi bạo lực của một số người mang tư tưởng da trắng thượng đẳng.

Năm 2015, Hội đồng thành phố New Orleans đã bỏ phiếu dỡ bỏ tượng Robert E. Lee. Năm 2016, trường Trung học Robert E. Lee, nơi có nhiều học sinh gốc Mỹ Latinh, cũng được đổi tên thành trường trung học Margaret Long Wisdom.

Việc dỡ bỏ tượng Robert E. Lee ở Charlottesville đã được Hội đồng thành phố này bỏ phiếu thông qua từ đầu năm nay nhưng động thái này vấp phải đơn kiện của một số người phản đối, chủ yếu là những người mang tư tưởng da trắng thượng đẳng vẫn tôn sùng ông cũng như Liên minh miền Nam.

Dương Hà (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.