Multimedia Đọc Báo in

Hệ lụy từ chủ nghĩa biệt lập kiểu Mỹ

14:04, 11/05/2018
Tiếp sau việc quay lưng với Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (TPP), rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, áp dụng hàng loạt biện pháp bảo hộ thương mại, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thêm bước đi mới củng cố chính sách “Nước Mỹ trước tiên” khi tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký cùng Iran và các cường quốc - có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Dư luận quốc tế chỉ trích mạnh mẽ

Với lý do thỏa thuận hạt nhân ký kết giữa Iran và các cường quốc ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc) cùng với Đức dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama có “quá nhiều khiếm khuyết” và Iran đang tiếp tục âm thầm thực hiện các chương trình riêng của mình, Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố bắt đầu kỷ nguyên mới trừng phạt nước Cộng hòa Hồi giáo bất chấp những nỗ lực thuyết phục của các đối tác khác cùng tham gia ký thỏa thuận.

Dư luận tại Mỹ và cộng đồng quốc tế đều chỉ trích Mỹ đã hành xử trái ngược với quan điểm của đại bộ phận các nước trên thế giới khi không hề có lý do xác đáng để ngừng thực thi thỏa thuận này. 

Ngay sau tuyên bố của ông Donald Trump, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và cấp phó của ông là Joe Biden – những người từng tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran và 5 cường quốc còn lại – đã gọi đây là hành động “sai lầm nghiêm trọng”, làm tổn hại đến uy tín của Mỹ trên trường quốc tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận đã ký Bản ghi nhớ về việc rút Mỹ khỏi JCPOA tại Nhà Trắng ở Washington DC.     (Ảnh: THX/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận đã ký Bản ghi nhớ về việc rút Mỹ khỏi JCPOA tại Nhà Trắng ở Washington DC. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các đồng minh của Mỹ tại châu Âu là Anh, Pháp và Đức thì cam kết vẫn tiếp tục thực hiện thỏa thuận hạt nhân với Iran. Trên trang Twitter, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định: “Các nước châu Âu sẽ hợp tác tập thể trong một khuôn khổ rộng hơn để kiểm soát các hoạt động hạt nhân của Iran, giai đoạn sau 2025, chương trình tên lửa đạn đạo của Iran và sự ổn định ở Trung Đông, đặc biệt tại Syria và Yemen”. Còn Liên minh châu Âu (EU) thì tỏ ra “thất vọng” đối với chính sách đơn phương của nước Mỹ, đồng thời khẳng định chừng nào Iran còn tuân thủ thỏa thuận thì EU sẽ vẫn tham gia thỏa thuận này. Đó cũng là lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đưa ra ngay sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ. Nga cho rằng Mỹ một lần nữa hành động ngược lại với quan điểm của phần lớn các nước trên thế giới. Vì các lợi ích mang tính chất “cơ hội và hẹp hòi”, Washington đã vi phạm các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế.

Quốc hội Iran đã đề xuất một bản kiến nghị, trong đó kêu gọi chính phủ nước này có phản ứng "cân xứng và có qua có lại" sau khi Mỹ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Tehran ký với các cường quốc thế giới hồi năm 2015. Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani nhấn mạnh trong bối cảnh ông Trump từ bỏ thỏa thuận hạt nhân thì Iran không có nghĩa vụ phải tôn trọng các cam kết của mình. Đây là một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh.

Nhiều hệ lụy xấu

Quyết định rút khỏi thỏa thuận với Iran của Washington sẽ làm tổn hại nghiêm trọng tới quan hệ đồng minh truyền thống vốn cũng đang khá mong manh giữa Mỹ với các đối tác ở bên kia bờ Đại Tây Dương, đồng thời làm gia tăng nguy cơ xung đột quân sự ở khu vực Trung Đông. Cùng với các nước tiêu thụ nhiên liệu hàng đầu tại châu Á, như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, hàng loạt nước châu Âu khác như Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Hy Lạp... đang nhập khẩu lượng lớn dầu mỏ từ Iran. Là những đối tác phải chịu tác động trực tiếp nhiều nhất do quyết định của Mỹ, hàng loạt nước châu Âu và châu Á đều đã lập tức lên tiếng chỉ trích sự “xấu chơi” của Mỹ. Lãnh đạo các nước Anh, Pháp và Đức đã ra tuyên bố chung khẳng định đây là thỏa thuận vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm ổn định khu vực và thế giới, đồng thời nêu rõ sẽ tiếp tục duy trì JCPOA. Liên minh châu Âu dự kiến có thể thông qua những điều luật giúp các công ty châu Âu kinh doanh với Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, điều này không dễ bởi Mỹ có thể buộc các doanh nghiệp châu Âu phải lựa chọn giữa việc tiếp tục làm ăn với Iran hay được phép tiếp cận thị trường rộng lớn của Mỹ.

Việc Mỹ quay lưng với JCPOA cho thấy rõ Washington muốn ngăn chặn ảnh hưởng đang ngày càng tăng của Iran tại khu vực, song điều này đồng thời làm tăng nguy cơ xung đột quân sự tại Trung Đông. Vai trò của Iran tại các điểm nóng của khu vực, như Syria, Iraq hay Yemen trong thời gian gần đây rõ ràng đã khiến Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực như Israel và Saudi Arabia không hề hài lòng. Tuy nhiên, việc ngăn chặn sức ảnh hưởng của Tehran vào thời điểm hiện nay không dễ dàng, bởi vị thế của Iran hiện nay tại Trung Đông đã khác nhiều và Tehran có nhiều công cụ mềm để làm xói mòn các lợi ích và vai trò vốn khá suy yếu của Washington tại khu vực địa chiến lược này.

Cùng với việc rút lui này, Washington cũng áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran, một lần nữa cho thấy Nhà Trắng bất chấp các quy tắc và thông lệ quốc tế để theo đuổi chủ nghĩa biệt lập kiểu Mỹ.

Với sự gia tăng can dự và tầm ảnh hưởng của Iran trong thời gian qua, căng thẳng giữa Tehran với các đối thủ trong khu vực, cũng là các đồng minh thân cận của Mỹ, như Israel hay Saudi Arabia, đã luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột nghiêm trọng. Nay, Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, nguy cơ xung đột đó càng dễ bùng phát, khi mà Iran và Israel đang “đối đầu” nghiêm trọng ở Syria, còn Saudi Arabia luôn cáo buộc Iran cung cấp khí tài quân sự cho các tay súng nổi dậy Houthi ở Yemen.

Giới phân tích cho rằng các biện pháp trừng phạt mới sẽ không thể đạt hiệu quả như những gì Mỹ từng làm trước khi có thỏa thuận JCPOA do thiếu sự ủng hộ của các đồng minh châu Âu. Và mọi biện pháp cấm vận sẽ gây tổn hại cho tất cả các bên chứ không chỉ một mình Iran. Trước mắt có thể thấy cả Boeing và Airbus đều bị thiệt hại khi thỏa thuận cung cấp máy bay dân dụng cho Iran trị giá 40 tỷ USD phải tạm ngừng do lệnh trừng phạt của Mỹ.

Việc Tổng thống Trump tiếp tục “chơi dao” bằng việc theo đuổi các chính sách biệt lập mà phớt lờ phần còn lại của thế giới rõ ràng chỉ càng làm suy giảm vai trò của Mỹ trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt là làm gia tăng sự hoài nghi từ chính các đồng minh cũng như từ cộng đồng thế giới. Bên cạnh đó, việc này rất có thể sẽ buộc Iran tái khởi động chương trình làm giàu urani, và những căng thẳng liên quan chương trình hạt nhân của Iran lại một lần nữa trở thành “hồ sơ” nóng gây căng thẳng dai dẳng với những hệ lụy khó lường.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.