Multimedia Đọc Báo in

Trung Đông rơi vào vòng xoáy bạo lực mới

07:49, 18/05/2018
Việc Mỹ chính thức chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv đến Jerusalem và khai trương trụ sở mới trong ngày 14-5 đã làm bùng phát làn sóng biểu tình của người Palestine tại khu vực biên giới giữa Israel với Gaza, dẫn đến các cuộc đụng độ đẫm máu giữa người Palestine và quân đội Israel khiến hơn 60 người Palestine thiệt mạng và hơn 2.700 người khác bị thương.
 
Trong số các nạn nhân thiệt mạng có 9 trẻ em dưới 16 tuổi. Đây được coi là ngày đẫm máu nhất trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine kể từ khi bùng phát cuộc chiến tại Gaza năm 2014.

Trong bối cảnh xung đột tại biên giới giữa Dải Gaza với Israel ngày càng nóng bỏng, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc hôm 15-5 đã tiến hành họp khẩn nhằm giải quyết tình hình căng thẳng tại đây. Tuy nhiên, cuộc họp đã chứng kiến màn khẩu chiến và phản biện dữ dội giữa đại diện Israel - Palestine.

Phát biểu tại cuộc họp này, Phó Đại sứ thứ nhất của Phái đoàn thường trực Nga tại Liên hiệp quốc, ông Dmitry Polyanskiy nhấn mạnh cam kết rằng Nga sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho giải pháp hai nhà nước đã được cộng đồng quốc tế chấp thuận để giải quyết xung đột giữa Israel - Palestine. Nga đồng thời kêu gọi tất cả các bên tránh những bước đi làm xấu thêm tình hình. Cũng theo vị quan chức này, Nga sẵn sàng đứng ra chủ trì một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Israel - Palestine để tái khởi động các cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai bên.

Hình ảnh trái ngược trong ngày khai trương Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem.   Ảnh: Daily Mail
Hình ảnh trái ngược trong ngày khai trương Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem. Ảnh: Daily Mail

Điều phối viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông Nickolay Mladenov cũng lên tiếng cảnh báo cần sớm chấm dứt vòng xoáy bạo lực tại Dải Gaza, hoặc nếu không nó có thể kéo theo những cuộc đối đầu đẫm máu khác. Trong khi đó, Trưởng công tố Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) Fatou Bensouda đã cam kết sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình bạo lực tại Dải Gaza và sẽ triển khai "mọi hành động hợp pháp" nhằm truy tố các tội phạm.

Bất chấp lời khẳng định của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng, binh lính nổ súng tại biên giới là “hành động tự vệ của một quốc gia có chủ quyền” trước ý định của phong trào Hamas nhằm “xâm phạm và phá hủy nhà nước Israel”, việc Tel Aviv sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình Palestine vẫn chứng kiến sự công kích ngày càng mạnh mẽ của quốc tế.

Người phát ngôn của Tổng thống Palestine, ông Nabil Abu Rdeineh tuyên bố động thái trên chỉ "kích động và gây mất ổn định" khu vực, đồng thời bác bỏ vai trò của Mỹ là một nhà trung gian hòa giải trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Ông khẳng định "với bước đi này, chính quyền Mỹ đã từ bỏ vai trò của mình trong tiến trình hòa bình" đồng thời "kích động và gây mất ổn định" khu vực.

Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Abul Gheit đã chỉ trích các nước tham gia buổi lễ mở cửa Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem. Theo ông, động thái này của Mỹ là "bước đi cực kỳ nguy hiểm, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc". Các lãnh đạo Hồi giáo của Ai Cập cũng chỉ trích quyết định trên của Mỹ, coi việc Washington chuyển Đại sứ quán tới Jerusaelm là hành động khiêu khích tới 1,5 tỷ tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Iran đã kêu gọi cộng đồng Hồi giáo đoàn kết chống lại quyết định trên của Mỹ, đồng thời cảnh báo hậu quả có thể xảy đến từ quyết định trên. Bộ trên nêu rõ quyết định này của Mỹ sẽ chỉ làm tăng ý chí và quyết tâm của người dân Palestine cũng như "các hành động phản đối người Do Thái và Mỹ trong khu vực và trên thế giới".

Lãnh đạo các nước Anh, Đức, Ireland và Bỉ đã kêu gọi Liên hiệp quốc mở một cuộc điều tra độc lập về xung đột đẫm máu giữa lực lượng Israel và người biểu tình Palestine vừa qua.

Phản ứng về hành động trấn áp bằng vũ lực của lực lượng vũ trang Israel, chính phủ Nam Phi và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhanh chóng đưa ra phản ứng cứng rắn với quyết định triệu hồi đại sứ các nước này tại Israel. Căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao khi Thổ Nhĩ Kỳ lại vừa tiếp tục trục xuất đại sứ Israel khỏi nước này.

Chuyển người biểu tình Palestine bị thương sau các cuộc đụng độ với binh sĩ Israel tại khu vực biên giới Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)
Chuyển người biểu tình Palestine bị thương sau các cuộc đụng độ với binh sĩ Israel tại khu vực biên giới Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc đã hối thúc cả Israel và Palestine cần hết sức kiềm chế để tránh gây thương vong, đồng thời nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước là phương án duy nhất cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Ông kêu gọi lực lượng an ninh Israel kiềm chế tối đa việc sử dụng bạo lực, đồng thời hối thúc Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas và những thủ lĩnh biểu tình cần có trách nhiệm tránh hành động bạo lực và khiêu khích.

Vấn đề quy chế của thành phố Jerusalem lâu nay vốn là chủ đề đặc biệt nhạy cảm và là trung tâm của cuộc xung đột Israel - Palestine.

Israel chiếm đóng khu vực Đông Jerusalem trong cuộc chiến năm 1967, sau đó sáp nhập vùng đất này và tuyên bố toàn bộ thành phố Jerusalem là thủ đô không thể chia cắt của Israel. Cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền của Israel đối với Đông Jerusalem, trong khi người Palestine luôn xác định Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai.

Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, việc chuyển Đại sứ quán Mỹ ở Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem là lời khẳng định rằng ông biết giữ lời, và đó cũng là một ví dụ khác về sự sẵn lòng của ông để phá bỏ tư duy thông thường về chính sách đối ngoại, dám làm điều mà các Tổng thống Mỹ tiền nhiệm không dám. Tuy nhiên, hình ảnh tang thương chết chóc ở Gaza trong ngày 14-5 rõ ràng là lời nhắc nhở nghiêm túc rằng những gì mà ông Trump mô tả là “một cuộc đảo chính trong chính sách đối ngoại” sẽ chỉ làm triển vọng về hòa bình Trung Đông thêm mịt mờ. Đúng như giới chuyên gia nhận định, thật khó để đưa Palestine quay trở lại bàn đàm phán với Israel sau những gì xảy ra hôm 14-5 vừa qua, đặc biệt là khi dưới thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Mỹ dường như đã bỏ quên hoài bão làm trung gian cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông.

Triển vọng mang lại hòa bình cho Trung Đông ngày càng trở nên xa vời thêm vì một loạt vấn đề “nóng” trong khu vực đang đi vào ngõ cụt. Ngoài cuộc nội chiến Syria kéo dài suốt 7 năm chưa nhìn thấy hồi kết, thêm sự kiện gây chấn động liên quan tới việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và chuyển đại sứ quán về Jerusalem, thì việc xung đột Israel - Palestine vừa trải qua ngày đẫm máu nhất kể từ cuộc chiến Gaza năm 2014 lại càng khiến cho con đường đưa Trung Đông tiến gần hơn tới một nền hòa bình trở nên chông gai, trắc trở hơn.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)

 


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.