Multimedia Đọc Báo in

Đâu là nút thắt khó gỡ trong quan hệ đầy sóng gió Mỹ - Nga?

11:29, 26/08/2018
Căng thẳng Nga-Mỹ tiếp tục leo thang khi mà Mỹ vừa mới áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với các công dân và công ty của Nga liên quan tới các hoạt động mà Washington cho là gây hại trên mạng và vấn đề Triều Tiên, đồng thời cảnh báo sẽ tiếp tục đưa ra các biện pháp trừng phạt “cứng rắn hơn” đối với Moscow liên quan đến một loạt các vấn đề khác.
 
Các nhà lập pháp Mỹ hôm 21-8 đã kêu gọi các biện pháp trừng phạt “cứng rắn hơn" nhằm chống lại các “mối đe dọa” từ Nga liên quan đến một loạt các vấn đề như Ukraine, tình hình Syria, các vi phạm lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, các cáo buộc trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal tại Anh và các cuộc tấn công mạng. Theo các nghị sĩ Mỹ, bên cạnh các biện pháp trừng phạt hiện tại nhằm vào Nga, Chính phủ Mỹ cần tạo thêm sự “đau đớn” nhiều hơn nữa đối với nền kinh tế Nga nếu nước này không thay đổi hành vi của mình, bất chấp mong muốn cải thiện mối quan hệ từ người đứng đầu chính phủ hai nước tại hội nghị thượng đỉnh gần đây.
 
Chỉ trong ngày 21-8, Quốc hội Mỹ đã tiến hành tới 3 phiên điều trần liên quan tới Nga, đối với các Ủy ban Ngân hàng và Quan hệ Đối ngoại cùng 1 tiểu ban Tư pháp chống khủng bố. Thượng nghị sĩ Mike Crapo của Đảng Cộng hòa cho biết, tại các phiên điều trần này, các nghị sĩ Mỹ đã đạt được sự thống nhất “mạnh mẽ chưa từng có” về việc Mỹ cần hành động nhiều hơn nữa để trừng phạt Nga.
 
Giới chức Mỹ đưa ra các tuyên bố trên ngay sau khi Bộ Tài chính nước này áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 2 công ty vận tải thủy và 6 tàu của Nga với cáo buộc tham gia hoạt động chở xăng dầu tinh chế cho các tàu của Triều Tiên, vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế. Bên cạnh đó, Mỹ cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 2 công dân Nga, 1 công ty Nga, 1 công ty của Slovakia với lý do những cá nhân và công ty này đã giúp 1 công ty khác của Nga né tránh những biện pháp trừng phạt liên quan đến những hoạt động trên mạng mà Mỹ cho rằng “có hại”.
 
Trong tuyên bố bác bỏ cáo buộc mới và phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ, phía Nga đã coi những động thái của Washington là vì toan tính chính trị. 
 
Không thể phủ nhận rằng lâu nay Mỹ vẫn luôn coi Nga là một đối thủ lớn trong việc tranh giành tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế, bất chấp có những thời điểm quan hệ hai bên đã tiến sát những mốc hòa giải. 
 
Không ít đời tổng thống Mỹ từng đề ra mục tiêu "cài đặt lại" hay cải thiện mối quan hệ với Nga, song dù thế nào hai bên vẫn chỉ dừng lại ở mức "bắt tay" trong một giai đoạn nhất định, vì những lợi ích chung nhất định. Ngay không khí tích cực sau cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ hồi tháng 7 ở Helsinki cũng nhanh chóng bị "phủ bóng đen" bởi những yếu tố mà Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi là cuộc "đấu đá chính trị" nội bộ của nước Mỹ.
 
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Phản ứng gay gắt của chính giới Mỹ khi chứng kiến thái độ khá mềm mỏng của Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga phần nào cho thấy quan hệ với "đối thủ" Nga là chủ đề nhạy cảm ở Mỹ, nhất là trong bối cảnh uy tín và ảnh hưởng của Moscow trên trường quốc tế trong vài năm trở lại đây đang tăng nhanh. 
 
Việc "kìm chân" nước Nga dường như nằm trong mục tiêu của Mỹ. Đây là nguyên nhân mà trong vòng một tuần qua, Mỹ liên tục trút "mưa" trừng phạt xuống Xứ sở bạch dương. Chuyên gia Andrey Kortunov, Chủ tịch Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga, cho rằng đây là nỗ lực của giới cầm quyền ở Washington nhằm giành lại uy tín trên trường quốc tế, nhất là sau khi Mỹ thất bại trong việc áp đặt ý chí của mình tại Syria, làm xấu đi các quan hệ với châu Âu và Trung Quốc. 
 
Đáng chú ý, động thái mới của Mỹ diễn ra ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh mới đây giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó hai bên đã thảo luận các giải pháp phù hợp cho những vấn đề cùng quan tâm, trong đó có hợp tác kinh tế song phương trong bối cảnh Mỹ gia tăng sức ép. 
 
cường quốc hạt nhân Nga - Mỹ cũng khó có thể đẩy căng thẳng vượt quá tầm kiểm soát, bởi cả hai đều nhận thấy những hậu quả khó lường nếu quan hệ hai nước tiếp tục lún sâu tới bờ vực thẳm.

Việc Đức và Nga xích lại gần nhau cũng có vẻ khiến Mỹ "nóng mặt" do mối quan hệ giữa Washington và các đối tác châu Âu đang căng thẳng liên quan tới vấn đề thương mại, hay bất đồng về thỏa thuận hạt nhân Iran. Sự bất bình của các đối tác châu Âu với Mỹ cũng phần nào làm giảm vị thế của Washington trong mắt các đồng minh. 

Xét từ khía cạnh này, giờ Nga sẽ trở thành đối tượng "giơ đầu chịu báng" khi Washington cố gắng giành lại quyền kiểm soát, mà việc "kiềm chế" ảnh hưởng của Moscow sẽ được xem là ưu tiên. Đây sẽ là "nút thắt'" cản trở hai nước đưa quan hệ song phương vào quỹ đạo hòa dịu. 
 
Giới chuyên gia cũng nhận định sức ép của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Nga bắt nguồn từ áp lực của Quốc hội lưỡng đảng nước này. “Cuộc chiến án phạt" của Mỹ nhằm vào Nga hiện nay mang màu sắc của một cuộc đấu đá chính trị trong nội bộ nước Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ đang đến gần; đồng thời chứng tỏ quyết tâm bảo vệ lợi ích của Mỹ và tăng thêm "quân bài" thương lượng với Điện Kremlin. Bước đi cứng rắn của ông chủ Nhà Trắng đối với Nga có thể nhìn nhận như một cách thức để lấy lòng các cử tri vốn đang dao động trước sự lựa chọn giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. 
 
Mặc dù Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev  tuyên bố Moscow cần đáp trả các đòn trừng phạt của Washington bằng các biện pháp kinh tế và chính trị, song đa số các nhà quan sát cho rằng Moscow khó có thể đưa ra những biện pháp đáp trả tương xứng. Các biện pháp được nhắc đến như ngừng cung cấp động cơ tên lửa, titan... tuy gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Mỹ, song cũng sẽ giáng mạnh vào ngân sách Nga, và trong dài hạn còn dẫn đến việc Nga mất thị trường quan trọng ở châu Mỹ.
 
Có thể thấy, triển vọng hai nước có thể đưa ra những nhượng bộ và bắt tay làm hòa dường như rất mù mờ ở thời điểm hiện tại. Mỗi bên đều đổ lỗi cho bên còn lại là nguyên nhân gây ra thế bế tắc này và đều đang tiếp tục các chính sách có nguy cơ làm gia tăng đối đầu. 
 
Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng quan hệ Nga - Mỹ gia tăng như vậy, nhiều người dân “xứ cờ hoa” vẫn tin rằng việc cải thiện quan hệ với Nga quan trọng hơn các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ chống lại nước này. 
 
Theo kết quả thăm dò mới đây do hãng Gallup tiến hành và công bố trong ngày 22-8, có tới 58% số người Mỹ được hỏi mong muốn chính quyền sẽ cải thiện quan hệ với Nga thông qua các biện pháp ngoại giao. Trong khi đó, chỉ có 36% số người được hỏi tin vào sức nặng của các lệnh trừng phạt ngoại giao và kinh tế cứng rắn.
 
Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.