Multimedia Đọc Báo in

Từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đến chiến tranh lạnh kiểu mới?

15:26, 29/09/2018

Không thể  “ăn miếng trả miếng” từng xu trong ván cờ thuế quan, cách đáp trả “định tính” mà Trung Quốc tuyên bố có thể khiến Mỹ - Trung rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh kiểu mới.

Ngày 24-9, các biện pháp thuế quan trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc chính thức có hiệu lực. Chính quyền Mỹ sẽ áp thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, và mức thuế có thể lên tới 25% vào cuối năm 2018. Mức thuế của Trung Quốc đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ là 5 - 10%. Trước đó, hai bên đã đánh thuế đối với 50 tỷ USD hàng hóa của nhau.

Trung Quốc cảnh báo sẽ đáp trả Mỹ bằng các biện pháp “định tính”. Dù Bắc Kinh không tiết lộ các biện pháp này sẽ như thế nào, nhưng giới doanh nghiệp và các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc có thể dừng xuất khẩu một số hàng hóa nhất định tới Mỹ hoặc tạo thêm nhiều rào cản về thủ tục hành chính đối với các công ty Mỹ.

Đối với Mỹ, cuộc chiến thương mại này đã tác động xấu tới người tiêu dùng, nhất là người quen tiêu dùng hàng giá rẻ của Trung Quốc. Mức sống giảm, thất nghiệp tăng với con số khoảng 700.000 người lao động và năm 2019 với tỷ lệ thất nghiệp có thể còn tăng gấp đôi. Với các doanh nghiệp Mỹ, sức cạnh tranh giảm sút, thị phần của Mỹ tại Trung Quốc bị các đối thủ chiếm lĩnh, thay thế. Đặc biệt là lòng tin của giới doanh nhân suy giảm, nên họ sẽ do dự trước các quyết định đầu tư.

Công nhân phân loại đậu tương để đóng gói xuất khẩu ở một nhà máy thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc.  								      Ảnh: AFP/TTXVN
Công nhân phân loại đậu tương để đóng gói xuất khẩu ở một nhà máy thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Đối với Trung Quốc, Mỹ là bạn hàng lớn nhất (chiếm 8,4% kim ngạch xuất khẩu). Các mặt hàng như động cơ, motor, xây dựng, máy nông nghiệp, thiết bị điện, viễn thông và giao thông bị ảnh hưởng nhiều nhất. Theo ước tính, Trung Quốc suy giảm tăng trưởng khoảng 0,2% trong năm nay và 0,3% vào năm 2019. Mức độ tăng trưởng từ 6,6% trong năm nay xuống chỉ còn 6,3% trong năm tới, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch tăng gấp đôi GDP của Trung Quốc (theo kế hoạch đến năm 2020), nhất là Chiến lược “Made in China 2025” và Dự án “Vành đai, con đường”. Điều quan trọng hơn là Trung Quốc sẽ tiếp tục không được Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) công nhận là nền kinh tế thị trường. Đồng thời uy tín của cả hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung cũng sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.

Hơn nữa, do Mỹ - Trung là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nên cuộc chiến thương mại gia tăng ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ước tính cứ mỗi 100 tỷ USD hàng hóa bị ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu, thương mại toàn cầu sẽ giảm 0,5%; kéo theo tăng trưởng toàn cầu giảm 0,1%, lạm phát tăng ở mức 0,1% - 0,3%; lợi nhuận toàn cầu cũng biến mất khoảng 2,5%.

Thâm hụt thương mại khổng lồ giữa Mỹ và Trung Quốc cần một giải pháp, nhưng thuế quan không phải là giải pháp. Mỹ cần một cách tiếp cận khôn ngoan hơn trong khuôn khổ trật tự quốc tế để giải quyết vấn đề thương mại với Trung Quốc.

Vài ngày sau khi tuyên bố hủy kế hoạch cử phái đoàn sang Mỹ đàm phán thương mại vào hai ngày 24 và 25-9, Trung Quốc tuyên bố tạm ngừng tất cả các cuộc đối thoại quân sự lớn với Mỹ trong tương lai gần để phản đối việc Mỹ trừng phạt cơ quan quân sự nước này vì mua máy bay và hệ thống phòng không của Nga. Trung Quốc cũng lập tức triệu hồi Tư lệnh Hải quân Thẩm Kim Long, người đang tham gia Hội thảo hải quân quốc tế lần thứ 23 ở Mỹ và hoãn một cuộc họp về cơ chế liên lạc giữa hai bên dự kiến diễn ra từ ngày 25 đến 27-9 tại Bắc Kinh.

Có thể không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc đưa ra quyết định hủy đối thoại quân sự với Mỹ vào thời điểm các biện pháp thuế quan của Mỹ đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực. Dù Bắc Kinh chưa và có thể sẽ không xác nhận việc hủy đối thoại quân sự có liên quan tới căng thẳng thương mại Mỹ - Trung song các nhà quan sát đều cho rằng, đây cũng là một cách phản ứng của Trung Quốc. Và việc Trung Quốc đáp trả Mỹ bằng các lĩnh vực khác có thể khiến cuộc chiến thương mại hiện nay sớm chuyển thành một cuộc “chiến tranh lạnh mới”.

Hoa quả nhập khẩu từ Mỹ được bày bán tại siêu thị ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Hoa quả nhập khẩu từ Mỹ được bày bán tại siêu thị ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Có thể nói Tổng thống Donald Trump đang chơi một trò chơi mạo hiểm khi cố đối phó với thâm hụt thương mại Mỹ - Trung bằng các biện pháp thuế quan “như búa tạ”. Những gì ông Trump làm đang tạo ra một loạt những thách thức nghiêm trọng khác đối với lợi ích của Mỹ và nó có thể sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm tới.

Trở lại câu hỏi liệu Mỹ - Trung có thể rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh? Charles Hankla, Giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học George của Mỹ cho rằng, nếu có, đó sẽ không phải là kiểu chiến tranh lạnh như giữa Mỹ và Liên Xô sau Thế chiến 2. Cuộc Chiến tranh lạnh khi đó đã chia thế giới thành hai khối đối kháng nhau không ngừng giành thế trên cơ. Chắc chắn, cuộc xung đột đang ngày càng leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ - Trung) có thể một lần nữa làm hình thành các không gian ảnh hưởng đối lập nhau. Nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc - cũng như sự tồn tại của các cường quốc khác - có thể khiến cho một cuộc “chiến tranh lạnh” (giữa Mỹ và Trung Quốc) trở nên khác biệt.

Sẽ tốt hơn cho Mỹ nếu có thể tránh được mối quan hệ đối đầu với Trung Quốc. Bảo vệ lợi ích của mình là điều tất nhiên, nhưng một cuộc chiến leo thang mà chẳng ai biết nó sẽ dẫn tới đâu, sẽ không có lợi cho bất cứ ai.

Hồng Hà (Theo VOV)

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.