Multimedia Đọc Báo in

Bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ: Cuộc đua quyết liệt

17:13, 19/10/2018
Ngày 6-11, các cử tri trên toàn nước Mỹ sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, được coi là "phép thử" đối với chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cuộc bầu cử này diễn ra trong bối cảnh đảng Cộng hòa chiếm thế đa số tại Thượng viện lẫn Hạ viện và gia tăng những bất đồng sâu sắc trong nội bộ chính trị nước Mỹ.

Mối quan tâm của cử tri

Theo báo cáo công bố hồi tháng 9 của Viện Nghiên cứu Pew, sự nhiệt tình của các cử tri đối với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này ở mức cao nhất trong hơn 2 thập niên qua. Khoảng 61% cử tri được hỏi cho biết họ rất quan tâm đến cuộc bầu cử. Khoảng 72% nói rằng họ sẽ góp phần quyết định đảng nào kiểm soát quốc hội khi bỏ phiếu.

Đối với đảng Dân chủ, cuộc bầu cử này là cơ hội để giành thế đa số ở cả 2 viện Quốc hội Mỹ, nhằm ngăn cản các chương trình gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump. Tại Hạ viện, phe Dân chủ phải giành được hơn 20 ghế để đạt tới con số 218 ghế nhằm áp đảo phe Cộng hòa. Trang thống kê FiveThirtyEight dự đoán, phe Dân chủ có 76% cơ hội chiến thắng. Còn phe Cộng hòa có 66% cơ hội duy trì quyền kiểm soát Thượng viện khi phe này đang nắm giữ 51/100 ghế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Washington DC., ngày 12-9-2018. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Washington DC., ngày 12-9-2018. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các vấn đề dân sinh và người nhập cư luôn là tâm điểm thu hút sự chú ý của các cử tri. Khoảng 75% cử tri đánh giá y tế là vấn đề “rất quan trọng”, trong đó đảng Dân chủ có ưu thế hơn đảng Cộng hòa liên quan đến việc xử lý các vấn đề về y tế. 51% cử tri tin rằng đảng Dân chủ có thể xử lý tốt hơn vấn đề y tế, trong khi 35% cho rằng đảng Cộng hòa sẽ làm tốt hơn. Nếu đảng Cộng hòa chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này thì sẽ dẫn đến việc chấm dứt Đạo luật chăm sóc y tế với giá cả phải chăng (Obamacare). Mặc dù đến thời điểm hiện tại, đảng Cộng hòa chưa thể bãi bỏ hoặc thay thế Đạo luật Obamacare, song Quốc hội và Tổng thống Donald Trump đã thay đổi một số điều đối với đạo luật này. Tiếp đến là vấn đề kinh tế. Một trong những khẩu hiệu mà Tổng thống Donald Trump đưa ra trong chiến dịch vận động trước bầu cử là phục hưng kinh tế. Ông thường tỏ ra tự hào về mức tăng trưởng kinh tế của Mỹ cũng như tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục. Trên thực tế, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm xuống còn 3,7% trong tháng 9-2018, mức thấp nhất trong gần 50 năm qua. Tuy nhiên tăng trưởng việc làm vẫn chậm. Dù nền kinh tế Mỹ vẫn đang tăng trưởng, song nhiều nhà kinh tế học lo ngại các gia đình thuộc tầng lớp lao động có thể không thật sự được hưởng lợi. Chỉ đến mãi thời gian gần đây, mức lương mới bắt đầu tăng nhẹ và một số người cho rằng điều này có thể không kéo dài.

Tác động của nhóm cử tri trung lập tới cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ

Hiện có rất nhiều lý do khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump và đảng Cộng hòa của ông lo lắng về cuộc bầu cử này, trong đó có mối lo ngại về nhóm cử tri trung lập.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, một trong những nhóm cử tri giúp ông Trump giành chiến thắng ngoài sự mong đợi trước đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton chính là nhóm cử tri trung lập. Tỷ lệ ủng hộ tăng đột biến trong nhóm cử tri này, với 46% ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng hòa và 42% ủng hộ cho ứng cử viên đảng Dân chủ tại các bang “chiến trường,” nhất là những bang còn do dự, đã bất ngờ giúp đưa một “người ngoại đạo” trở thành người đứng đầu nước Mỹ.

Sau cuộc bầu cử, báo Washington Post của Mỹ đã có bài viết phân tích lý do khiến các cử tri trung lập bị thu hút bởi ứng cử viên được cho là không có kinh nghiệm gì về chính trường và chưa từng nắm giữ một chức vụ quan trọng nào trong Chính phủ Mỹ là do họ mong muốn được chứng kiến sự thay đổi thực sự trong chính trường Mỹ khi đã quá bất mãn và lo lắng về tình hình kinh tế cũng những gì lặp đi lặp lại trong suốt 8 năm dưới chính quyền của đảng Dân chủ và ông Trump được hy vọng là làn gió mới mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho nước Mỹ.

Mặc dù cuộc bầu cử không lựa chọn các ứng viên tổng thống cho nhiệm kỳ tiếp theo, song sẽ định hình “quỹ đạo chính trị” của nước Mỹ trong 2 năm tới. Các cử tri sẽ bỏ phiếu chọn toàn bộ 435 thành viên của Hạ viện, 35 thượng nghị sĩ, 39 thống đốc bang và vùng lãnh thổ.

Tuy nhiên, hiện nay, đây dường như lại chính là nhóm cử tri đang quay lưng lại với Tổng thống Trump và có khả năng tác động lớn tới kết quả của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới.

Theo một cuộc thăm dò mới nhất do CNN thực hiện, tỷ lệ ủng hộ của các cử tri độc lập đối với Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa của ông đã giảm từ 47% xuống còn 31% vào tháng 8 vừa qua, giảm một điểm so với mức ủng hộ thấp nhất của nhóm cử tri độc lập là 32% vào tháng 11-2017 và 4 điểm thấp hơn so với mức ủng hộ thấp nhất của ông trước đó là 35% của năm 2018.

Theo giới phân tích, sự sụt giảm niềm tin đối với Tổng thống Trump và đảng của ông dẫn tới tỷ lệ ủng hộ giảm đáng kể trong nhóm cử tri độc lập này do những cơn sóng gió mà ông Trump phải đối mặt trong thời gian vừa qua; trong đó có chính sách chia tách trẻ em nhập cư khỏi cha mẹ chúng, cuộc chiến pháp lý của cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử và cựu luật sư riêng của ông, chính sách đối ngoại liên quan đến Triều Tiên. Hay những tuyên bố bất nhất của ông sau cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cuốn sách “Nỗi sợ: Ông Trump trong Nhà Trắng” sắp được công bố của nhà báo nổi tiếng Bob Woodward phơi bày những bất đồng trong chính quyền Mỹ hiện nay, hay bài xã luận được cho là của một viên chức quản lý cấp cao ẩn danh thuộc chính quyền Tổng thống Trump mô tả về một cuộc "phản kháng ngầm" ngay trong chính nội bộ chính quyền, nhằm phá hỏng chương trình nghị sự và những ý muốn tồi tệ nhất của Tổng thống.

Tất cả dường như đã định hình một bức tranh toàn cảnh trong nhận thức của cử tri về khả năng lãnh đạo của Tổng thống Trump.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.