Multimedia Đọc Báo in

Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc từ chức: Sự khủng hoảng trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump?

11:24, 12/10/2018
Vị đại sứ được đánh giá là nhiều tham vọng của Mỹ tại Liên hiệp quốc, bà Nikki Haley hôm 9-10 bất ngờ thông báo từ chức. Dù tuyên bố luôn trung thành và ủng hộ Tổng thống, song quyết định “dứt áo ra đi” của bà đã tạo ra một cú sốc chính trị lớn đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump nói riêng, cũng như chính quyền của ông nói chung.

Ngay sau thông báo từ chức, tối 9-10, Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley đã có cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump tại Phòng Bầu Dục, với sự có mặt của báo giới. Tại đây, Tổng thống Donald Trump khẳng định đã biết ý định từ chức của bà Haley từ cách đây 6 tháng, đồng thời không quên dành những lời khen có cánh dành cho vị Đại sứ mà ông gọi là “một người bạn” này.

Bà Haley nối dài danh sách những nhân vật cấp cao rời khỏi chính quyền ông Donald Trump, gồm những người như cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson và chiến lược gia trưởng Steve Bannon.

Bà Haley được xem là một ngôi sao chính trị đang lên của đảng Cộng hòa. Sinh ra trong một gia đình người Ấn Độ nhập cư và từng giữ cương vị Thống đốc bang South Carolina, bà Haley là nhân vật nữ cấp cao nhất trong nội các của ông Donald Trump. Bà cũng được xem là một ứng cử viên tiềm năng cho cuộc đua vào Nhà Trắng sau 2 năm nữa.

Việc bà Haley có những bước tiến nhanh chóng từ cơ quan lập pháp cấp bang đến trường quốc tế cho thấy người phụ nữ 46 tuổi này có thể có những tham vọng chính trị lớn hơn.

Đại sứ Mỹ  tại Liên  hiệp quốc  Nikki Haley trong cuộc  họp báo tại New York, Mỹ ngày 4-9.  Ảnh: THX/TTXVN
Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Nikki Haley trong cuộc họp báo tại New York, Mỹ ngày 4-9. Ảnh: THX/TTXVN

Bà được xem như gương mặt đại diện cho chính sách "nước Mỹ trên hết" của ông Donald Trump tại Liên hiệp quốc, đưa nước Mỹ rút khỏi nhiều chương trình của tổ chức này, và bảo vệ mạnh mẽ lập trường cứng rắn của ông đối với chương trình hạt nhân của Iran và Triều Tiên. Là một trong số ít phụ nữ trong nội các của Tổng thống Donald Trump, bà Haley được đánh giá là người luôn có những phát ngôn mạnh mẽ bảo vệ chính sách của nhà lãnh đạo Mỹ, mặc dù đôi khi giống như “thêm dầu vào lửa”.

Bà thường xuyên đưa ra các chỉ trích gay gắt về Nga và Syria tại Liên hiệp quốc. Bà ủng hộ việc dừng viện trợ cho cơ quan Liên hiệp quốc giúp người tị nạn Palestine hay quyết định dời đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv tới Jerusalem dù phải đối mặt với rất nhiều chỉ trích từ quốc tế. Bà cũng là người góp tiếng nói gây áp lực với Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải đưa ra các hình thức trừng phạt mạnh tay hơn với Triều Tiên. Đại sứ các quốc gia tại Liên hiệp quốc xem bà Haley là một tiếng nói rõ ràng về chính sách đối ngoại của Mỹ, trong khi chính quyền ông Donald Trump thường đưa ra những tín hiệu trái chiều.

Mấy tháng gần đây, vai trò của bà Haley có phần suy giảm sau khi ông Mike Pompeo trở thành Ngoại trưởng Mỹ và ông John Bolton trở thành Cố vấn An ninh Quốc gia. Ông Pompeo hiện đang dẫn đầu cuộc đàm phán với Triều Tiên, trong khi ông Bolton nỗ lực thực thi lập trường cứng rắn của ông Donald Trump đối với Iran.

Theo Tổng thống Donald Trump, quyết định từ chức của bà Haley sẽ chính thức có hiệu lực vào cuối năm nay, đồng thời cho biết, danh tính người kế nhiệm sẽ được công bố trong từ 2 đến 3 tuần tới. Ông cũng khẳng định hiện có 5 ứng cử viên cho vị trí này, đặc biệt trong số đó có bà Dina Powell, Giám đốc quản lý của Goldman Sachs đồng thời là cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia.

Truyền thông Mỹ đã đưa ra nhiều đồn đoán về lý do từ chức đầy bất ngờ của bà. Do các tham vọng chính trị? Bất mãn với quyết định bổ nhiệm ông Brett Kavanaugh làm thẩm phán Tòa án tối cáo bất chấp những cáo buộc lạm dụng tình dục? Hay lo ngại nguy cơ phải đối mặt với một cuộc điều tra được tiết lộ một ngày trước đó? Dù lý do là gì, song chắc chắn sự ra đi của bà đã khiến các đồng nghiệp tại Mỹ và Liên hiệp quốc bất ngờ.

Theo CNN, rất nhiều quan chức Nhà Trắng đã không khỏi sốc khi nghe tới quyết định này của bà Haley. Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo thậm chí còn không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Trong khi đó, các nhà lập pháp đảng Cộng hòa dành những lời ngợi khen cho bà Haley sau những đóng góp của bà. Thượng nghị sĩ bang Nam Carolina, Lindsey Graham cho rằng, bà Haley là đại diện thực sự của các cải cách tại Liên hiệp quốc. Còn Thượng nghị sĩ Robert Menendez, nhân vật cấp cao nhất của đảng Dân chủ thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, gọi việc bà Haley từ chức là một tín hiệu nữa cho thấy sự hỗn loạn trong chính sách đối ngoại của chính quyền Donald Trump. Thủ lĩnh phe Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại thượng viện Bob Menendez cũng cho rằng đây là một dấu hiệu nữa cho thấy sự khủng hoảng trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Nhận định này không phải là vô cớ khi đưa ra sau một loạt vụ sa thải và từ chức của những nhân vật thân cận với Tổng thống Donald Trump trong gần hai năm qua. Đội ngũ ngoại giao ban đầu của ông gần như là đã bị thay đổi hoàn toàn, nhất là sau khi ông Mike Pompeo trở thành Ngoại trưởng Mỹ và ông John Bolton trở thành Cố vấn An ninh Quốc gia hồi đầu năm nay.

Cũng theo các nhà phân tích, quyết định “dứt áo” của Đại sứ Nikki Haley vào thời điểm bà đang đảm nhận khá tốt công việc này là một cú sốc chính trị lớn đối với Tổng thống Donald Trump, nhất là khi còn chưa đầy một tháng nữa, nước Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng và giữa lúc cử tri Mỹ dường như đang ngày càng quay lưng với các ứng cử viên Cộng hòa.

Hồng Hà (Theo VOV, SGGP)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.