Multimedia Đọc Báo in

Chính phủ Anh nhất trí thông qua dự thảo thỏa thuận rút khỏi EU

15:32, 16/11/2018
Chính phủ Anh đã nhất trí thông qua dự thảo thỏa thuận rút khỏi EU (hay còn gọi thỏa thuận Brexit) sau cuộc họp chính phủ kéo dài 5 tiếng, kết thúc lúc 19 giờ ngày 14-11.

Đích thân Thủ tướng Anh, bà Theresa May sau đó đã xuất hiện và đưa ra thông báo ngắn gọn với báo chí. Bà May nói: “Chúng ta phải lựa chọn, hoặc là thỏa thuận này, hoặc là không có bất cứ thỏa thuận Brexit nào và tôi tin tưởng, bằng cả trí óc và trái tim mình, rằng đây là thỏa thuận tốt nhất cho lợi ích của toàn thể Vương quốc Anh”.

Việc chính phủ Anh thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit là một thắng lợi chính trị quan trọng với bà Theresa May. Trước đó, trong tối 13-11, bà May đã gặp từng cá nhân Bộ trưởng trong chính phủ Anh để thuyết phục các nhân vật này ủng hộ dự thảo thỏa thuận. Tuy nhiên, các thách thức thực sự sẽ đến với bà May trong những ngày tới, với cuộc chiến tại Nghị viện Anh.

Tối 14-11, ông Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) về Brexit, tuyên bố Brussels và London đã đạt được "tiến triển mang tính quyết định" mở ra con đường dẫn đến hoàn tất một thỏa thuận giữa EU và nước Anh. Phát biểu với báo giới, ông Barnier khẳng định Anh và EU đã tìm ra giải pháp để tránh một “biên giới cứng” với Ireland - vấn đề khó khăn nhất trong quá trình đàm phán Brexit, đồng thời cho phép toàn bộ nước Anh ở lại trong Liên minh Thuế quan. Với trách nhiệm của một nhà đàm phán của EU, ông Barnier tuyên bố hai bên đã đạt được “tiến triển quyết định”, cụm từ rất được EU trông đợi để có thể chuyển sang giai đoạn tiếp theo.

Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU tại thủ đô London, Anh. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU tại thủ đô London, Anh. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ngay sau khi chính phủ Anh thông báo thông qua dự thảo thỏa thuận Brexit, các lãnh đạo của đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland – DUP và đảng Dân tộc Scotland (SNP) đã lên tiếng phản đối. Bà Arlene Foster, thủ lĩnh đảng DUP, đã có cuộc gặp khẩn với bà May trong tối muộn 14-11 (theo giờ Anh). Đảng DUP từ trước đến nay luôn phản đối bất cứ điều khoản nào tạo ra sự chia cắt giữa Bắc Ireland với Vương quốc Anh. Trong khi đó, bà Nicola Sturgeon, Thủ hiến Scotland và là lãnh đạo đảng SNP tuyên bố dự thảo thỏa thuận Brexit mà chính phủ Anh vừa thông qua là “kịch bản tồi tệ nhất” với Scotland vì tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các vùng thuộc Vương quốc Anh. Theo bà Sturgeon, thỏa thuận này sẽ "phá hoại" các hoạt động "đầu tư và việc làm" tại Scotland.

Thỏa thuận Brexit sơ bộ cũng đã vấp phải sự chỉ trích từ Công đảng đối lập chính tại Anh. Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn gọi đây là một thỏa thuận "lộn xộn", đẩy Thủ tướng Anh Theresa May "vượt qua giới hạn đỏ". Ông này cũng cho rằng chính phủ Anh đã lãng phí 2 năm đàm phán để cuối cùng mang về một thỏa thuận tồi, đẩy quốc gia vào tình trạng nửa vời.

Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định thỏa thuận sơ bộ mới đạt được để đưa quốc gia này rời EU đã thể hiện đúng nguyện vọng của cử tri Anh trong cuộc trưng cầu ý dân hồi năm 2016. Phát biểu trước các nghị sĩ Quốc hội Anh sau khi vấp phải những chỉ trích về thỏa thuận sơ bộ mới đạt được, bà May khẳng định thỏa thuận này sẽ  bảo đảm chấm dứt tình trạng người nhập cư ồ ạt kéo đến quốc gia này và cho phép Anh tự xây dựng chính sách thương mại. Thủ tướng Anh cho biết thỏa thuận bao gồm một loạt "rào chắn" phụ nhằm tránh một biên giới cứng với Cộng hòa Ireland nhưng cũng cho biết thêm sẽ có một chính sách đảm bảo tạm thời trong khi hai bên chưa đạt được thỏa thuận thương mại. Bà May khẳng định chính phủ Anh muốn đạt được thỏa thuận về quan hệ thương mại vào cuối tháng 12-2020, thời điểm kết thúc giai đoạn chuyển tiếp.

Chỉ còn chưa đến 5 tháng nữa là đến hạn nước Anh phải ra khỏi EU, cái gọi là đường biên giới mềm giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland, quốc gia thành viên EU, là vấn đề vướng mắc chính khiến hai bên suốt thời gian dài vừa qua không tìm được tiếng nói chung. Đường biên giới mềm này là chính sách bảo đảm để tránh quay trở lại tình trạng kiểm soát biên giới giữa hai bên. Hồi năm ngoái, cả hai bên đều nhất trí cần thiết lập biên giới đất liền mở giữa Anh và Cộng hòa Ireland bằng mọi giá nhưng quá trình đàm phán sau đó liên tục đi vào ngõ cụt vì cả hai bên không thống nhất được cách triển khai.

Thách thức rất lớn sắp tới của Thủ tướng Theresa May là bà phải thuyết phục Quốc hội Anh phê chuẩn thỏa thuận mới đạt được với EU. Để thông qua được thỏa thuận, bà May cần được sự ủng hộ của 320 trong số 650 nghị sĩ tại Hạ viện.

Trong động thái mới nhất ghi nhận sự nhượng bộ của cả hai bên, một thỏa thuận "rào chắn" đã được nhất trí. Theo đó, EU được cho là đã chấp nhận đề xuất về áp dụng thuế quan chung với toàn bộ Vương quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland nhưng kèm các điều kiện để Bắc Ireland duy trì mối quan hệ mật thiết hơn với EU. Điều này cho thấy có thể sẽ có các hoạt động kiểm tra hải quan với hàng hóa giữa Bắc Ireland và phần còn lại của Anh. Đổi lại, Anh đồng ý nhượng bộ EU trong một số lĩnh vực như bảo hộ nhà nước, cạnh tranh, môi trường và quyền người lao động để đảm bảo các doanh nghiệp Anh không tạo ra những mặt bằng thấp hơn so với EU trong những lĩnh vực này. Thỏa thuận cũng nhất trí về một số cơ chế đánh giá tuy chưa đảm bảo những yêu cầu của Anh đưa ra trước đó về mặt thời gian thu xếp và quyền được đơn phương rút lui.

Những điểm trên được cho là thể hiện sự nhượng bộ từ cả hai phía bởi trước đây EU từng đề xuất coi Bắc Ireland là một trong các yếu tố thuộc thị trường chung EU và liên minh thuế quan, đồng nghĩa với việc vùng này sẽ phải tuân thủ các quy định của EU về tiêu chuẩn chất lượng và các mức thuế của EU.

Nhưng Thủ tướng Anh Theresa May và đảng DUP tại Bắc Ireland đều cho rằng đề xuất này là không thể chấp nhận được vì sẽ tách rời vùng Bắc Ireland ra khỏi Anh và tạo một biên giới trên biển Ireland. Nhiều ý kiến khi đó đã đề xuất cách làm khác là thiết lập một thỏa thuận thuế quan tạm thời giữa EU với cả Anh và Bắc Ireland.

Sau khi Anh rời EU, biên giới với Cộng hòa Ireland sẽ trở thành một đường biên ngoài của EU. Anh muốn rời khỏi liên minh thuế quan EU, thị trường chung EU, cũng đồng nghĩa với việc phải thiết lập các điểm kiểm tra tra hải quan với người dân và sản phẩm vận chuyển qua đường biên này. Nhưng cả Anh và EU đều cam kết tránh thiết lập một "biên giới cứng" hay đường biên với những chốt hải quan, cửa khẩu hiện hữu vì điều này sẽ tác động tiêu cực tới tiến trình hòa bình mong manh vốn đã giúp chấm dứt 3 thập kỷ xung đột bạo lực khiến 3.500 người thiệt mạng.

Đường biên giới này từng là địa điểm diễn ra những cuộc tấn công đẫm máu và cả các hoạt động buôn lậu phức tạp. Các lực lượng an ninh đều cảnh báo việc thiết lập bất kỳ điểm kiểm soát hay cơ sở vật chất nào ở đường biên này đều có thể trở thành cái cớ để những tổ chức bán quân sự và các tay súng không tham gia hiệp ước hòa bình hoạt động trở lại.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.