Multimedia Đọc Báo in

Leo thang căng thẳng Mỹ - Iran

08:13, 12/05/2019
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã xác nhận tuyên bố của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton về việc Mỹ triển khai tàu sân bay USS Abraham Lincoln và một lực lượng đặc nhiệm ném bom tới khu vực vùng Vịnh nhằm tăng sức ép với Iran.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton ngày 6-5 cho rằng nhóm tàu sân bay và một lực lượng đặc nhiệm ném bom đã được đưa đến khu vực vùng Vịnh do “một số dấu hiệu leo thang rắc rối” về sự trả đũa của Iran đối với áp lực lệnh trừng phạt của Mỹ. Theo AP, ông Bolton tuyên bố “chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ để đối phó với bất kỳ cuộc tấn công nào, cho dù theo ủy quyền hay không của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran”.

Theo truyền hình Iran Press TV, người phát ngôn của Hội đồng Bảo vệ Quốc gia Tối cao Iran (SNSC) Keivan Khosravi cho biết Mỹ đã triển khai nhóm tàu sân bay và tàu tấn công vào Địa Trung Hải từ ba tuần qua. Ông Khosravi cho rằng tuyên bố của ông Bolton là “một cách sử dụng vụng về một sự kiện lỗi thời phục vụ cho chiến tranh tâm lý”. Người phát ngôn này lập luận rằng ông Bolton “thiếu hiểu biết về quân sự, an ninh và những nhận xét của ông ta thường nhằm thu hút sự chú ý của dư luận”. Theo báo Washington Post, mục tiêu của Mỹ là gây “áp lực tối đa” để thay đổi hành vi của Iran trong khu vực.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani (thứ ba từ trái sang) cho biết sau 60 ngày nữa, Iran sẽ “thu hẹp”  việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani (thứ ba từ trái sang) cho biết sau 60 ngày nữa, Iran sẽ “thu hẹp” việc thực hiện các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân.

Theo thông tin ngày 6-5 từ hãng thông tấn nhà nước Iran IRIB, nước này sẽ tái khởi động một phần chương trình hạt nhân đã tạm dừng để đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015, song không có kế hoạch rút hoàn toàn khỏi thỏa thuận này. Ngoại trưởng Iran cảnh báo chiến tranh Iran - Mỹ có thể xảy ra nếu đụng độ nhỏ dẫn đến xung đột quân sự.

Thời gian qua, chính quyền Tổng thống Trump đã tăng cường chiến dịch gây sức ép lên Iran. Tháng trước, Washington tuyên bố sẽ không gia hạn lệnh miễn trừ cho các nước nhập khẩu dầu thô của Iran sau khi hết hạn vào ngày 2-5, một quyết định chủ yếu ảnh hưởng đến năm nhà nhập khẩu lớn dầu của Iran còn lại là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Mỹ gần đây còn liệt Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Iran đáp trả bằng cách đe dọa đóng eo biển Hormuz - một đường vận chuyển chiến lược quan trọng với 20% lượng dầu của thế giới được vận chuyển qua nơi này. Iran cũng cảnh báo sẽ trả đũa cuộc tấn công của Mỹ bằng cách tấn công các lực lượng đồng minh của Mỹ ở Trung Đông.

Iran hiện đang kiểm soát eo biển Hormuz, với sự hiện diện quân sự trên biển và dọc theo bờ biển. Về lý thuyết, điều đó mang lại cho các lực lượng quân sự Iran cơ hội gây ảnh hưởng lên một trong những huyết mạch kinh tế quan trọng của thế giới, có khả năng dẫn đến tổn thất kinh tế nặng nề cho các đối thủ trong khu vực như Saudi Arabia, và ngay cả Mỹ.

Dù khẳng định vẫn tham gia thỏa thuận, Iran cảnh báo sẽ hành động nhiều hơn nữa, nếu các đối tác của thỏa thuận không bảo vệ nước này khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảnh báo Iran về hậu quả khi nước này đóng eo biển Hormuz. Tuần trước, các hình phạt mới của Mỹ siết chặt hơn nhắm vào Iran đã có hiệu lực và các chuyên gia cho rằng điều này đẩy xuất khẩu dầu của Iran giảm từ khoảng 1,1 triệu thùng/ngày xuống còn 200.000 - 300.000 thùng/ngày, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế của Iran. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc (IMF) vào tháng 4, lệnh trừng phạt mới của Mỹ đã làm giảm mức tăng trưởng kinh tế, đẩy kinh tế Iran vào suy thoái trầm trọng và đẩy lạm phát lên 40%.

Đáng chú ý hơn, vào ngày 8-5 Tổng thống Iran Rouhani thông báo sau 60 ngày, nước này sẽ ngừng thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là sẽ tăng mức độ làm giàu urani. Ông cũng cảnh báo sẽ có hành động đáp trả nhất định nếu vấn đề hạt nhân một lần nữa được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.

Ngay lập tức, bước đi mới nhất của Iran đã nhận được những phản ứng từ dư luận quốc tế. Phản ứng ngay sau quyết định mới nhất của Iran, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, bà Florence Parly bày tỏ mong muốn có thể giữ vững được thỏa thuận hạt nhân, đồng thời cảnh báo Iran sẽ đối mặt với nhiều lệnh trừng phạt hơn nếu không tôn trọng dù chỉ là “một phần” của thỏa thuận. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết, thỏa thuận hạt nhân Iran cần phải được thực hiện một cách đầy đủ và tất cả các bên phải có trách nhiệm đảm bảo điều này. Trung Quốc kêu gọi các bên có liên quan kiềm chế, đẩy mạnh đối thoại và tránh làm leo thang căng thẳng. Còn Hạ viện Nga thì không nhắc tới cảnh báo làm giàu urani của Iran, song đã hoan nghênh việc Iran sẵn sàng đàm phán với châu Âu trong thời gian 60 ngày. Cơ quan này cho rằng Mỹ cũng nên thể hiện sự cởi mở về đối thoại về vấn đề hạt nhân của Iran. Đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ngay khi nghe được thông báo về việc Iran có thể sẽ quay trở lại thực hiện các chương trình hạt nhân của mình, ông đã tuyên bố sẽ không để Iran có thể sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tháng 5-2018, Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran với lý do nội dung thỏa thuận "quá hào phóng" với Iran, không siết chặt các hoạt động thử tên lửa đạn đạo hay hạn chế việc Iran tham gia vào các cuộc xung đột trong khu vực. Theo đó, Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Tehran. Sau động thái này của Washington, các quốc gia châu Âu đã nỗ lực tìm cách cứu vãn thỏa thuận. Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo thiết lập Công cụ hỗ trợ trao đổi thương mại để đảm bảo duy trì các hoạt động thương mại với Iran, qua đó bảo vệ lợi ích của nước Cộng hòa Hồi giáo này trong bối cảnh Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, cho đến nay, cơ chế này vẫn chưa đi vào hoạt động và Iran nhiều lần thể hiện sự mất kiên nhẫn đối với EU.

Hải Như (Theo TTXVN, SGGP, VOV)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.