Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị Thượng đỉnh G7: Thành công nhưng không bên nào thỏa mãn

08:40, 31/08/2019
Từ ngày 24 đến 26-8, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã diễn ra tại thành phố Biarritz, Tây Nam nước Pháp.

Ngoài một vài điểm sáng trong các chủ đề trọng tâm của hội nghị như cam kết giúp Brazil chống cháy rừng Amazon, các chuyên gia cho rằng, các cuộc gặp song phương bên lề hội nghị lại quan trọng hơn các phiên thảo luận chính thức. Các cuộc gặp song phương, như cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nỗ lực của nhà lãnh đạo Pháp nhằm tránh kịch bản cũ hồi năm ngoái lặp lại; cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Thủ tướng Anh Boris Johnson, với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hay cuộc gặp giữa ông Boris Johnson với các nguyên thủ Pháp, Đức, Italia và Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk.

Trong các cuộc gặp song phương này, nhiều thông tin rất đáng chú ý đã được đưa ra, như việc Mỹ - Anh hứa hẹn tiến nhanh đến một Hiệp định thương mại lớn chưa từng có. Một diễn biến bên lề, Ngoại trưởng Iran, Zavad Zarif bất ngờ có mặt tại Biarritz và hội đàm với Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Đây có thể coi là một thắng lợi về ngoại giao và truyền thông của cá nhân Tổng thống Pháp, cho dù nó đặt ông Donald Trump vào thế miễn cưỡng. Một cuộc gặp bên lề khác đạt được kết quả quan trọng, đó là cuộc gặp giữa Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Hai bên đã đạt được thỏa hiệp về kế hoạch áp thuế công nghệ số của Chính phủ Pháp, vốn khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ thị mở cuộc điều tra và đe dọa áp thuế đối với rượu vang nhập khẩu từ Pháp.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang căng thẳng như hiện nay, chủ đề về cuộc chiến này chiếm vị trí trọng tâm trong hội nghị. Tuy nhiên, sự bất đồng lại nổi lên giữa các nhà lãnh đạo các nước G7. Cho đến thời điểm này, G7 không có sự đồng thuận trong việc nhìn nhận cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong khi các nước châu Âu, Canada và Nhật Bản bày tỏ lo ngại rằng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động xấu đến kinh tế thế giới, thì Tổng thống Mỹ Donald Trump lại muốn chứng minh quyết định leo thang thương mại với Trung Quốc là đúng đắn. Ông còn dùng G7 làm diễn đàn để tìm kiếm đồng minh như với Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Canada Justin Trudeau hay Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Lãnh đạo các nước G7 và đại diện Liên minh châu Âu dự hội nghị ở Biarritz, Pháp ngày 25-8.  Ảnh: AFP/TTXVN
Lãnh đạo các nước G7 và đại diện Liên minh châu Âu dự hội nghị ở Biarritz, Pháp ngày 25-8. Ảnh: AFP/TTXVN

Các nhà lãnh đạo G7 cũng không có sự đồng thuận trong vấn đề hạt nhân Iran. Pháp cùng với Anh và Đức đang nỗ lực giải cứu thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA), mà Mỹ đã tuyên bố rút khỏi. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif đã gặp Tổng thống Pháp bên lề hội nghị. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo đã không nhất trí được về một kế hoạch hành động chung liên quan đến vấn đề hạt nhân Iran, sau một loạt cuộc gặp hai bên và ba bên diễn ra bên lề G7, mặc dù đây là một vấn đề quan trọng chi phối hội nghị. Không những thế, các nhà lãnh đạo G7 cũng không đạt được tiến bộ trong việc thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump gia hạn quy chế miễn trừ trừng phạt dầu mỏ đối với hoạt động mua bán sản phẩm này từ Iran.

Vấn đề bình đẳng giới, chống biến đổi khí hậu, hợp tác với châu Phi, chuyển đổi số… là các chủ đề trọng tâm của Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay; tuy nhiên, còn nhiều bất đồng giữa các nước thành viên trong các chủ đề nóng hiện nay như chiến tranh thương mại, hạt nhân Iran hay Brexit.

Về vấn đề chống biến đổi khí hậu, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres đã đưa ra thông điệp khẩn thiết kêu gọi các nước chung tay chống biến đổi khí hậu vì một tương lai xanh hơn và sạch hơn. Thủ tướng Anh Boris Johnson cam kết nước này sẽ chi 10 triệu bảng Anh (khoảng 12,3 triệu USD) để khôi phục rừng Amazon. Tổng thống Pháp Macron muốn trở thành người nắm giữ lá cờ đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong khi đó, một số quan chức Mỹ đã lên tiếng chỉ trích rằng Tổng thống Pháp chọn các chủ đề chính thức mà theo họ là “không xứng tầm”, trong đó có chống biến đổi khí hậu.

Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7. (Nguồn: Al Jazeera)
Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7. (Nguồn: Al Jazeera)

Hội nghị G7 năm 2019 còn chứng kiến mâu thuẫn nội bộ nổi lên vì vấn đề Nga. Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra vấn đề mời Nga quay trở lại G7 để trở thành G8 như trước đây. Tuy nhiên, đề xuất này từ trước đó đã bị các nước còn lại trong G7 phản đối quyết liệt. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng, nếu lời mời tham dự được gửi đến Nga mà không có bất kỳ điều kiện nào có thể bị coi là “sự nhu nhược” của G7.

Ngày 26-8, khi hội nghị kết thúc, Pháp đã ban hành một tuyên bố ngắn gọn về nhiều vấn đề, song đây không phải là một thông cáo báo chí như thường thấy tại một hội nghị thượng đỉnh thường niên, điều này phản ánh sự chia rẽ giữa các nước thành viên. Các vấn đề được đề cập trong tuyên bố này gồm Iran, Libya, Ukraine và Hong Kong. Tuyên bố cho biết 7 nước thành viên đã cam kết thúc đẩy thương mại quốc tế công bằng và mở cửa, vì sự ổn định kinh tế toàn cầu. Tuyên bố cũng cho hay, các nước G7 muốn Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có sự thay đổi đáng kể nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, giải quyết các tranh chấp nhanh chóng hơn và loại trừ các hoạt động thương mại không công bằng. Dù chỉ là một bản tuyên bố vô cùng ngắn gọn, dài đúng một trang giấy nhưng đây vẫn có thể coi là một thành công của G7 năm nay, nếu biết rằng tại G7 năm 2018 ở Canada, các bên thậm chí không thể ra Tuyên bố chung và Tổng thống Mỹ Donald Trump còn chỉ trích công khai chủ nhà Canada.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.