Multimedia Đọc Báo in

Chính trường Anh rối ren: EU chuẩn bị cho Brexit không thỏa thuận

08:32, 06/09/2019

Chính trường Anh tiếp tục rối ren sau khi Chính phủ Anh thất bại trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện về chiến lược Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu – EU). Điều này khiến viễn cảnh Brexit càng thêm u ám. EU và các nước thành viên đã ngay lập tức triển khai các biện pháp dự phòng cho kịch bản Brexit không có thỏa thuận.

Sau nhiều giờ tranh luận căng thẳng và qua ba vòng bỏ phiếu, dự luật về việc ngăn chặn Brexit không thỏa thuận đã chính thức được các nghị sĩ Anh bỏ phiếu thông qua trong tối ngày 4-9 (theo giờ London), với 327 phiếu thuận so với 299 phiếu chống. Ngay trong ngày 5-9, dự luật này đã được chuyển lên Thượng viện Anh để xem xét bỏ phiếu. Nội dung chính của dự luật này là yêu cầu Chính phủ Anh phải đề nghị với EU gia hạn Brexit đến ngày 31-1-2020 nếu từ nay đến Hội nghị Thượng đỉnh EU vào ngày 17-10-2019 mà không đạt được thỏa thuận Brexit mới.

Việc dự luật này được bỏ phiếu thông qua đã được dự đoán từ trước sau khi trong tối 3-9, Chính phủ Anh thất bại trong việc ngăn cản các nghị sĩ Anh đồng ý tiến hành bỏ phiếu cho dự luật này, đồng thời chính phủ liên minh của đảng Bảo thủ cũng đã đánh mất đa số tại Hạ viện sau việc loại bỏ 21 nghị sĩ chống đối trong đảng.

Người biểu tình Anh tuần hành về vấn đề Brexit bên ngoài Hạ viện ở thủ đô London, ngày 3-9-2019.  (Ảnh: THX/TTXVN)
Người biểu tình Anh tuần hành về vấn đề Brexit bên ngoài Hạ viện ở thủ đô London, ngày 3-9-2019. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phát biểu ngay sau khi dự luật chống Brexit không thỏa thuận được Hạ viện thông qua, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố, điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt mọi đàm phán với EU và trao cho phía châu Âu quyền kiểm soát. Ông Johnson cũng nêu lại yêu cầu tổ chức tuyển cử trước thời hạn vào ngày 15-10 và khẳng định nếu sau ngày đó ông vẫn là Thủ tướng Anh thì nước Anh sẽ rời EU vào ngày 31-10 trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, trong phiên bỏ phiếu ngay sau đó, với 298 phiếu chống so với chỉ 56 phiếu thuận, Hạ viện Anh đã bác bỏ yêu cầu của ông Boris Johnson về việc tổ chức tuyển cử sớm vào ngày 15-10.

Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 7, tân Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố sẽ đưa xứ sở sương mù ra khỏi EU trong mọi hoàn cảnh vào thời hạn chót 31-10 nhằm tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân hồi năm 2016. Tuy nhiên, tuyên bố cương quyết này khiến ông Johnson đang phải đối mặt với sự phản đối gay gắt của các nghị sĩ thuộc nhiều đảng phái chính trị. Và kết quả bỏ phiếu tại Hạ viện Anh hôm 4-9 được xem là câu trả lời của các nghị sĩ với Thủ tướng Anh, khiến ông phải hứng chịu thất bại lớn về chiến lược Brexit của mình.

Theo đánh giá của giới phân tích, với chiều hướng này, chính trường Anh sẽ còn tiếp tục phải đối mặt với những sóng gió mới trong thời gian tới, đặt ra nhiều nguy cơ cho tiến trình Brexit.

Trước đó, vào ngày 3-9, EU đã cảnh báo công dân, doanh nghiệp trong khối về nguy cơ một Brexit không thỏa thuận. Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn Ủy ban châu Âu Mina Andreeva đã không ngần ngại nhận xét rằng, kịch bản Brexit mà không có thỏa thuận đang ngày càng rõ nét hơn bao giờ hết. Thời gian qua, EU và Anh đã liên tục tăng cường đối thoại về Brexit song hai bên vẫn chưa có sự đột phá trong đàm phán. Việc cần làm hiện nay là các công dân và doanh nghiệp EU cần sẵn sàng cho kịch bản này có thể xảy ra vào ngày 31-10 tới.

Không chỉ EU, bản thân từng nước thành viên châu Âu cũng đã bắt đầu “rục rịch” chuẩn bị các biện pháp dự phòng kịch bản Brexit không có thỏa thuận. Nhằm chuẩn bị cho kịch bản một Brexit "cứng" mà hậu quả sẽ tác động mạnh đến khoảng 100.000 doanh nghiệp Pháp đang giao dịch thương mại với Anh, ngành hải quan Pháp đã tuyển dụng thêm 700 nhân viên mới. Một cuộc diễn tập quy mô lớn đang được Hải quan Pháp tiến hành từ giờ đến cuối tháng 9 nhằm đối mặt với nguy cơ ùn tắc phương tiện vận chuyển và hàng hóa tại thành phố Calais, cửa ngõ đường hầm qua eo biển Manche, khi Anh chính thức rời EU mà không đạt được thỏa thuận. Bộ trưởng Tài chính công Pháp Gerald Darmanin khẳng định Pháp đã "sẵn sàng" cho việc thiết lập một biên giới mới. Nhiều công trình mới đã được xây dựng để phục vụ cho việc kiểm tra các xe tải chở hàng hóa giữa Pháp và Anh. Một hệ thống kiểm soát biên giới thông minh đã đi vào hoạt động, thông qua việc số hóa thủ tục hải quan và các mã vạch sẽ được dán trên kính chắn gió của xe tải.

Trong khi đó, chịu tác động của Brexit, kinh tế Anh đang đối mặt nguy cơ suy thoái. Theo hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit, hoạt động kinh doanh ở Anh đã giảm sút trong tháng 8 do hoạt động yếu kém của các ngành chủ chốt như xây dựng, chế tạo và dịch vụ. Nhà kinh tế trưởng phụ trách mảng kinh doanh thuộc IHS Markit, Chris Williamson nhận định, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 3-2019 giảm 0,1% đồng nghĩa với việc Anh sẽ rơi vào suy thoái. Trong quý 2-2019, GDP của Anh đã giảm 0,2%, lần giảm đầu tiên trong gần 7 năm trong khi những bất ổn do Brexit gia tăng và tăng trưởng toàn cầu yếu.

Hồng Hà (Theo VOV, TTXVN)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.