Multimedia Đọc Báo in

Leo thang căng thẳng Pháp - Thổ Nhĩ Kỳ

08:41, 30/10/2020

Căng thẳng trong quan hệ giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến quan điểm của Tổng thống Pháp về Hồi giáo tiếp tục bị đẩy lên cao.

Trong một động thái được cho là đáp trả việc Pháp triệu đại sứ tại Thổ Nhĩ Kỳ về nước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 26-10 đã kêu gọi người dân nước này tẩy chay hàng hóa Pháp. Ông đồng thời hối thúc các nhà lãnh đạo thế giới bảo vệ người Hồi giáo trong trường hợp xảy ra điều mà nhà lãnh đạo này gọi là "sự đàn áp nhằm vào người Hồi giáo tại Pháp".

Căn nguyên của những hành động “ăn miếng trả miếng” giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp nảy sinh từ việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đầu tháng này đã gọi Hồi giáo là tín ngưỡng “đang bị khủng hoảng”. Trước đó, vào hôm 16-10, một giáo viên Pháp đã bị một đối tượng Hồi giáo cực đoan sát hại (bằng hình thức chặt đầu). Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron đã gọi đây là "vụ tấn công của các phần tử khủng bố Hồi giáo", đồng thời tăng cường hành động chống chủ nghĩa khủng bố và các phần tử Hồi giáo cực đoan. Nhà lãnh đạo Pháp cũng tuyên bố “không hủy bỏ những bức tranh biếm họa” nhà tiên tri Mohammed và không bao giờ nhượng bộ các phần tử Hồi giáo cực đoan cũng như không chấp nhận các phát ngôn thù địch.

Ngay sau động thái của người đồng cấp Pháp, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã gọi Tổng thống Pháp là “kẻ mất trí” và cần nhận được hỗ trợ về mặt tâm thần.

 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.   Ảnh: AFP
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP

 

Trong quan điểm của người Hồi giáo, bất cứ hành vi nào mô tả nhà tiên tri Mohammed đều được xem là điều cấm kị và là sự tấn công nhằm vào chủ nghĩa Hồi giáo. Trong khi đó, theo quan điểm của Pháp, việc kìm hãm tự do ngôn luận để bảo vệ cảm nhận của một cộng đồng đặc biệt nào đó đều làm tổn hại đến sự đoàn kết và thống nhất của quốc gia. Chính sự bất đồng trong quan điểm về văn hóa và tôn giáo này đã khiến mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp vốn đã căng thẳng trong nhiều vấn đề ngày càng căng thẳng và xa cách hơn. Sự bất đồng quan điểm này còn đang có xu hướng lan rộng, tạo ra hai luồng dư luận giữa một bên là các nước phương Tây ủng hộ quan điểm của Tổng thống Pháp và một bên là thế giới Hồi giáo ủng hộ quan điểm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã lên tiếng ủng hộ quan điểm của Tổng thống Pháp và chỉ trích phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ngày 26-10 nói rằng Hà Lan sẽ sát cánh cùng Pháp vì những giá trị tập thể của châu Âu. Bày tỏ sự đoàn kết đối với ông Macron, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte trong một dòng trạng thái đăng tải trên trang Twitter cá nhân đã nhấn mạnh rằng, việc lăng mạ mang tính chất cá nhân không giúp mang lại những chương trình nghị sự tích cực mà Liên minh châu Âu muốn theo đuổi với Thổ Nhĩ Kỳ.

Thể hiện sự đoàn kết đối với Tổng thống Pháp Macron, người phát ngôn chính phủ Đức cũng đã chỉ trích bình luận của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là sự phỉ báng và không thể chấp nhận được trong khi Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thì nói rằng, những nhận định của ông Erdogan về Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho thấy, quan hệ Pháp - Thổ Nhĩ Kỳ đang ở mức thấp nhất.

Quan hệ giữa Paris và Ankara vốn đã xấu đi khi Tổng thống Macron bày tỏ ủng hộ các nước Hy Lạp và Cyprus trong cuộc tranh cãi với Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến hoạt động thăm dò năng lượng ở Đông Địa Trung Hải; nay căng thẳng giữa hai nước lại tiếp tục leo thang liên quan tới quan điểm về tôn giáo.

 

Liên quan vấn đề này, Ủy ban châu Âu tuyên bố việc Tổng thống Erdogan ủng hộ những lời kêu gọi tẩy chay hàng hóa Pháp là một bước làm chậm lại tiến trình gia nhập Liên minh châu (EU) vốn đang đình trệ của nước này. Ankara đệ đơn xin gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu năm 1987 và bắt đầu tiến trình đàm phán gia nhập EU vào năm 2005. Tuy nhiên, hiện các cuộc đàm phán này không tiến triển.

Quan điểm của Tổng thống Pháp về đạo Hồi cũng vấp phải sự phản đối của người dân nhiều nước, như Iran, Bangladesh, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ... Ngày 27-10, Đài truyền hình nhà nước Iran IRIB cho biết Bộ Ngoại giao nước này đã triệu đại biện lâm thời Pháp tại Tehran để bày tỏ phản đối hành động được xem là xúc phạm nhà tiên tri Mohammed. Một quan chức Bộ Ngoại giao Iran cho biết tại cuộc gặp này, Iran đã phản đối mạnh mẽ “mọi sự báng bổ và thiếu tôn trọng đối với nhà tiên tri Hồi giáo Mohammed…, cũng như đối với các giá trị thuần khiết của Hồi giáo, bất luận người đó có ở cương vị nào”. Cùng ngày 27-10, tại thủ đô Dhaka của Bangladesh và Baghdad của Iraq, hàng chục nghìn người đã tuần hành qua nhiều đường phố phản đối tuyên bố của Tổng thống Macron. Trong khi đó, nhiều người kêu gọi tẩy chay hàng hóa Pháp tại các siêu thị ở Qatar và Kuwait, hoặc tại Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối Chính phủ Pháp tiếp tục lan rộng trong thế giới Hồi giáo, Bộ Ngoại giao Pháp đã kêu gọi công dân nước này nên thận trọng và tránh tụ tập đông người ở các nước đã tuyên bố tẩy chay các sản phẩm của Pháp. Bộ Ngoại giao Pháp trên khuyến cáo công dân nước này nên tránh các khu vực tổ chức biểu tình, hết sức cảnh giác khi đi du lịch, đặc biệt ở những điểm du lịch mà cộng đồng người nước ngoài thường xuyên lui tới, tuân theo sự hướng dẫn của đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Pháp ở nước sở tại.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 27-10, Mỹ đã bày tỏ hy vọng rằng hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ xoa dịu căng thẳng liên quan tới vấn đề tự do chỉ trích tôn giáo. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, những cuộc tranh cãi nội bộ là không cần thiết trong khối quân sự này.

Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.