Multimedia Đọc Báo in

Hội đàm Mỹ - Trung: Vẫn le lói hy vọng thiết lập lại quan hệ song phương

08:05, 26/03/2021

Những ngày qua, cuộc đối thoại quan chức cấp cao Mỹ - Trung Quốc diễn ra tại Alaska (Mỹ) được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm. Bởi đây là cuộc gặp quan trọng đầu tiên giữa hai nước dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sau 4 năm quan hệ song phương Mỹ - Trung rơi xuống mức thấp nhất.

Trong hai ngày 18 và 19-3, lãnh đạo hàng đầu của ngành ngoại giao Mỹ và Trung Quốc đã gặp nhau tại thành phố Anchorage, bang Alaska miền cực Bắc nước Mỹ. Đại diện Mỹ là Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, còn phía Trung Quốc là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Vương Nghị.

Cuộc gặp cấp cao xoay quanh nhiều vần đề nổi cộm như thương mại, đại dịch Covid-19, những động thái của Trung Quốc tại Biển Đông và an ninh mạng. Tuy nhiên, cuộc hội đàm đã diễn ra trong bầu không khí căng thẳng và những phát ngôn cứng rắn, nhanh chóng biến thành cuộc “khẩu chiến”, một phần là do các kỳ vọng của hai bên khác xa nhau, mặt khác, các nhà ngoại giao đều muốn đưa ra những phát biểu nhằm “trấn an” dư luận trong nước và gửi thông điệp mạnh mẽ với phía bên kia.

Quang cảnh  cuộc đối thoại  cấp cao Mỹ - Trung tại Alaska (Mỹ).
Quang cảnh cuộc đối thoại cấp cao Mỹ - Trung tại Alaska (Mỹ).

Ngay buổi khai mạc, hai bên đã có những hành vi được cho là vượt ngoài thông lệ ngoại giao. Thời gian phát biểu mở đầu của phía Mỹ khoảng 4,5 phút, Trung Quốc gấp 4 - 5 lần (trong khi thống nhất mỗi người chỉ 2 phút). Sau đó, hai bên đáp trả qua lại trong 90 phút, trước sự chứng kiến của báo chí, điều không xảy ra trong các cuộc hội đàm bình thường.

Hai bên đối chọi “nảy lửa” từng câu chữ. Mỹ nêu quan ngại về dân chủ, nhân quyền ở Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan thì Trung Quốc đáp trả nhân quyền ở Mỹ đang ở mức thấp nhất. Mỹ nói Trung Quốc tiến công mạng, đe dọa trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế. Trung Quốc lập tức chỉ trích Mỹ sử dụng sức mạnh quân sự, tài chính, vấn đề an ninh quốc gia, an ninh biển để ép buộc các nước khác tấn công Trung Quốc, cản trở thương mại bình thường…

Không ngoài dự đoán, cuộc hội đàm đã không đạt được kết quả cụ thể nào và hai bên không đưa ra tuyên bố chung.

Dù vậy, vẫn có những tín hiệu cho thấy đây là cơ hội mở ra các cuộc tiếp xúc cấp cao tiếp theo giữa hai bên nhằm thiết lập lại quan hệ Mỹ - Trung trong tương lai.

Trong suốt 4 năm thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Mỹ và Trung Quốc bị cuốn vào cuộc cạnh tranh địa - chính trị căng thẳng, với mâu thuẫn tồn tại trong rất nhiều vấn đề. Hai nước liên tục đưa ra các đòn “ăn miếng trả miếng” nhằm đáp trả các hành động của nhau, khiến mối quan hệ rơi vào mức thấp nhất kể từ năm 1972. Thế nhưng, dù ở thế đối đầu với nhiều bất đồng và tranh chấp, cả Mỹ và Trung Quốc đều hiểu được tầm quan trọng của quan hệ song phương cũng như việc duy trì đối thoại. Có thể nói, cuộc gặp cấp cao này cho thấy mong muốn của cả hai bên trong việc nối lại đối thoại sau khi cả Mỹ và Trung Quốc đều phải gánh chịu những thiệt hại lớn do tình trạng đối đầu trong suốt 4 năm qua.

Dù mang tính chất “dò đường”, cuộc hội đàm vẫn đem lại hy vọng quan hệ Trung - Mỹ có thể “tan băng”.

 

Dù thừa nhận những khác biệt trong nhiều vấn đề và hai bên không đưa ra tuyên bố chung sau cuộc hội đàm, song cả Mỹ và Trung Quốc đều bỏ ngỏ cơ hội có thể hợp tác trong tương lai.

Mỹ khẳng định hai nước có lợi ích chung về vấn đề Iran, Triều Tiên, Afghanistan và biến đổi khí hậu, trong khi Trung Quốc thông báo cuộc hội đàm diễn ra thẳng thắn, mang tính xây dựng và có lợi, đồng thời cho rằng hai bên nên thực hiện chính sách “không xung đột” để định hướng quan hệ theo một quỹ đạo lành mạnh và ổn định trong tương lai.

Đánh giá về kết quả này, truyền thông Trung Quốc nhận định cuộc gặp quan chức cấp cao tại Alaska sẽ mở đường cho các vòng đối thoại tiếp theo hợp lý và thực tiễn hơn giữa hai bên. Mặc dù Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới, song cuộc gặp đã một lần nữa khẳng định rằng đối thoại nên là lựa chọn ưu tiên cho mối quan hệ luôn căng thẳng giữa hai nước.

Dư luận tại Mỹ, nhất là giới học giả, cũng cho rằng dù cuộc hội đàm không cải thiện đáng kể quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh nhưng là cơ hội để hai bên hiểu rõ về quan điểm của nhau và là tiền đề để cải thiện quan hệ. Giáo sư Khoa học Chính trị và các vấn đề quốc tế của Đại học Mary Washington, bà Elizabeth Freund Larus cho rằng cuộc hội đàm vẫn có giá trị tích cực nhất định trong quan hệ song phương khi quan chức cấp cao của hai bên có cơ hội gặp gỡ, hiểu rõ hơn về những ưu tiên chính sách của đối phương, tạo đà cho các cuộc hội đàm có tính xây dựng hơn trong tương lai. Chuyên gia Daniel Russel - Phó Chủ tịch phụ trách an ninh quốc tế và ngoại giao của Viện Chính sách xã hội châu Á (ASPI), cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cũng bày tỏ hy vọng rằng cuộc hội đàm sẽ là điểm khởi đầu để hai nước thiết lập lại quan hệ song phương. Theo ông, các yếu tố hợp tác và cạnh tranh, thậm chí là đối đầu trong quan hệ Mỹ - Trung ở những mức độ khác nhau luôn tồn tại song hành. Do đó, việc hai bên không đạt được thỏa thuận không phải là một thất bại, mà là một điểm khởi đầu.

Hồng Hà (tổng hợp)

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.