Multimedia Đọc Báo in

Nước Mỹ tìm cách giải quyết tình trạng bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á

15:41, 03/04/2021

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 30-3 thông báo chính quyền của ông sẽ có những hành động mới nhằm chống lại tình trạng bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á.

Theo thông tin từ Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã thiết lập một sáng kiến liên ngành tại Bộ Tư pháp nhằm giải quyết bạo lực chống lại người châu Á và một ủy ban đặc nhiệm về công lý liên quan tới Covid-19 giải quyết và chấm dứt nạn bài ngoại chống lại người Mỹ gốc Á. Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ sẽ trích 49,5 triệu USD từ Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ để chi cho một chương trình tài trợ mới cho người Mỹ gốc Á và người dân đảo Thái Bình Dương - những người sống sót sau các vụ tấn công tình dục và bạo lực trong nước.

Quỹ Tài trợ quốc gia nhân văn sẽ ra mắt một thư viện ảo gồm các dự án do liên bang tài trợ nhằm tìm hiểu và tôn vinh những đóng góp của người Mỹ gốc Á cho nước Mỹ. Gói này cũng bao gồm việc tài trợ cho các nghiên cứu quan trọng nhằm ngăn chặn và giải quyết tình trạng thiên vị và bài ngoại đối với các cộng đồng người Mỹ gốc Á. Các cơ quan chức năng Mỹ cũng sẽ minh bạch dữ liệu về các vụ bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á; xóa bỏ rào cản ngôn ngữ bằng cách đưa thông tin lên các website bằng 5 ngôn ngữ phổ biến, trong đó có tiếng Việt.

Tình trạng kỳ thị, bạo lực và phân biệt chủng tộc nhằm vào người gốc Á ở Mỹ những ngày qua vẫn chưa chấm dứt, thậm chí có nguy cơ lan rộng hơn. Sau vụ xả súng đẫm máu tại thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia khiến 6 phụ nữ gốc Á thiệt mạng hồi giữa tháng 3 vừa qua, dư luận Mỹ hôm 30-3 tiếp tục sục sôi khi một vụ bạo lực nhằm vào người gốc Á lại xảy ra ở ngay trung tâm quận Mahattan tại thành phố New York.

Video an ninh do cảnh sát Mỹ cung cấp cho thấy, một người phụ nữ 65 tuổi gốc Á đã bị một người đàn ông không rõ danh tính buông lời lẽ kỳ thị, đá vào mặt, bụng; giẫm lên đầu và thân thể nhiều lần sau khi hai bên chạm mặt trên vỉa hè. Điều tệ hơn nữa là một số nhân chứng chứng kiến vụ việc nhưng không can thiệp, để mặc nạn nhân nằm bất động. Trước đó, mạng xã hội ở Mỹ cũng đã lan truyền một video khác cho thấy một thanh niên châu Á trên tàu điện ngầm ở New York bị một người tấn công, kẹp cổ đến bất tỉnh. Nhiều hành khách trên tàu chỉ đứng nhìn mà không can thiệp.

Tưởng niệm các nạn nhân trong vụ xả súng ở Atlanta, ngày 17-3-2021.
Tưởng niệm các nạn nhân trong vụ xả súng ở Atlanta, ngày 17-3-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đầu năm 2020, số lượng tội ác hận thù chống người gốc Á ở 16 thành phố lớn nhất Mỹ đã tăng tới 150%. Tổ chức Stop AAPI Hate (Chống phân biệt chủng tộc với người gốc Á) cho biết, đã có gần 3.800 trường hợp kỳ thị người gốc Á trong khoảng thời gian từ tháng 3-2020 đến cuối tháng 2-2021.

Trên khắp nước Mỹ, nhiều cuộc tuần hành, hội thảo, sự kiện trực tuyến... phản đối hành động bạo lực nhằm vào người gốc Á đã và đang tiếp tục diễn ra. Nhiều tiếng nói yêu cầu chính quyền Tổng thống Joe Biden phải có hành động phản ứng ngay lập tức và mạnh mẽ hơn. Hôm 27-3, hàng trăm người đã tuần hành tại khu vực Queens của thành phố New York (Mỹ) để yêu cầu chấm dứt tình trạng bạo lực nhằm vào người gốc Á.

Các cuộc tuần hành tương tự cũng diễn ra ở khoảng 60 thành phố tại Mỹ, bao gồm San Francisco, Los Angeles, Chicago, Detroit và Portland. Đây là một phần trong sáng kiến "Ngày hàn gắn và hành động quốc gia" khuyến khích những người tham gia sử dụng hashtag “StopAsianHate” (Chấm dứt thù hận đối với người châu Á) trên các phương tiện truyền thông xã hội nhằm nâng cao tinh thần và nâng cao nhận thức của những người theo dõi họ (follower) về chủ nghĩa chống phân biệt chủng tộc đối với người châu Á.

Trong khi đó, mâu thuẫn giữa phe Dân chủ và Cộng hòa đã khiến Quốc hội Mỹ bế tắc trong việc tìm kiếm một giải pháp chấm dứt làn sóng thù hận nhằm vào người Mỹ gốc Á. Mặc dù các nhà lập pháp của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ cực lực lên án hành vi sai trái sau các vụ xả súng hàng loạt và nhiều thảm kịch khác, nhưng việc ban hành một đạo luật nhằm đối phó tình trạng này lại vô cùng nan giải.

Người dân tuần hành biểu thị tình yêu cầu đoàn kết với người Mỹ gốc châu Á tại New York (Mỹ) ngày 20-3. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân tuần hành biểu thị tình yêu cầu đoàn kết với người Mỹ gốc châu Á tại New York (Mỹ) ngày 20-3. Ảnh: THX/TTXVN

Khi Thượng viện trở lại làm việc sau kỳ nghỉ kéo dài 2 tuần, cơ quan này dự kiến sẽ bỏ phiếu về dự luật do Thượng nghị sĩ Dân chủ Mazie Hirono đề xuất, nhằm lựa chọn một quan chức trong Bộ Tư pháp hỗ trợ việc xử lý các tội phạm thù hận liên quan đến Covid-19. Dự luật cũng sẽ thúc đẩy hướng dẫn của các bang và chính quyền địa phương trong việc đối phó với loại hình tội phạm này, đồng thời yêu cầu các cơ quan liên bang ban hành quy định chung nhằm tránh việc sử dụng những từ ngữ mang tính phân biệt đối xử khi mô tả dịch bệnh Covid-19.

Các thành viên trong đảng Cộng hòa đã bày tỏ sự hoài nghi về sự cần thiết của dự luật bổ sung này và cho biết họ vẫn chưa xem xét dự luật của phe Dân chủ. Một dự luật thứ hai do Thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Blumenthal dẫn đầu dự kiến cũng được đưa ra xem xét tại Thượng viện, sẽ thiết lập các khoản hỗ trợ để giúp chính quyền các bang đối phó với tội phạm thù hận. Dự luật này đã được Hạ viện Mỹ thông qua vào năm 2020 nhưng vẫn “nằm im bất động” tại Điện Capitol vì thiếu sự ủng hộ của đảng Cộng hòa.

Dù chính trường Mỹ còn chia rẽ trong một số vấn đề nhưng một nhóm gồm 26 thống đốc bang, thuộc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, đã cùng ký một tuyên bố chung lên án tình trạng bạo lực gia tăng nhằm người gốc Á, cam kết hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ, hỗ trợ các cộng đồng người Mỹ gốc Á. Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris cũng đã có cuộc gặp với giới lãnh đạo và các nhà lập pháp bang từ cộng đồng người Mỹ gốc Á và gốc đảo Thái Bình Dương (AAPI). Tổng thống Biden khẳng định tình trạng bạo lực trên phải chấm dứt, đồng thời kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ thông qua dự luật chống thù hận liên quan tới đại dịch Covid-19.

Hồng Hà (tổng hợp)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.