Multimedia Đọc Báo in

Thế giới vẫn loay hoay với... "hộ chiếu vắc xin Covid-19"

08:25, 09/04/2021

Sau hơn một năm thế giới “mệt mỏi” với đại dịch Covid-19, “hộ chiếu vắc xin” đang trở thành cụm từ được nhắc tới nhiều nhất. Tuy nhiên, hiện nay “hộ chiếu vắc xin” còn đang được nghiên cứu và tranh luận ở nhiều nước.

Israel hồi tháng trước đã mở lại các trung tâm văn hóa cho những người có giấy chứng nhận tiêm chủng vắc xin. Đây cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai loại giấy thông hành này, còn được gọi là “thẻ xanh” hay “hộ chiếu vắc xin”. Mục đích là cho phép các gia đình đoàn tụ, khởi động lại nền kinh tế và giúp hàng trăm triệu người đã được tiêm chủng ngừa Covid-19 có thể trở lại cuộc sống bình thường và thậm chí là đi du lịch nước ngoài. Sau Israel, một loạt quốc gia tại Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh hay mới đây nhất là Singapore cũng cân nhắc ý tưởng này.

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm vắc xin ngừa dịch Covid-19 ở các nước thành viên, câu hỏi về "hộ chiếu vắc xin" cho phép công dân châu Âu đi lại trong lãnh thổ của Liên minh châu Âu (EU) ngày càng trở nên bức thiết. Các quốc gia châu Âu đã triển khai các sáng kiến về một loại “thẻ sức khỏe” của riêng mình. Trước sự gia tăng của các sáng kiến quốc gia, ngày 17-3 Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất áp dụng chứng nhận số về an toàn đi lại nhằm giúp khôi phục hoạt động tự do di chuyển trong liên minh vào mùa hè này cho những công dân đã tiêm vắc xin phòng Covid-19, có xét nghiệm PCR âm tính hoặc đã từng mắc Covid-19 và khỏi bệnh. Đến ngày 25-3, các nghị sĩ châu Âu đã nhất trí về đề xuất này của EC trong khuôn khổ thủ tục khẩn cấp. Nghị viện châu Âu (EP) dự kiến sẽ phê chuẩn "hộ chiếu vắc xin" trong phiên họp toàn thể diễn ra từ ngày 7 đến 10-6 tới.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 6-4 cho rằng, hiện không phải là thời điểm thích hợp để triển khai "hộ chiếu vắc xin". Và vấn đề thực sự hiện nay chính là giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận toàn cầu vắc xin Covid-19.

WHO mới đây đã kêu gọi các nước dư thừa vắc xin ngừa Covid-19 quyên góp khẩn cấp 10 triệu liều cho Cơ chế tiếp cận vắc xin toàn cầu COVAX, đồng thời đánh giá thêm các loại vắc xin có thể đưa vào sử dụng khẩn cấp để ngày càng có thêm nhiều nước, nhiều cộng đồng dân cư được tiếp cận với vắc xin.

Nhà Trắng thì cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ không hỗ trợ một hệ thống yêu cầu người Mỹ phải mang theo chứng nhận tiêm chủng hay còn gọi là "hộ chiếu vắc xin". Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh sẽ không có dữ liệu tiêm chủng liên bang và không có nhiệm vụ liên bang yêu cầu tất cả mọi người phải có chứng nhận tiêm chủng.

Trong khi đó, bản thân chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đang gặp khó trong việc triển khai “hộ chiếu vắc xin” do bất đồng với Công đảng đối lập. Một số ý kiến lo ngại, việc áp dụng hộ chiếu vắc xin sẽ tạo ra một “nước Anh hai tầng” khi ngăn cản những người không được tiêm vắc xin đi du lịch hoặc tiếp cận các dịch vụ nhất định.

Nhân viên y tế tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại một bệnh viện ở Đức.    Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vắc xin ngừa Covid-19 tại một bệnh viện ở Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Các quốc gia Đông Nam Á cũng đang có quan điểm khác nhau về vấn đề này. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đang lên phương án nghiên cứu, trước hết là phương án cách ly phù hợp với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin theo quy định. Hiện Việt Nam đang làm việc với các nước trên thế giới về việc chấp nhận “hộ chiếu vắc xin” thông qua mã QR-code. Hệ thống tiêm chủng của Việt Nam sẽ liên thông với quốc tế, sau này là "hộ chiếu vắc xin" quản lý toàn bộ bằng QR code. Người tiêm ngừa vắc xin tại Việt Nam sẽ được cấp giấy chứng nhận đã tiêm chủng, đồng thời cập nhật thông tin trên hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử.

Theo người phát ngôn Tổ chức Y tế thế giới  Margaret Harris, cơ quan này không ủng hộ việc yêu cầu "hộ chiếu vắc xin" khi đi du lịch vào thời điểm hiện nay bởi thế giới vẫn chưa thể chắc chắn liệu việc tiêm chủng có ngăn chặn được sự lây truyền của vi rút hay không, cũng như những lo ngại về công bằng.

Thái Lan đang đàm phán về “bong bóng du lịch” với các nước khác. Theo đó, những người đã tiêm hai mũi vắc xin ngừa Covid-19 sẽ nhận được một giấy chứng nhận mà sẽ được coi là "hộ chiếu vắc xin" để mang theo mọi lúc mọi nơi. Còn Malaysia và Singapore sẽ triển khai chứng nhận tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 dưới dạng kỹ thuật số. Chứng nhận này được đảm bảo bằng công nghệ chuỗi khối (blockchain), cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa trên hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp và đi kèm với tính năng có thể truy xuất nguồn gốc, có thể cho biết chính xác lô vắc xin đã được sử dụng để tiêm chủng.

Trong khi đó, tại Indonesia, mặc dù công tác tiêm chủng đang được triển khai rất khẩn trương song nước này vẫn chưa sử dụng thuật ngữ “hộ chiếu vắc xin”. Một trong những lý do mà Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia Sandiaga Uno đưa ra là do việc phân phối và tiêm chủng vắc xin trong nước vẫn còn gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, quốc gia này được cho là đang đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số ca mắc và tử vong do đại dịch. Những người đã tiêm vắc xin tại Indonesia vẫn chưa nhận được chính sách ưu tiên nào so với những người chưa được tiêm chủng, ngoài việc được cấp giấy chứng nhận đã tiêm vắc xin Covid-19 để khích lệ người dân tiêm chủng. Mọi hoạt động đi lại bằng phương tiện máy bay, tàu hỏa hay tàu biển cũng như các hoạt động hội họp vẫn yêu cầu thực hiện các xét nghiệm Covid-19 và thực hiện các giao thức y tế.

Về mặt lý thuyết, những chính sách kiểu "hộ chiếu vắc xin" sẽ giúp kiểm soát đại dịch nói chung, giảm thiểu các bệnh lây nhiễm cộng đồng và ngăn chặn sự gián đoạn kinh tế vốn chủ yếu rơi vào các nhóm yếu thế. Hơn nữa, nếu quyết định triển khai "hộ chiếu vắc xin", các chính phủ cũng sẽ buộc phải tăng cường hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng quốc gia. Chính vì thế, theo các nhà khoa học, vấn đề không nằm ở “hộ chiếu vắc xin”, mà ở cách các nước giải quyết sự bất bình đẳng trong tiêm phòng vắc xin.

 Hồng Hà (tổng hợp)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.